BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tay trắng làm nên

Cập nhật ngày: 03/05/2011 - 08:10

Gần mười năm qua, chị Đỗ Thị Diệp, sinh năm 1958, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Hùng Diệp, trụ sở ấp Thuận Hoà, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu được nhiều người biết đến không chỉ với tư cách là một nữ doanh nhân thành đạt mà còn là một mạnh thường quân tích cực trong các hoạt động vì cộng đồng. Mỗi năm, chị Diệp trích ra khoảng vài trăm triệu đồng cho công tác xã hội, từ thiện. Quan niệm sống của chị Diệp có thể đúc kết như lời một câu hát nổi tiếng của nhạc sĩ  Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, đông con ở vùng nông thôn xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, từ nhỏ chị Diệp đã trải qua nhiều vất vả, khó nhọc để có thể được đến trường. Có những mùa hè, chị phải gánh khô, mắm đi bán dạo trong xóm để có tiền mua tập vở, quần áo cho năm học mới. Hoàn cảnh gia đình luôn trong cảnh nghèo túng nên không ít lần ba mẹ định cho chị nghỉ học, bởi quan niệm “con gái không cần phải học nhiều”.

Chị Diệp tặng quà cho Trường TH Thuận An, xã Truông Mít

Năm 1979, chị Diệp lập gia đình với anh Đặng Phước Hùng- một thanh niên cùng quê, vừa đi thanh niên xung phong trở về. Hai vợ chồng trẻ ra riêng chỉ có một mái nhà tranh tạm bợ. Anh chị vay mượn vốn của người thân để tìm kế sinh nhai. Tài sản của vợ chồng chị Diệp lúc bấy giờ chỉ là chiếc xe đạp thồ cũ kỹ. Nhớ lại quãng thời gian gian khó, cùng chung lưng đấu cật với chồng để nuôi con, chị Diệp cho biết, cuộc sống thời bao cấp vô cùng khó khăn, vợ chồng chị làm quần quật mà vẫn không thoát khỏi cái nghèo. Hằng ngày, chị ra bến ghe để mua muối, nước mắm về bán dạo trong xóm. Tiền vốn ban đầu chả có là bao, mỗi lần chỉ dám mua hai ba chục lít nước mắm, mấy chục giạ muối. Còn chồng của chị ở nhà vừa vá xe đạp, xe máy vừa chăm sóc con cái. Hai vợ chồng, mỗi người cả năm chỉ có hai bộ đồ để mặc. Gian khổ lắm nhưng họ luôn động viên nhau ráng làm lụng và tiết kiệm. Ngoài thời gian đi bán hàng, chị Diệp lại cùng chồng làm ruộng, nuôi heo. Tích góp dần dần, anh chị cũng có được số vốn kha khá rồi chuyển sang mua bán các mặt hàng nông sản như lúa, đậu, mè từ Tây Ninh đến TP.HCM. Sau đó là mua bán thuốc trừ sâu, phân bón, tro diêm… Tiền kiếm được ngày một nhiều, chị Diệp đã có thể sửa sang lại nhà cửa, mở rộng việc kinh doanh. Năm 1994, khi đã có được số vốn kha khá trong tay, chị Diệp mạnh dạn chuyển đổi hình thức kinh doanh từ một đại lý bán phân bón lẻ thành một doanh nghiệp tư nhân có tên ghép của cả hai vợ chồng: doanh nghiệp tư nhân Hùng Diệp, chuyên kinh doanh phân bón và xăng dầu.

Hiện nay doanh nghiệp Hùng Diệp có hơn 100 khách hàng là đại lý, công ty và chủ trang trại trong, ngoài tỉnh. Doanh thu hằng năm đạt hơn 80 tỷ đồng, riêng năm 2010 đạt 110 tỷ đồng. Để có được thành công như ngày hôm nay, không chỉ có nỗ lực của bản thân là đủ. Chị Diệp còn cho biết kinh nghiệm: “Để có thể tồn tại bền vững trên thương trường, ngoài việc giữ chữ tín, doanh nghiệp cũng cần biết mình biết người. Khi đã hợp tác làm ăn, tôi luôn nghĩ đến việc đôi bên cùng có lợi…”.

Là hội viên Hội Nông dân, chị Diệp phối hợp với Hội Nông dân các cấp, các nhà máy, công ty phân bón thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị khách hàng để nắm bắt yêu cầu của người nông dân cũng như chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật khoa học, cách sử dụng phân bón đem lại năng suất cao cho người nông dân. Bên cạnh đó, chị còn tích cực giúp đỡ, tạo điều kiện cho những hộ nông dân nghèo sản xuất bằng cách bán phân bón trả chậm, hoặc trả theo mùa vụ. Chị Diệp tâm sự: “Tôi xuất thân từ một gia đình nghèo khó để đi lên nên tôi rất thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của những người nông dân nghèo phải một nắng hai sương cần cù lao động…”.

Đã qua rồi thời gian khó, có thể nói bây giờ bà chủ doanh nghiệp tư nhân Hùng Diệp đã có thể an tâm hưởng thành quả lao động từ mồ hôi, nước mắt của mình đổ ra. Thế nhưng, từ khi doanh nghiệp làm ăn thành đạt, chị Diệp bắt đầu nghĩ đến việc san sẻ với cộng đồng xã hội. Ngoài việc tạo việc làm ổn định cho vài chục công nhân lao động ở công ty, đảm bảo cho họ có chỗ làm việc, chỗ nghỉ ngơi chu đáo, thực hiện đầy đủ các chế độ tiền lương, BHXH, khen thưởng…, hằng năm chị Diệp còn trích ra trên 200 triệu đồng để chăm lo công tác từ thiện xã hội như: tặng quà cho người nghèo, trao học bổng cho học sinh, xây dựng nhà tình thương, giúp đỡ các bệnh nhân gặp khó khăn… 

Tay trắng làm nên, gần 20 năm qua, chị Đỗ Thị Diệp đã được trao tặng nhiều kỷ niệm chương, bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương về những thành tích trong kinh doanh lẫn trong hoạt động từ thiện xã hội. Mới đây, chị cũng đã được tuyên dương là gương “Doanh nhân xuất sắc tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2006-2010”- một sự tưởng thưởng xứng đáng cho người phụ nữ giỏi giang. 

KIM NGÂN