BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hội thảo về quy hoạch Khu di tích Trung ương Cục: Không nên xen du lịch, dịch vụ vào khu di tích

Cập nhật ngày: 07/08/2011 - 05:54

Chủ toạ Hội thảo

(BTNO) – Ngày 7.8, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo về Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Khu di tích Trung ương Cục miền Nam (xã Tân Lập, huyện Tân Biên).

Hội thảo diễn ra tại Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam với sự tham dự của ông Phan Văn Khải – nguyên Thủ tướng Chính phủ cùng các lão thành Cách mạng từng tham gia trong Ban chỉ đạo xây dựng Khu di tích lịch sử Cách mạng miền Nam và Ban cố vấn thực hiện Hồi ký Chiến khu Bắc Tây Ninh như Trần Trọng Tân, Phan Minh Tánh, Lữ Minh Châu, Trần Hữu Phước. Ngoài ra còn đại diện Cục Di sản Văn hoá thuộc Bộ VH-TT&DL, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Viện lịch sử Công an Nhân dân.

Về phía tỉnh Tây Ninh có bà Nguyễn Thị Minh – nguyên Bí thư Tỉnh uỷ, ông Võ Văn Phuông – Uỷ viên trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Chủ tịch UBND tỉnh cùng các Phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các ngành, các cấp tỉnh Tây Ninh.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ phát biểu khai mạc Hội thảo.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Tây Ninh được Trung ương Đảng chọn làm nơi đứng chân của các cơ quan đầu não Cách mạng miền Nam như: Trung ương Cục, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, các địa điểm trên được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ VH–TT&DL) xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Từ năm 1994 – 2005, Bộ VH-TT đã đầu tư trên 20 tỷ đồng để tu bổ, phục chế tôn tạo 3 khu di tích, thực hiện việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ các cuộc hành hương về nguồn của các bậc lão thành cách mạng, nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và là địa điểm thu hút khách tham quan, du lịch…

Tuy nhiên, công tác bảo tồn, tôn tạo chỉ dừng lại ở việc phục dựng nhà ở và nơi làm việc của các đồng lãnh đạo Cách mạng miền Nam, nhà ăn, hội trường, bếp Hoàng Cầm, một số đoạn giao thông hào… chưa thể hiện được tầm vóc và quy mô của cơ quan đầu não kháng chiến. Nguyên nhân chủ yếu là tư liệu, tài liệu về sinh hoạt và hoạt động tại các khu căn cứ khi đó rất hiếm, chỉ thu thập qua lời kể những người từng sống, chiến đấu tại nơi đây, điều kiện kinh phí đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu. Ngoài ra, các cơ sở dịch vụ phục vụ cho việc ăn, ở, nghỉ ngơi, mua sắm hàng lưu niệm… đều chưa có, do đó du khách gặp nhiều khó khăn khi đến tham quan, làm giảm sức thu hút của Khu di tích.

Hiện nay, Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát đang được đầu tư xây dựng ở vị trí nằm giữa 3 khu di tích. Trong tương lai, khu vực này sẽ trở thành khu đô thị sầm uất, là nơi tham quan mua sắm của khách du lịch trong và ngoài nước. Đây cũng là cơ hội tốt để tổ chức quảng bá các khu di tích. Vì vậy, nếu không tiếp tục đầu tư cho hệ thống di tích lịch sử văn hoá Trung ương Cục, không chỉ thiếu cơ sở phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học về các lĩnh vực quân sự, xây dựng căn cứ, nghệ thuật chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng trong kháng chiến chống Mỹ… mà còn khó thu hút khách tham quan. Tính cấp thiết còn thể hiện ở việc hiện nay số nhà cách mạng lão thành còn không nhiều, đa số tuổi cao, sức yếu, nếu chậm sẽ gây khó khăn cho công tác sưu tầm tư liệu, hiện vật.

Toàn cảnh Hội thảo

Trong bài phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ nhấn mạnh: “Khu di tích Trung ương Cục phải được trùng tu, tôn tạo, tái hiện lịch sử một cách chân thật, sinh động, xứng đáng với tầm vóc của mình, trở thành ‘Địa chỉ đỏ’ cho các thế hệ mai sau, đáp ứng được tình cảm, nguyện vọng của những người đã từng sống, chiến đấu ở nơi đây. Đồng thời phát huy thế mạnh, khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, kết hợp các lễ hội về nguồn, giáo dục truyền thống, nghiên cứu lịch sử, phát huy giá trị các di tích, ghắn kết với phát triển du lịch, nghiên cứu sinh thái rừng và phát triển kinh tế cửa khẩu”.

Một số hạng mục trong khu di tích đã xuống cấp

Cầu qua Suối Tiên Cô trong Khu di tích Trung ương Cục

Hội thảo tập trung vào 3 vấn đề trọng tâm: Bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các khu di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam; Vị trí, chất liệu, kích thước bức tranh hoành tráng đặt tại khu di tích Trung ương Cục miền Nam; Hợp nhất hai đề án: Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị khu di tích Trung ương Cục miền Nam của Ban Quản lý các di tích khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam và Quy hoạch Du lịch căn cứ Trung ương Cục miền Nam của Quân khu 7 và tỉnh Tây Ninh thành “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị và phát triển du lịch khu di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam, tỉnh Tây Ninh”.

Đa số các đại biểu đều đồng ý rằng, việc hợp nhất 2 đề án Quy hoạch là xác đáng để tránh sự chồng chéo trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Ông Nguyễn Hữu Toàn – Cục phó Cục Di sản Văn hoá nhận định, các di tích ở Trung ương Cục hiện nay xuống cấp khá trầm trọng cần phải được trùng tu, tôn tạo. Tuy nhiên, ông Toàn nhấn mạnh, khi quy hoạch cần phải ưu tiên ‘yếu tố gốc của cấu thành di tích’, nghiên cứu, đầu tư những loại hình dịch vụ phù hợp để đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của khách tham quan, du lịch. Tây Ninh nên nhanh chóng hoàn tất thủ tục hồ sơ để Bộ VH-TT&DL đề nghị Chính phủ xếp hạng khu di tích Trung ương Cục miền Nam là di tích quốc gia cấp đặc biệt.

Ông Nguyễn Hữu Toàn – Cục phó Cục Di sản Văn hoá

Về bức tranh (hay phù điêu) hoành tráng miêu tả khái quát quá trình hình thành, chiến đấu và lãnh đạo cuộc kháng chiến của Trung ương Cục miền nam, ông Toàn cho rằng, hội thảo cần phải xác định rõ nên đặt bức tranh ở đâu? Theo đề nghị của BQL các di tích lịch sử Cách mạng miền Nam, nên đưa bức tranh vào nhà trưng bày của Khu di tích Trung ương Cục miền Nam, nhưng theo ông Toàn, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến toàn bộ nội dung và hình thức của Nhà trưng bày.

Trong khi đó, nhà báo Đinh Phong – thành viên Ban chỉ đạo xây dựng Khu di tích lịch sử Cách mạng miền Nam lại không đồng ý với việc quy hoạch khu bảo tồn di tích và khu du lịch trở thành một quần thể chung. Ông đề nghị, cần phải tôn trọng di tích, đừng vì lợi ích kinh tế mà đánh mất giá trị lịch sử, văn hoá của di tích. Khi quy hoạch, nên để những khu du lịch sinh thái, khu dịch vụ ở một khu riêng, không nên xen vào khu di tích.

Ông Trần Trọng Tân - nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương

Ông Trần Hữu Phước - nguyên Phó trưởng Ban chỉ đạo xây dựng khu di tích cũng tán thành với ý kiến của nhà báo Đinh Phong: không nên để dịch vụ du lịch “chen” vào khu di tích. Ông Phước bày tỏ lo ngại trước tình trạng số lượng khách tham quan, du lịch ở các khu di tích Trung ương Cục ngày càng tụt giảm. “Cần phải xác định được nguyên nhân vì sao số lượng khách đến giảm sút để có giải pháp đầu tư hợp lý, thiết thực” – ông Phước nhấn mạnh. Vị cán bộ lão thành này còn cho rằng, việc đầu tư 500 tỷ để trùng tu khu di tích là quá lớn trong khi chưa tính toán kỹ mức độ hiệu quả của những hạng mục đầu tư. Đặc biệt là việc quy hoạch những khu tưởng niệm của các ban, ngành trực thuộc Trung ương Cục, tránh phá vỡ lịch sử của khu di tích. Ngoài ra, ông Phước cũng “nhắc” Tây Ninh cần phải hoàn thành một trong những tâm nguyện của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là dựng bia tưởng niệm ghi tên ghi đầy đủ tên cán bộ, chiến sĩ đã làm việc, chiến đấu và hy sinh ở Trung ương Cục miền Nam.  

Nhà báo Đinh Phong

Ông Lữ Minh Châu - nguyên Phó trưởng ban chỉ đạo xây dựng khu di tích cho rằng, cần phải bổ sung hiện vật, tư liệu khu di tích cho phong phú, đầy đủ. Ông Nguyễn Văn Tiến - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, bức tranh hoành tráng nên làm bằng gốm sứ, không nên sơn dầu vì mội trường ẩm thấp của rừng Tây Ninh, và cũng không nên đưa vào Nhà trưng bày.

Ông Trần Hữu Phước - nguyên Phó trưởng Ban chỉ đạo xây dựng khu di tích

Ông Lữ Minh Châu - nguyên Phó trưởng ban chỉ đạo xây dựng khu di tích

Ông Nguyễn Văn Tiến - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh

Phát biểu kết luận Hội thảo, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cho rằng, vấn đề quy hoạch tổng thể và bức tranh hoành tráng, Tây Ninh cần phải tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo để tham khảo ý kiến của các cán bộ lão thành từng công tác và đóng góp vào việc xây dựng Khu di tích. Riêng bức tranh hoành tráng, ông đề nghị Tây Ninh nên mời các chuyên gia, nghệ nhân gốm sứ từng thực hiện con đường gốm sứ trong dịp đại lễ 1.000 Thăng Long – Hà Nội tư vấn, thực hiện. Ông cũng đồng ý với quan điểm không nên xen khu du lịch, dịch vụ vào khu di tích.      

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải

Ngoài ra, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đề nghị, nên cải tạo, trồng các loại cây rừng quý hiếm ở Khu di tích nhằm tạo một môi trường xanh, lưu giữ cho con cháu đời sau một “bản sắc” thật sự của rừng Tây Ninh đã từng tồn tại trong những năm tháng kháng chiến.

Đặng Hoàng Thái


 
Liên kết hữu ích