BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh vươn lên tầm cao mới:

Nỗ lực xây dựng quê hương sau ngày giải phóng

Cập nhật ngày: 02/09/2016 - 04:06

Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng (ảnh tư liệu của ngành Thuỷ Nông).

Tây Ninh là tỉnh có xuất phát điểm rất thấp về kinh tế. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Tây Ninh là căn cứ địa cách mạng của Xứ uỷ, sau là Trung ương Cục miền Nam, trở thành điểm đánh phá ác liệt của địch. Theo tài liệu lịch sử, trong chiến tranh, 60/73 xã trong toàn tỉnh bị tàn phá hoàn toàn. Vì thế, sau ngày giải phóng, Tây Ninh hầu như không có cơ sở công nghiệp nào đáng kể, chỉ có vài cơ sở tiểu thủ công nghiệp chế biến nông lâm sản nhỏ bé. Về nông nghiệp thì có “khá” hơn, một số nông dân có máy cày, máy bơm nước.

Hệ thống giao thông giai đoạn này chỉ có 2 lộ nhựa là quốc lộ 22A và 22B nhưng đã bị chiến tranh tàn phá nham nhở nhiều nơi. Các tỉnh lộ, liên tỉnh lộ bị hư hỏng nặng, nhiều đoạn giao thông bị tắc nghẽn. Tài nguyên lớn nhất của Tây Ninh thời điểm này là rừng, nhưng sau chiến tranh cũng không còn nhiều.

Những ngày đầu sau ngày giải phóng, đời sống người dân vô cùng khó khăn. Nạn thất nghiệp, nghèo đói rất nghiêm trọng. Chính quyền tỉnh phải trợ cấp gạo giải quyết nạn đói và phân phối lúa gạo giải quyết nạn thiếu gạo đột xuất cho nhân dân do bọn đầu cơ phá hoại, tạm giao một số ruộng đất cho nông dân thiếu ruộng sản xuất. Ở nông thôn, ruộng bị hạn nhưng thiếu xăng dầu để chạy máy bơm nước tưới, thiếu phân tro bón lúa, gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống nông dân. Cơ sở công nghiệp trong tỉnh vốn đã yếu kém lại bị đình đốn, thiếu điều kiện hoạt động.

Tháng 9.1975, Nghị quyết lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá III) đã xác định nhiệm vụ chiến lược của cả nước trong giai đoạn mới là: hoàn thành thống nhất nước nhà... miền Bắc phải tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, miền Nam phải tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nghị quyết phân tích rõ những khó khăn, thuận lợi của cả nước cũng như của mỗi miền, nhấn mạnh phải kết hợp đúng đắn yêu cầu cải tạo và xây dựng nhằm đạt hiệu quả thiết thực trên các mặt chính trị, kinh tế và từng bước cải thiện đời sống nhân dân.

Quán triệt Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, quân dân Tây Ninh dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ đã nỗ lực trong việc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng một số mặt của Tây Ninh có chuyển biến tốt, mở ra khả năng thực tế to lớn về xây dựng kinh tế, ổn định đời sống nhân dân.

Về nông nghiệp, Tây Ninh đã bước đầu giải quyết được nạn đói, khắc phục tình trạng thiếu lương thực triền miên do hậu quả chiến tranh để lại, mở ra triển vọng mới trong mặt trận sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Để thực hiện tốt thâm canh tăng vụ, tăng diện tích, tăng năng suất lúa và các loại cây trồng, năm 1976, Tỉnh uỷ chỉ đạo các cấp vận động quần chúng tham gia làm thuỷ lợi. Cuộc vận động trở thành phong trào sôi nổi trong nhân dân, biến nhiều cánh đồng 1 vụ lên 2-3 vụ lúa. Sản lượng mì năm 1976 chẳng những cung cấp cho nhân dân trong tỉnh mà còn cung cấp cho Trung ương trên 8.500 tấn bột, trên 4.800 tấn củ mì và trên 1.000 tấn đậu phộng, 12.000 tấn mía cây và cung cấp hàng chục vạn tấn rau tươi cho thành phố Hồ Chí Minh.

Theo sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, phong trào sản xuất tự túc của các cơ quan, đoàn thể các cấp cũng được duy trì và phát triển, đặc biệt ngành quân sự, công an đã tổ chức những trại sản xuất tập trung với hàng trăm ha gieo trồng. Tỉnh được Trung ương đầu tư xây dựng nông trường mía quy mô 20.000 ha, các nông trường khẩn trương quy hoạch xây dựng và chuẩn bị cơ sở vật chất, bước đầu sản xuất và chăn nuôi thí điểm có kết quả tốt.

Kết hợp với phong trào lao động khôi phục và phát triển sản xuất, các huyện tiến hành tổ chức các tổ vần đổi công, tổ đoàn kết sản xuất, lấy tổ chức nông hội làm nòng cốt. Vai trò của các tổ vần đổi công trong quản lý sản xuất và cung ứng vật tư cũng như thu mua nông sản phẩm bước đầu phát huy tác dụng.

Lâm nghiệp của Tây Ninh chiếm một vị trí quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh, nhưng sau giải phóng chưa được quản lý chặt chẽ, tình trạng phá rừng, khai thác gỗ bừa bãi diễn ra khá phổ biến. Cùng với tình trạng trước đây bị bom đạn, chất độc hoá học Mỹ- nguỵ phá hoại nên tài nguyên lâm sản bị thiệt hại nghiêm trọng. Được sự quan tâm của cấp trên, Tỉnh uỷ lãnh đạo, củng cố tổ chức quản lý chặt chẽ hơn công tác khai thác chế biến gỗ. Khai thác lâm sản từng bước đi vào nền nếp.

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và giao thông vận tải của Tây Ninh rất nhỏ bé, bố trí tập trung xung quanh thị xã, thị trấn, xa vùng nguyên liệu. Sau ngày giải phóng, tỉnh chưa kịp tổ chức quản lý để huy động hết năng lực sản xuất phục vụ đời sống nhân dân. Các ngành chưa tập trung quản lý sản xuất, quản lý giá cả, sản phẩm làm ra chất lượng chưa cao.

Sau ngày giải phóng, tỉnh cũng tập trung tu bổ, sửa chữa các trục lộ giao thông chính như: lộ 4, lộ 6, lộ 13, cầu Gò Dầu, cầu Cẩm Giang; mở một số đường mới về vùng căn cứ cũ và phục vụ cho công tác xây dựng khu kinh tế mới, nhưng do nguồn vốn của tỉnh có hạn nên kết quả còn hạn chế.

Đến sau khi kết thúc chiến tranh biên giới Tây Nam (ngày 7.1.1979), Đảng bộ và quân dân Tây Ninh mới thực sự tập trung sức khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển sản xuất. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân dân trong tỉnh tích cực rà gỡ bom mìn, khai hoang phục hoá, mở rộng diện tích đất sản xuất, ổn định lại cuộc sống của nhân dân. Thời điểm này, UBND tỉnh ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, đưa một số giống lúa mới có năng suất cao và áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới vào đồng ruộng tạo điều kiện thâm canh, tăng vụ. Một số cơ sở quốc doanh chưa phát huy được tác dụng, Nhà nước còn phải bù lỗ, nhưng từng bước ổn định và phát triển sản xuất, chăn nuôi. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, được phục hồi và phát triển, sản xuất ra nhiều mặt hàng phục vụ cho nông nghiệp và đời sống nhân dân.

Quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ II của Đảng bộ tỉnh, quân dân Tây Ninh hăng hái thi đua lao động tạo sự chuyển biến mới trong phát triển kinh tế - xã hội năm 1980 và những năm tiếp theo. Sản xuất nông, lâm nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đều phát triển. Diện tích, năng suất, sản lượng của một số cây thế mạnh của tỉnh như: mía, lúa, đậu phộng, thuốc lá và đàn gia súc đều tăng khá, tạo ra thêm một số mặt hàng tiêu dùng mới cho nhân dân, đặc biệt về lương thực đạt mục tiêu 400kg/người. Huy động được khối lượng lương thực nông sản khá lớn, giải quyết một phần khó khăn về đời sống của cán bộ công nhân viên và quần chúng lao động.

Ba mươi năm sau ngày giải phóng (1975-2005), thực tế Tây Ninh đã mất gần 5 năm không có hoà bình trọn vẹn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân dân Tây Ninh cùng một lúc vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa phải chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, vừa cứu đói dân mình, lại cưu mang gần 3 vạn dân Campuchia tị nạn; vừa phải khôi phục và phát triển sản xuất nhằm bảo đảm lo cho đời sống nhân dân Tây Ninh trên mọi mặt. Có thể nói 5 năm đầu sau ngày giải phóng đầy gian khổ, Đảng bộ và quân dân Tây Ninh đã thể hiện rõ tinh thần tự lực tự cường, quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện để hoàn thành 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Thời kỳ 1975-1985, quân dân Tây Ninh tập trung vào nhiệm vụ chính là cải tạo, xây dựng và phát triển nền kinh tế theo Nghị quyết Đại hội IV và V của Đảng đề ra, chủ yếu lấy sản xuất lương thực làm nhiệm vụ trung tâm hàng đầu, cho nên từ chỗ Tây Ninh phải nhận sự chi viện của Trung ương đã phấn đấu không những tự lực được lương thực, mà còn làm nghĩa vụ với Trung ương và từng bước tháo gỡ những khó khăn, đưa nền kinh tế - xã hội đi vào quỹ đạo xã hội chủ nghĩa, tạo ra những vùng chuyên canh lớn: mía, đậu phộng, cao su, lúa. Hệ thống tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng được củng cố, kiện toàn, dân chủ được mở rộng, chính trị ổn định, tạo tiền đề cho sự phát triển mới.

Hồ Dầu Tiếng - công trình đại thuỷ nông giúp Tây Ninh thay da đổi thịt sau ngày giải phóng.

Từ năm 1986-2005, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, cơ chế quản lý kinh tế từ tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong 20 năm, có thời kỳ 1986-1990 đan xen giữa 2 cơ chế, nước ta đang trong tình trạng trầm trọng nhất của khủng hoảng kinh tế - xã hội, sản xuất đình đốn, lạm phát tăng vọt, đất nước bị bao vây về kinh tế, đời sống nhân dân hết sức khó khăn. Tình hình chung đó đã ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội của tỉnh. Những năm 1991-1995 là thời kỳ đi vào thế ổn định và tăng trưởng, giành được những thắng lợi rất quan trọng trong những năm tiếp theo. Kinh tế có mức tăng trưởng cao.

Năm 2005, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng bình quân hằng năm 14%, là mức tăng trưởng cao nhất kể từ trước đó. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Thời kỳ này, Tây Ninh là một trong những tỉnh cân đối được thu chi và có đóng góp cho ngân sách Nhà nước. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Có thể nói rằng, Tây Ninh sau ngày giải phóng có quá nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, tỉnh vẫn nỗ lực ổn định được cuộc sống của nhân dân. Thắng lợi này thể hiện quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Tây Ninh đã động viên mạnh mẽ sự nhiệt tình cách mạng khắp nông thôn, thành thị, tạo nên khí thế chính trị chưa từng có, tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng ở Tây Ninh tiến lên trong giai đoạn mới.

ĐÌNH CHUNG

(Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh giai đoạn 1930 - 2005)


 
Liên kết hữu ích