BAOTAYNINH.VN trên Google News

Băn khoăn đất lúa

Cập nhật ngày: 14/05/2012 - 07:37

Trong những năm qua, Tây Ninh thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng- từ cây có giá trị kinh tế thấp sang cây có giá trị kinh tế cao. Trong giai đoạn đầu, vùng đất chuyển đổi cây trồng mạnh nhất là vùng đất lúa sản xuất 1 vụ trong năm và có năng suất kém. Thế nhưng dần về sau, cả những vùng đất lúa sản xuất được 2 vụ trong năm cũng “được” chuyển đổi sang trồng loại cây lâu năm có giá trị kinh tế cao như cao su. Kết quả là trong 10 năm qua, diện tích đất trồng lúa ở Tây Ninh giảm mạnh. Đây là một trong những nỗi băn khoăn của tỉnh khi cả nước đặt ra vấn đề an ninh lương thực.

10 năm, đất lúa giảm hơn 30.000ha

Kể từ khi các nhà máy chế biến mía đường công suất lớn hình thành ở Tây Ninh, diện tích đất trồng lúa bắt đầu bị thu hẹp do cây mía phát triển lấn sang diện tích đất trồng lúa. Từ sau năm 2000, diện tích lúa tiếp tục bị thu hẹp nhanh do các nhà máy chủ trương đầu tư phát triển mía xuống vùng đất thấp để tăng năng suất và sản lượng mía. Nhiều nông dân chuyển đất trồng lúa sang trồng mía để có lợi nhuận nhiều hơn. Có lúc, tổng diện tích mía được đưa xuống vùng thấp đạt đến hơn 20.000ha, đồng nghĩa với hàng chục ngàn ha lúa bị mất. Sau đó vài năm giá trị cây mì ngày càng cao nên diện tích cây khoai mì phát triển ngày càng mạnh- bất chấp sự khuyến cáo của cơ quan chức năng về sự thoái hoá đất do trồng mì. Lúc đầu cây mì phát triển ở những vùng gò cao, nhưng sau đó có một số vùng đất thấp cũng chuyển sang trồng mì. Diện tích cây mì ở Tây Ninh có lúc lên đến 45.000ha, trong khi Nhà nước định hướng phát triển có 20.000- 25.000 ha mà thôi. Tuy nhiên, cho dù đất trồng lúa có chuyển sang trồng mía trồng mì thì cũng là các loại cây hằng năm, nếu như cần thiết thì không khó để chuyển lại trồng lúa. Thế nhưng, khi giá trị cây cao su tăng rất cao, những vùng đất cao chuyển sang trồng cao su đã đành, nhiều vùng đất thấp cũng chuyển sang trồng cây cao su- trong đó có đất trồng lúa. Không ít khu vực thuộc vùng đất thấp người dân lên líp, đắp ụ để trồng cao su. Trong vòng 10 năm- từ năm 2000 đến năm 2010, diện tích cây cao su ở Tây Ninh đã tăng từ 29.000 ha lên gần 78.000 ha. Đất trồng lúa tiếp tục bị mất. Mà đất trồng lúa khi đã chuyển sang trồng cây cao su thì gần như là mất hẵn, không thể chuyển lại được.

Mía xuống vùng thấp làm diện tích lúa bị thu hẹp

Theo thống kê của ngành chức năng, năm 2000 diện tích đất trồng cây hằng năm ở Tây Ninh vào khoảng hơn 220.000 ha, đến năm 2010 chỉ còn 146.000 ha. Trong đó riêng đất trồng lúa ở Tây Ninh năm 2000 vào khoảng 114.600 ha, năm 2005 còn 97.900 ha và đến năm 2010 chỉ còn 83.770 ha. Như vậy, trong vòng 10 năm- từ năm 2000 đến năm 2010 diện tích đất trồng cây lâu năm ở Tây Ninh giảm hơn 74.000 ha, trong đó riêng đất trồng lúa đã giảm đến hơn 30.000 ha. Tuy nhiên, do được đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng và nhiều trạm bơm, diện tích sản xuất lúa 2, 3 vụ tăng lên nên tổng diện tích lúa trong năm (cả 3 vụ) trong 10 năm qua chỉ giảm có hơn 19.000 ha. Đồng thời, do năng suất lúa luôn được chú trọng và ngày càng tăng nên tuy diện tích đất lúa giảm nhưng tổng sản lượng lúa toàn tỉnh trong 10 năm qua vẫn có tăng.

Diện tích đất đang trồng lúa thực tế là bao nhiêu?

Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường, qua đợt khảo sát những năm trước đây tổng diện tích đất trồng lúa ở Tây Ninh vào khoảng 83.700 ha. Tuy nhiên trong vài năm gần đây, có một số diện tích đất lúa tiếp tục chuyển sang cây trồng khác, nhưng chưa xác định chính xác là giảm bao nhiêu. Còn theo chuyên gia tư vấn lập quy hoạch phát triển nông nghiệp Tây Ninh đến năm 2020 thì diện tích đất lúa thực tế đã giảm khá nhiều. Qua khảo sát thực tế một số khu vực trước đây là đất trồng lúa thuộc các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, đơn vị tư vấn cho biết hiện tại đã có hơn 10.000ha không còn trồng lúa nữa. Hiện tại, có khả năng đất thực tế đang trồng lúa ở Tây Ninh chỉ khoảng hơn 70.000ha. Trong khi đó, đối với ngành Thống kê thì chỉ thống kê diện tích lúa chứ không xác định diện tích đất thực tế có trồng lúa. Cụ thể tổng diện tích lúa cả ba vụ năm 2010 trên địa bàn tỉnh là 154.192ha. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thế, chỉ thống kê diện tích lúa chứ không có con số diện tích đất lúa.

Có ý kiến cho rằng, nếu không nắm vững diện tích thực tế đất trồng lúa sẽ ảnh hưởng đến chất lượng quy hoạch phát triển nông nghiệp nói chung và sự phát triển cây lúa nói riêng.

Thu hoạch lúa

Quy hoạch đất lúa phải phát triển được cây lúa

Theo Quy hoạch sử dụng đất tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 thì diện tích đất lúa là 80.479 ha, trong đó có 55.688 ha là đất chuyên lúa. Còn theo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cấp quốc gia của Chính phủ phân bổ cho Tây Ninh thì diện tích đất lúa là 81.000 ha, trong đó 58.540 ha là đất chuyên lúa. Hai con số quy hoạch đó chênh lệch không lớn, chỉ hơn 500 ha, nên khả năng điều chỉnh cho khớp không phải là việc khó khăn. Theo quan điểm của tỉnh thì đến năm 2020 cần giữ vững diện tích đất lúa là 81.000 ha theo phân bổ của Chính phủ.

Tuy nhiên, vấn đề được nhiều người quan tâm là quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch đất lúa thế nào để cây lúa thực sự phát triển bền vững, có hiệu quả và diện tích giữ vững được chứ không phải quy hoạch cho có đủ diện tích. Có ý kiến cho rằng, muốn cây lúa phát triển bền vững thì khi quy hoạch vùng lúa trước tiên phải chú trọng đến tính thích nghi và có cơ sở khoa học. Đất Tây Ninh không phải nơi nào cũng có lợi thế về cây lúa- thậm chí có những vùng cây lúa không thể phát triển được. Cho nên khi quy hoạch phải chọn những khu vực có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với sự phát triển của cây lúa và những vùng có hệ thống thuỷ lợi sẽ là những vùng chuyên lúa. Đồng thời, để giữ vững được diện tích lúa theo quy hoạch thì việc căn cơ là phải làm sao cho người nông dân trồng lúa có thu nhập bằng hoặc hơn so với các loại cây trồng khác. Muốn như vậy phải có chính sách khuyến khích phát triển cây lúa thế nào cho nông dân yên tâm khi chọn cây lúa là cây trồng cho thu nhập chính.

Thực tế, ngành chức năng không thể “buộc” nông dân phải trồng lúa theo quy hoạch, mà chỉ vận động nông dân trồng lúa qua tuyên truyền, dự báo, định hướng và nhất là các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người trồng lúa.

Sơn Trần