BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Chiến thắng Điện Biên” - thiên anh hùng ca đi cùng năm tháng 

Cập nhật ngày: 06/05/2024 - 15:02

Thiên anh hùng ca của nhạc sỹ Đỗ Nhuận không chỉ trở thành bài hát “nằm lòng” của bao thế hệ người Việt Nam mà nó còn được vang ở nhiều nơi trên thế giới.

Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thường nhắc nhạc sỹ Đỗ Nhuận sáng tác để mừng chiến thắng và “Chiến thắng Điện Biên” là một trong những ca khúc từ "mệnh lệnh" này.

Tôi nhớ, trong một lần trả lời phỏng vấn phóng viên VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam), nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân - con trai của cố nhạc sỹ Đỗ Nhuận cho biết đại ý: Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, mỗi lần gặp cha mình, Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thường nhắc ông chuẩn bị viết một bài ca để mừng chiến thắng. Vì thế, với ông, đây không chỉ là lời nhắc nhở mà còn là mệnh lệnh...

Với tôi, mỗi khi nghe đâu đó vang lên bản nhạc “Chiến thắng Điện Biên” đầy hào sảng, kiêu hùng, tôi lại nhớ về một lần được vinh hạnh ngồi hầu chuyện 3 nhạc sỹ nổi tiếng của đất nước (trong đó có nhạc sỹ Đỗ Nhuận) cách đây tròn 48 năm, tại Nhà khách Bộ Quốc phòng (66 Hoàng Diệu - Hà Nội).

Đó là một chiều tháng Tư, năm 1976, tôi được Đại tá Phan Thống - Giám đốc Nhà khách Bộ Quốc phòng là bạn vong niên cùng quê Hà Tĩnh điện lại chơi, uống bia hơi giải nhiệt. Khi tôi gõ cửa phòng giám đốc, quá bất ngờ, thấy anh Thống đang tiếp 3 người, cười nói vui vẻ. Ngoài các anh Thuận Yến và Thanh Phúc là 2 nhạc sỹ quen thân, cùng là lính Tổng cục Chính trị với tôi, còn có nhạc sỹ Đỗ Nhuận. Tôi nhận ra ngay bởi ông rất đẹp trai, đôi mắt sáng dưới cặp kính gọng đen và một mái tóc điệu nghệ, luôn được chăm sóc “cẩn thận”.

Nhạc sỹ Đỗ Nhuận. (Ảnh: Quốc Huy).

Tôi chủ động cúi chào: “Em kính chào bác Tổng Thư ký Đỗ Nhuận ạ!”. Không khỏi ngạc nhiên vì một chú Thượng úy lạ hoắc mà lại biết mình với cả chức danh Tổng Thư ký Hội Nhạc sỹ Việt Nam nữa, anh Nhuận xô ghế đứng dậy, giơ tay kéo tôi ngồi vào cuộc một cách rất thân mật. Đại tá Phan Thống giới thiệu tôi với 3 anh. Song ngoài anh Đỗ Nhuận ra thì chúng tôi đều là dân báo chí - văn nghệ của Tổng cục Chính trị, thân quen nhau từ lâu. Trung tá Thanh Phúc là BTV âm nhạc, Phòng Phát thanh Quân đội; anh Thuận Yến là nhạc sỹ của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị.

Câu chuyện của 4 chúng tôi xoay quanh lĩnh vực âm nhạc. Anh Thống gợi ý: “Bia hơi, lạc húng lìu ngon thế này mà được Thanh Phúc kể cho anh em nghe xuất xứ của bài “Hà Giang quê tôi” và cô gì gì người Thái ở Quản Bạ mê nhạc sỹ như điếu đổ chỉ vì bài hát này thì chỉ có nhất”. Anh Phúc cười, nhìn sang anh Đỗ Nhuận, khiêm nhường nói: “Theo tôi, sắp tới 7/5 rồi, để nghe bác Nhuận “Tượng đài âm nhạc cách mạng” tâm sự về tuyệt phẩm “Chiến thắng Điện Biên” vừa hay, vừa mang ý nghĩa lớn”.

Có lẽ 4 từ “Chiến thắng Điện Biên” đã vô tình khơi dậy trong lòng nhạc sỹ Đỗ Nhuận những kỷ niệm đẹp nhất của cuộc đời sáng tác. Anh cười rất vui, mắt chớp chớp ngước nhìn lên bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp được anh Phan Thống treo trang trọng trong phòng làm việc.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, con trai nhạc sĩ Đỗ Nhuận chia sẻ: "Từ năm 14 tuổi, bố tôi đã tự học nhạc". (Ảnh: Đinh Lạc Thành).

Nhạc sỹ Đỗ Nhuận hào hứng kể: Anh được sinh ra và lớn lên tại Hải Dương, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng và trở thành người lính hoạt động trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Mùa xuân năm 1954, được cấp trên giao nhiệm vụ làm Trưởng đoàn Văn công Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và được giao dẫn đoàn lên Tây Bắc tham gia chiến dịch “Trần Đình” (mật danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ). Sự chiến đấu, hy sinh quả cảm của quân và dân ta tại chiến trường gian khổ này đã thành nguồn cảm hứng giúp anh cho ra đời nối tiếp nhau 3 bài hát tiêu biểu là: “Hành quân xa”, “Trên đồi Him Lam”, “Chiến thắng Điện Biên”.

Anh kể tiếp, buổi chiều ngày 7/5/1954, khi đoàn văn công đang cuốc đất, rải đá làm đường cùng bộ đội thì bỗng một đồng chí liên lạc từ Bộ Chỉ huy mặt trận đạp xe qua, reo to: “Mường Thanh địch hàng rồi! Giải phóng Điện Biên rồi!”. Không ai bảo ai, cả đoàn vứt cuốc, xẻng xuống đường, ôm lấy nhau, nhảy cẫng lên, reo hò đến khản giọng.

“Trong tôi lúc đó cứ phảng phất câu nói của người chiến sĩ liên lạc: “Giải phóng Điện Biên! Giải phóng Điện Biên!...”. Thế rồi, ngay đêm hôm đó, nhạc sỹ hầu như thức trắng, ngồi trong lán nhỏ, ôm đàn, miệng lẩm nhẩm từng nốt nhạc. Và rồi, như một dòng suối cảm xúc tuôn trào, những nốt nhạc, ca từ cứ hiện lên nối tiếp nhau: “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về/ Giữa mùa hoa nở/ Miền Tây Bắc tưng bừng vui...”.

Sau này, theo nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, đầu tiên, nhạc sỹ Đỗ Nhuận đặt tên cho ca khúc là “Chiến thắng Điện Biên”. Có lẽ vì câu mở đầu bài hát là “Giải phóng Điện Biên”, nên ai cũng nhớ đến cụm từ đó mà truyền khẩu cho nhau, nghe mãi thành quen. Phải đến năm 1957, “Chiến thắng Điện Biên” mới được thu âm lần đầu tiên tại Đài Tiếng nói Việt Nam, với sự tham gia của một dàn nhạc lớn và dàn hợp xướng một trăm người, tên gọi đó mới trở thành chính thức cho đến nay.

Một chi tiết khá thú vị tôi còn nhớ được do anh Đỗ Nhuận kể lại trong lần “bia hơi lịch sử” ấy. Vì điều kiện ở chiến trường, không có phòng tập, phòng thu nên sáng hôm sau khi bài hát được viết xong, nhạc sỹ đã phổ biến bằng cách hát truyền miệng cho các chiến sĩ. Chẳng mấy chốc, bài hát được lan truyền nhanh chóng và được các nhạc sỹ: Lương Ngọc Trác, Thanh Phúc, họa sỹ Mai Văn Hiến cùng các ca sĩ Kim Ngọc, Trần Thị Ngà... hát tặng các chiến sĩ ngay tại mặt trận. Rồi bài hát được tập thể văn công cùng chiến sĩ hát vang lên trong khu rừng Mường Phăng tại lễ mừng chiến thắng do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì tổ chức.

Nhạc sỹ cho biết thêm, mỗi khi đến ngày lễ kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, anh đều mặc quân phục chỉnh tề, đến thăm Đại tướng. Đại tướng không quên nhắc lại hai ca khúc của anh mà ông rất thích, đó là “Chiến thắng Điện Biên” và “Du kích sông Thao”.

Thiên anh hùng ca chiến thắng lịch sử "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" Điện Biên Phủ của nhạc sỹ Đỗ Nhuận không chỉ trở thành bài hát “nằm lòng” của bao thế hệ người Việt Nam mà nó còn được vang lên nhiều lần, ở nhiều nơi trên thế giới.

Nguồn BHT