BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sở Khoa học và Công nghệ Tây Ninh: Đã tiếp cận những giải pháp khả thi xử lý lục bình trên sông

Cập nhật ngày: 06/07/2009 - 05:58

Trong những năm gần đây, lục bình phát triển rất nhiều trên sông Vàm Cỏ Đông đoạn chảy qua các huyện Tân Biên, Châu Thành, Hoà Thành, Bến Cầu, Gò Dầu, Trảng Bàng và các con rạch như: rạch Bến Đá, rạch Tây Ninh… làm cản trở giao thông, hạn chế dòng chảy có lúc đến mức báo động. Theo đánh giá của ngành chức năng thì diện tích lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông có lúc dày đặc và chiếm tổng diện tích lên đến 4,5 triệu mét vuông. Từ mấy năm qua, ngành chức năng đã nỗ lực tìm kiếm giải pháp xử lý lục bình, nhưng đến nay vẫn chưa thành công.

Trình diễn máy cắt rong, cỏ dại, vớt bèo tây, rác thải - do Trường đại học Công nghiệp TP. HCM nghiên cứu chế tạo - trên kênh Tây

Từ giữa năm 2004, UBND tỉnh đã có văn bản gửi các huyện Tân Biên, Châu Thành, Hoà Thành, Bến Cầu, Gò Dầu và Trảng Bàng chỉ đạo các địa phương có kế hoạch cụ thể và khẩn trương tổ chức huy động nhân dân vùng ven sông đồng loạt ra quân vớt lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời vì sau đó lục bình vẫn cứ phát triển trở lại. Những đoạn sông đã được tém dẹp lục bình thông thoáng thì chỉ một thời gian sau lại dày đặc. Do đó các địa phương dần không quan tâm đến việc áp dụng giải pháp này.

Sau đó, Sở Giao thông Vận tải được UBND tỉnh giao trách nhiệm giải quyết vấn nạn lục bình và đã tìm tòi, học hỏi các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhưng vẫn chưa tìm được giải pháp phù hợp. Đoạn quản lý đường sông số 10 thuộc Chi cục đường sông phía Nam cũng đã thử nghiệm máy cắt dập lục bình, nhưng cũng không đạt kết quả như mong muốn. Như vậy cho đến nay, vấn nạn lục bình vẫn chưa có giải pháp xử lý hiệu quả.

Tuy nhiên, hiện nay Sở Khoa học và Công nghệ đang tiếp cận một số giải pháp có tính khả thi cao trong việc xử lý lục bình. Giải pháp trước tiên là xử lý lục bình bằng hệ thống máy cắt rong, cỏ dại, vớt bèo tây, rác thải nổi trong lòng kênh, mương, hồ chứa nước. Đây là công trình nghiên cứu khoa học cấp quốc gia của Trường đại học Công nghiệp TP. HCM. Hệ thống bao gồm các chức năng vớt rong, vớt lục bình, bèo, rác thải… cùng các thiết bị phụ trợ theo máy phù hợp với điều kiện Việt Nam và có chất lượng tương đương ngoại nhập. Trong quá trình nghiên cứu, hệ thống thiết bị này đã được khảo nghiệm tại kênh chính Tây hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng. Ông Huỳnh Văn Nghiệp- Giám đốc Sở KH và CN - cho biết đề tài nghiên cứu này đã được nghiệm thu và đang trong giai đoạn chuyển giao. Tuy nhiên, do trước đây hệ thống máy vớt rong, lục bình này mới chỉ khảo nghiệm trong phạm vi hẹp ở kênh chính Tây, nên chưa biết sẽ vận hành đạt kết quả thế nào khi hoạt động trên phạm vi rộng và mật độ lục bình dày đặc như sông Vàm Cỏ Đông. Để chắc chắn, Sở KH và CN đề nghị đơn vị chủ trì cho trình diễn cắt vớt lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông ngay lúc lục bình dày đặc. Nếu như sau khi khảo nghiệm đạt kết quả tốt thì Sở KH và CN sẽ mạnh dạn đề xuất tỉnh cho chuyển giao hệ thống máy vớt rong về Tây Ninh xử lý lục bình.

Một giải pháp nữa mà Sở KH và CN Tây Ninh đã tiếp cận có khả thi, vừa xử lý được lục bình lại vừa tạo thêm nguồn chất đốt qua mô hình xây dựng hầm biogas. Đây là mô hình đã được triển khai ở tỉnh Hậu Giang qua chương trình hợp tác giữa hai Chính phủ Việt Nam- Luxembourg qua dự án “Sản xuất nông thuỷ sản bền vững và năng lượng tái tạo từ lục bình và chất thải” và đơn vị chủ quản là UBND tỉnh Hậu Giang. Các nông hộ tham gia dự án xây dựng bầu ủ biogas với thể tích từ 4 mét khối trở lên cùng túi chứa khí. Lục bình vớt lên băm nhỏ hoà cùng tất cả các loại chất thải nông nghiệp khác đưa vào hầm ủ. Với hầm 4 mét khối, hộ nông dân sẽ thu được lượng gas đủ sử dụng để nấu ăn. Nếu hầm có quy mô thể tích lớn hơn thì năng lượng tạo ra còn có thể sử dụng để chạy máy nổ. Ngoài ra, thân lục bình còn được trộn với rơm để trồng nấm theo kỹ thuật trồng nấm cải tiến, còn rễ lục bình và chất thải nông nghiệp khác dùng làm phân hữu cơ nhằm tăng độ màu mở cho đất hoặc sản xuất thức ăn ủ chua từ lục bình làm thức ăn cho trâu bò. Theo đánh giá của Giám đốc Sở KH và CN Tây Ninh thì đây là mô hình xử lý lục bình có nhiều triển vọng và có thể áp dụng được đối với các hộ dân sống ven sông, rạch ở Tây Ninh. Sở đề xuất nên bổ sung đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất biogas từ lục bình và chất thải nông nghiệp trong năm 2009 này.

Như vậy, giải pháp xử lý lục bình khả thi đã có ứng dụng ở một số tỉnh khác và có thể chuyển giao về áp dụng tại Tây Ninh. Tuy nhiên, để có thể ứng dụng các giải pháp xử lý lục bình vào Tây Ninh cần phải có nguồn kinh phí, trước tiên để chuyển giao công nghệ hệ thống máy vớt rong, sau là để hỗ trợ nông dân xây dựng hầm ủ biogas và đầu tư nuôi dưỡng lục bình trong việc khai thác nguyên liệu làm hàng thủ công mỹ nghệ.

Sơn Trần