BAOTAYNINH.VN trên Google News

7 doanh nghiệp nhà nước bán ngay ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng

Cập nhật ngày: 23/12/2009 - 06:10

 

Một số doanh nghiệp nhà nước bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng để tăng nguồn ngoại tệ phục vụ nhu cầu của nền kinh tế

Ngày 23.12, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu 7 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước bán ngay số ngoại tệ dưới dạng tiền gửi và các nguồn thu vãng lai cho các Tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối.

Động thái này của Chính phủ nhằm bảo đảm được yêu cầu quản lý ngoại hối của Nhà nước. Đồng thời, tăng cường nguồn ngoại tệ phục vụ nhu cầu của nền kinh tế quốc dân.

7 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện chỉ đạo trên của Thủ tướng Chính phủ gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty lương thực miền Nam, Tổng Công ty lương thực miền Bắc, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam, Tổng Công ty Cảng hàng không miền Nam  và Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam.

Thủ tướng lưu ý, các Tổ chức tín dụng, bao gồm cả Tổ chức tín dụng đã mua ngoại tệ của 7 đơn vị trên, có trách nhiệm đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu ngoại tệ cho các Tập đoàn và Tổng công ty nhà nước khi họ có nhu cầu thanh toán.

Đây là chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng Chính phủ giải quyết thực trạng hiện nay, các nguồn thu ngoại tệ chủ yếu của Việt Nam như xuất khẩu, kiều hối, đầu tư nước ngoài, du lịch đều giảm, trong khi nhu cầu sử dụng ngoại tệ để phát triển kinh tế, phục vụ đời sống vẫn còn ở mức cao, gây ra hiện tượng mất cân bằng cung cầu ngoại tệ trên thị trường ngoại hối.

Đặc biệt, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, hiện họ đang rất cần nguồn ngoại tệ để nhập khẩu các thiết bị, máy móc và nguyên liệu để phục vụ sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tâm lý găm giữ đầu cơ ngoại tệ cũng là yếu tố tạo thêm căng thẳng trên thị trường trong thời gian qua. Trong cuộc trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ vào đầu tháng 12/2009, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình ghi nhận, thời gian qua, hoạt động đầu cơ, kinh doanh ngoại tệ trái phép, gây phức tạp cho thị trường ngoại hối chủ yếu tập trung ở các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng bạc không được Ngân hàng nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ. Tình trạng này diễn biến khá phức tạp ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Số liệu ngân hàng cho thấy, tình hình giao dịch trên thị trường tuần qua (từ 11-17.12.2009) cho thấy, doanh số giao dịch liên ngân hàng đạt xấp xỉ 120.350 tỷ đồng và 2.033 triệu USD, bình quân đạt khoảng 24.070 tỷ đồng và 406 triệu USD một ngày.

So với tuần liền trước, doanh số giao dịch tuần qua tăng lên đối với cả đồng Việt Nam và USD (tăng 8.507 tỷ đồng và 580 triệu USD).



 

Bởi vậy, biện pháp trên đây của Chính phủ không chỉ nhằm tăng cường nguồn ngoại tệ phục vụ nhu cầu của nền kinh tế mà còn thể hiện rõ ràng về trách nhiệm, vai trò quan trọng của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đối với quốc gia trong việc bảo đảm ngoại hối.

Theo số liệu tính đến ngày 30.11.2009 của Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, số dư tiền gửi có kỳ hạn của các tập đoàn, tổng công ty lớn vào khoảng 1,2 tỷ USD và số dư tiền gửi không kỳ hạn là khoảng 700 triệu USD. Hiện tại, tổng lượng ngoại tệ trên tài khoản của các tổ chức, doanh nghiệp gửi ngân hàng vào khoảng 10,3 tỷ USD.

Như vậy, với sự can thiệp (bán ngoại tệ cho ngân hàng) của 7 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, thị trường ngoại tệ trong thời gian ngắn được dự báo là sẽ có những diễn biến tích cực. Yếu tố phải nhắc đến là tỷ giá có thể có thay đổi nhưng sẽ là những biến động tích cực, có tác dụng đáp ứng nhu cầu và ổn định thị trường, nhất là trong những ngày cuối năm.

Được biết, trước đó, từ ngày 30.11.2009, Ngân hàng nhà nước cũng đã tiến hành việc bán ngoại tệ can thiệp ra thị trường như đã thông báo tại Công văn số 9430/NHNN-QLNH: Bán cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm 5% trở xuống, ưu tiên các mặt hàng phục vụ sản xuất.

Theo nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, trong tháng 12 này khi chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là bước sang năm mới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải có quy định cụ thể về nguồn ngoại tệ đơn vị phải bán, quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc mua, bán ngoại tệ và chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện đúng quy định.

(Theo chinhphu.vn)