Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tiện ích từ truy xuất nguồn gốc hàng hoá qua ứng dụng điện tử

Cập nhật ngày: 29/01/2018 - 09:53

BTN - Truy xuất nguồn gốc điện tử là phương pháp cung cấp những thông tin cần thiết đến người tiêu dùng, giúp họ hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất sản phẩm.

Trong thời đại công nghệ 4.0, việc áp dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp rất cần thiết. Một trong những mối quan tâm hàng đầu hiện nay của người tiêu dùng là an toàn vệ sinh thực phẩm, là chất lượng, nguồn gốc thực phẩm đang sử dụng. Truy xuất nguồn gốc điện tử là phương pháp cung cấp những thông tin cần thiết đến người tiêu dùng, giúp họ hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất sản phẩm.

Anh Trần Trung Kiên- Tổ trưởng Tổ sản xuất mãng cầu xã Suối Ðá (huyện Dương Minh Châu) cho biết, Tổ sản xuất được thành lập vào năm 2014, đến tháng 1.2016 thì được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Tổ có 8 thành viên với tổng diện tích sản xuất 22,7 ha, bình quân mỗi năm sản lượng thu hoạch khoảng 244 tấn.

Anh Kiên cũng là người thu mua sản phẩm của Tổ sản xuất. Hiện nay, đầu ra sản phẩm chủ yếu là 4 thị trường: Hà Nội, chợ Thủ Ðức (TP. HCM), Long Xuyên (An Giang) và Ðà Lạt. Ðối với thị trường Hà Nội, lượng tiêu thụ từ đầu năm đến nay khoảng 40 tấn.

Một trong những đối tác của anh tại Hà Nội đặt ra yêu cầu; mãng cầu của anh phải cung cấp đầy đủ giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, mỗi trái mãng cầu phải có tem truy xuất nguồn gốc để quét mã QR. Anh Kiên chia sẻ, do đây là đơn vị cung ứng thực phẩm sạch nên có yêu cầu khá nghiêm ngặt đối với sản phẩm nhập vào. Ðiều quan trọng là khi test sản phẩm ngẫu nhiên phải bảo đảm không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Hiện anh Kiên đang xúc tiến việc làm tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Theo anh, việc truy xuất nguồn gốc trên trái mãng cầu đối với nông dân rất có lợi, giúp tăng giá trị của trái mãng cầu VietGAP, quảng bá hình ảnh, chất lượng của trái mãng cầu Tây Ninh đến nhiều người tiêu dùng.

Tại hội thảo chuyển đổi cây trồng hiệu quả thấp sang cây dứa gắn với tiêu thụ sản phẩm do Trung tâm Khuyến nông tổ chức, ông Ðinh Hùng Dũng- Phó Giám đốc Công ty CP Lavifood cho hay, công ty đang xây dựng nhà máy Tanifood tại xã Thạnh Ðức (huyện Gò Dầu).

Nhà máy có đầy đủ các công nghệ sản xuất, đông lạnh, cô đặc, công nghệ về các loại nước ép, sấy khô, sấy dẻo... Hiện, công ty đang thu mua 3 loại trái cây chủ lực trên địa bàn tỉnh để phục vụ cho nhà máy chế biến trái cây trong thời gian tới, đó là xoài, chanh dây và khóm.

Theo ông Dũng, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với người trồng có thể giúp sản phẩm của nông dân làm ra cạnh tranh với các sản phẩm khác trong nước và quốc tế, vì có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng. Sản phẩm khi được đưa về nhà máy sẽ được đăng ký mã truy xuất với một đơn vị chủ quản quản lý mã truy xuất này.

Chẳng hạn như khóm của nông dân sản xuất, khi nhà máy ký hợp đồng thu mua, sản phẩm làm ra sẽ có mặt ít nhất tại một siêu thị ở Việt Nam. Sản phẩm vào siêu thị sẽ được dán mã truy xuất lên từng trái khóm. Khách hàng dùng điện thoại quét qua mã vạch của trái khóm thì ngay lập tức hồ sơ vùng trồng, nhật ký cây trồng sẽ hiện lên trên điện thoại, lúc này, khách hàng sẽ yên tâm vì sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, việc áp dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc chưa được phổ biến, mới chỉ có một vài doanh nghiệp thực hiện. Một trong số những đơn vị này là Công ty Nam Trạng. Theo anh Lê Hoàng Nam- Giám đốc công ty, vào tháng 8.2017, công ty đã phối hợp với VNPT Tây Ninh triển khai thực hiện việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng cách quét tem QR trên nhãn/bao bì sản phẩm bằng phần mềm cài đặt trên điện thoại.

Việc dùng tem truy xuất nguồn gốc, chứng minh được với người tiêu dùng là sản phẩm xuất xứ từ đâu. Công ty mới áp dụng việc truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm do nông trại của công ty sản xuất và các sản phẩm combo (sản phẩm gồm các loại thực phẩm, nguyên liệu khác nhau, đã được sơ chế sạch).

Nông trại của công ty có diện tích 2,9 ha, trong đó, hệ thống nhà màng có diện tích khoảng 2.000m2.  Nông trại có trên 20 loại rau ăn lá, rau ăn quả như cải bẹ xanh, bẹ xanh đuôi phụng, cải ngọt, rau dền, cải thìa, củ cải trắng, củ cải đỏ, đậu bắp, đậu rồng, ớt…

Theo VNPT Tây Ninh- đơn vị triển khai ứng dụng VNPT Check (mã xác thực thông minh, được thể hiện bằng tem QR dán trên bao bì sản phẩm), việc áp dụng truy xuất nguồn gốc hàng hoá mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước. Ðối với doanh nghiệp, ứng dụng này giúp quảng bá, tăng độ nhận biết sản phẩm. Doanh nghiệp có thể nhận phản hồi trực tiếp từ người tiêu dùng, qua đó, tạo niềm tin, xây dựng thương hiệu, uy tín đối với khách hàng.

Song song đó, người tiêu dùng cũng có thể kiểm tra được nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá mà mình sử dụng, đồng thời tiếp cận được nhiều sản phẩm, thông tin khác của doanh nghiệp. Cơ quan quản lý Nhà nước có công cụ hiệu quả để “minh bạch hoá thị trường”, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, bảo vệ thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản tại địa phương.

Ông Nguyễn Duy Ân- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, năm 2018, Sở sẽ xây dựng mô hình truy xuất nguồn gốc cho một mô hình trên cây rau và hai mô hình trên cây ăn quả với sản phẩm đã được chứng nhận VietGAP, tiến tới truy xuất nguồn gốc nâng lên tiêu chuẩn GlobalGAP.

TRÚC LY