BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vài suy nghĩ sau Hội thi Hoa Phượng Đỏ

Cập nhật ngày: 09/06/2011 - 10:52

(ảnh minh hoạ)

Tây Ninh đã có 26 lần hội thi Hoa Phượng Đỏ (HPĐ)- hội thi văn nghệ dành cho các em thiếu nhi. Là người yêu thích âm nhạc và theo dõi các kỳ hội thi HPĐ ở địa phương, tôi có một vài suy nghĩ nho nhỏ.

Đây là phong trào dành cho học sinh vui chơi trong dịp hè, vì thế không nên đặt nặng chỉ tiêu thi đua hay xem trọng hình thức. Thực tế trong thời gian qua, để tham dự hội thi HPĐ, các trường lớn có kinh phí dồi dào thường thuê đạo diễn đến dàn dựng chương trình như một bầu show (mà một show như vậy có thể tốn năm bảy triệu đồng). Có khi, chương trình được giao khoán cho bầu show, làm mất ý nghĩa của phong trào, việc phát huy khả năng tổ chức phong trào của nhà trường cũng xem như không còn. Chỉ tội nghiệp cho các trường nhỏ vùng quê, kinh phí đâu mà dàn dựng, mà lo nổi các thứ trang phục sặc sỡ? Chi phí đầu tư cho chương trình rất tốn kém mà giải thưởng nếu có cũng không đáng kể.

Việc dàn dựng, thiết kế chương trình dự thi HPĐ, thiết nghĩ nên hướng cho các em những tiết mục gần gũi địa phương, tránh tình trạng lạm dụng phong cách, màu sắc của các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, không phù hợp địa phương tỉnh nhà. Tốt nhất là các trường nên tự dùng nội lực để so tài với nhau, không cần phải thuê mướn người ngoài. Về thành phần giám khảo của Hội thi, chỉ cần mời các giáo viên âm nhạc, các cán bộ phong trào có năng khiếu để chấm thi (có thể bổ sung vài nhạc sĩ lo chuyên môn vì Tây Ninh có cả một chi hội Nhạc sĩ Việt Nam hẳn hoi). Cần nhớ, HPĐ chỉ là một hình thức sinh hoạt hè, giúp các em có điều kiện vui chơi, giao lưu và phát huy năng khiếu văn nghệ. Huy động tập dượt cả tháng trời chỉ để thi có một ngày thì có quá phí thời gian?

Hội thi HPĐ năm nay có một số điểm cần khắc phục. Theo đánh giá của nhạc sĩ Khánh Vinh, trưởng Ban giám khảo Hội thi, một số đơn vị đã đầu tư lệch trong quá trình dàn dựng chương trình, quá chú ý đến các hình thức minh hoạ mà quên hẳn phần ca nhạc. Nhiều tiết mục múa sử dụng âm nhạc không phù hợp, làm giảm đi hiệu quả nghệ thuật.

Về khâu tổ chức, Hội thi HPĐ năm nay chưa có sự đổi mới đáng kể về thành phần ban giám khảo tại chỗ, vẫn là những gương mặt đã quá quen thuộc từ hàng chục năm nay. Vẫn chỉ là các nhạc sĩ, mà không có các thành phần khác. Về cách chấm thi vẫn duy trì cái hình thức đã quá cũ kỹ là chấm điểm kín, “bí mật” điểm số cho đến phút cuối (thường dễ nảy sinh nghi ngờ). Vì sao không thể công khai điểm tại chỗ? Chấm điểm công khai là một việc làm thể hiện sự công bằng, dân chủ mà nhiều cuộc thi văn nghệ lớn cấp toàn quốc đều áp dụng.

Một giáo viên