Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phường rối Thanh Hải

Cập nhật ngày: 02/09/2011 - 11:24

Không chỉ có nét đẹp của mái đình, rặng tre, xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương được biết đến như là một trong những cái nôi của nghệ thuật múa rối nước Việt Nam. Hàng trăm năm qua, các thế hệ nối nghiệp nhau gìn giữ bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Càng gần những ngày cuối năm, phường rối Thanh Hải càng tất bật hơn. Không chỉ những nghệ nhân mà ngay cả bà con nơi đây đều chung niềm vui bởi từ khi phường rối được khôi phục, xuân nào người dân cũng được thưởng thức loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Theo các nghệ nhân cao niên, Phường rối nước Thanh Hải có lịch sử hơn 300 tuổi. Ngày trước rối làng phát triển lắm. Các nghệ nhân không chỉ biểu diễn cho bà con trong làng mà còn “đem chuông đi đánh xứ người”. Một trong những điểm độc đáo của phường rối này chính là ở tích trò do các trưởng phường, các phường viên sáng tác ra. Nội dung chủ yếu là phản ánh về các sinh hoạt đời sống bình dị của người dân Đồng bằng Bắc Bộ như: Hội thi xuống đồng, Vinh quy bái tổ, Pháo chạy chuột... Không chỉ biểu diễn cho bà con trong làng xem, phường rối còn thường xuyên được mời đi biểu diễn ở khắp các tỉnh vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, khói lửa chiến tranh cũng “nhấn chìm” luôn cả phường rối. Các nghệ nhân theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc rời tay con rối để cầm súng chiến đấu. Mãi đến cuối những năm 1990 Phường rối Thanh Hải mới được khôi phục và tiếp tục phát triển cho đến bây giờ. Cụ Kiên, một trong 5 nghệ nhân từng đứng ra khôi phục phường rối hơn chục năm trước tâm sự: “Thời điểm khôi phục phường rối gặp muôn vàn khó khăn, vì chính quyền không có kinh phí hỗ trợ. Tôi và 4 cụ trong làng đứng ra hô hào bà con quyên góp tiền, gỗ... Chúng tôi phải đi khắp làng xin tre, xin gỗ về làm con rối. Ai biết làm nghề mộc thì đẽo gọt quân, ai không biết thì sơn con rối, sắm phục trang, đạo cụ. Suốt 4 tháng ròng rã, phường rối cũng đủ điều kiện để hoạt động trở lại. Dù khó khăn nhưng chúng tôi vẫn tổ chức đi biểu diễn các nơi. Bởi, chúng tôi không muốn thất truyền món nghề độc đáo của quê mình”. 

Câu lạc bộ Rối nước Thanh Hải hiện có 36 người, trong đó có khoảng 17 – 18 người thường xuyên đi biểu diễn các nơi như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội... Những năm qua, phường rối tham gia các liên hoan múa rối tại Huế và Hà Nội, các lễ hội trong và ngoài tỉnh, Festival tuần Văn hóa Huế, Liên hoan nghệ thuật rối nước toàn quốc, Lễ hội đền Hùng... và dành nhiều giải cao. Giải nhất Liên hoan rối nước không chuyên nghiệp toàn quốc lần I năm 2005 và nhiều giải thưởng khác là minh chứng cho những nỗ lực, tâm huyết của các nghệ nhân phường rối Thanh Hải. 

Nói về bí quyết của nghệ thuật múa rối nước của Phường rối Thanh Hải, các nghệ nhân cho rằng, khâu đầu tiên phải chế tác ra con trò sao cho nó có thể quay người, quay cổ uyển chuyển. Rối tốt nhất là được làm bằng gỗ sung, sau đó được đục cốt, đẽo với những đường nét cách điệu riêng rồi gọt giũa, đánh bóng và trang trí bằng nhiều màu sơn khác nhau. Phần thân rối nổi trên mặt nước, phần đế chìm là nơi lắp máy điều khiển cho rối cử động. Khi biểu diễn, người điều khiển cần nắn các động tác con rối thật khớp với nhạc, trống và lời ca... 

Mỗi buổi biểu diễn thường có khoảng 11 – 12 tiết mục, mỗi tiết mục diễn ra trong 5 – 10 phút. Tiết mục biểu diễn đi dây được coi là món nghề độc đáo của Phường rối Thanh Hải. Biểu diễn tiết mục đi dây phải nổi hết được con trò trên mặt mặt nước, trong khi đó các đoàn khác thường đi dây bị ngập nửa con trò. Đây là một tiết mục khó nên không phải đoàn nào cũng thể hiện được. 

Ngày đầu, phường rối chỉ biểu diễn được 5 tích trò nhưng nay đã phát triển lên 18 tích trò. Có những tích trò đặc biệt, nhiều lần đoạt ếch, Pháo chạy chuột, Hội thi xuống đồng... 

Từ trước đến nay, thủ lĩnh của loại hình nghệ thuật truyền thống thường là bậc cao niên, có kinh nghiệm cùng niềm đam mê..., nhưng ở Phường rối Thanh Hải, huyện Thanh Hà, vị Trưởng phường còn rất trẻ, anh Phạm Khắc Xoa. Thanh Hải được coi là cái nôi của nghệ thuật múa rối nước nên thế hệ những người đi sau như anh Xoa vẫn không quên bậc cha ông đã bỏ bao công sức khôi phục để Phường rối Thanh Hải có được ngày hôm nay, càng có trách nhiệm duy trì, không thể để loại hình nghệ thuật này thất truyền. Những món nghề được coi là độc chiêu của phường do các cụ truyền lại vẫn được anh Xoa và các đồng nghiệp trẻ duy trì và biểu diễn. Thời gian tới, Câu lạc bộ sẽ tiếp tục dàn dựng thêm một vài tiết mục mới trên cơ sở truyền thống. Đồng thời, sẽ đứng ra đăng cai tổ chức liên hoan múa rối toàn quốc trong năm nay. 

Giống như nhiều môn nghệ thuật cổ truyền khác, nghệ thuật rối nước Thanh Hải cũng gặp muôn vàn khó khăn, đứng trước nguy cơ thất truyền. Nhân lực biểu diễn ngày càng thiếu do các cụ cao tuổi không thể xuống nước được lâu, nhưng thế hệ trẻ ít người theo đuổi để kế thừa môn nghệ thuật này. Bên cạnh đó, do kinh phí hạn hẹp nên hoạt động của phường gặp nhiều trở ngại. Việc xây dựng đề tài, tìm ra những tiết mục mới cũng gặp nhiều khó khăn... Song tin rằng, với sự nhiệt tình và tâm huyết của vị Trưởng phường trẻ như anh Xoa, Phường rối Thanh Hải sẽ lại có ngày hưng thịnh. 

K.D (st)