Kinh tế   Đời sống đô thị

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thẻ ATM:

Không chỉ để rút tiền mặt 

Cập nhật ngày: 17/12/2017 - 10:10

BTN - Mỗi lần đến kỳ lương hằng tháng, cảnh chen lấn, xếp hàng dài tại các trụ ATM trở thành hình ảnh quen thuộc, ám ảnh nhiều công nhân tại các khu công nghiệp (KCN). Những ngày này, các trụ ATM đều phải hoạt động hết công suất để phục vụ hàng trăm người chờ đến lượt rút tiền, và cũng có không ít máy “bệnh” vào dịp này.

Công nhân xếp hàng tại máy ATM Vietinbank ở cổng KCN Trảng Bàng, sáng 9.12. Ảnh: Minh Dương

Mỏi mòn chờ đến lượt

Xếp hàng chờ đợi hơn 30 phút tại trụ ATM nằm trước cổng số 2 KCN Trảng Bàng mà vẫn chưa đến lượt, chị Trần Thị Bích Trâm, công nhân tại KCN Phước Đông (huyện Gò Dầu) thở dài ngao ngán: “Trong công ty em cũng có 2 máy ATM nhưng đông quá nên tranh thủ chạy ra đây sớm. Nào ngờ nhiều người còn sớm hơn em, giờ phải xếp hàng chờ đến lượt”.

Trước đó, vào chiều tối 8.12, nhiều công nhân làm việc tại Công ty CP Việt Nam - Mộc Bài (huyện Bến Cầu) đã phải xếp hàng rồng rắn trước 2 máy ATM của Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) đặt tại ngã tư huyện Bến Cầu để rút tiền.

Có mặt tại trụ ATM này từ lúc vừa tan ca lúc 5 giờ chiều, chị Trần Thị Mến đứng xếp hàng chờ, trong khi phía trước chị vẫn còn nhiều người. Mệt mỏi, chị Mến cho biết: “Mới tan ca là em chạy ngay ra đây, nhưng vẫn phải đứng xếp hàng chờ tới bây giờ. Đã hơn 30 phút rồi, gần đến lượt nhưng em hồi hộp lắm vì không biết khi tới lượt mình, máy ATM có hết tiền hay hư hỏng hay không”.

Trong khoảng thời gian từ ngày 5 đến ngày 10 hằng tháng, hầu hết các trụ ATM trên địa bàn có khu công nghiệp, nhà máy như Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu, Dương Minh Châu và thành phố Tây Ninh đều xảy ra “ùn tắc” vì lượng công nhân và người dân xếp hàng chờ rút tiền.

“Không hiểu sao, các doanh nghiệp đều chuyển tiền lương vào tài khoản vào ngày 10 hằng tháng. Trong khi công nhân chỉ chờ đến ngày nhận lương để rút tiền nên không tránh khỏi cảnh rồng rắn xếp hàng mệt mỏi như thế này”, anh Nguyễn Thanh Tùng, đang đứng xếp hàng chờ rút tiền tại trụ ATM Vietinbank cổng khu công nghiệp Trảng Bàng chia sẻ.

Thanh toán điện tử: giải pháp không mới nhưng vẫn lạ

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tây Ninh, tình trạng công nhân, người dân phải xếp hàng dài tại các trụ ATM hằng tháng chỉ là cục bộ, lúc cao điểm có hàng nghìn người đi rút thì không thể tránh khỏi tình trạng ATM bị quá tải. Việc xếp hàng dài chờ rút tiền chỉ diễn ra một vài ngày trong tháng, còn những ngày khác trong tháng chỉ lác đác vài người đến rút tiền.

Hiện nay, sử dụng tiền mặt thanh toán trong các hoạt động giao dịch, mua sắm đã trở thành thói quen của nhiều người, nhưng thẻ ATM được xem là một ví tiền điện tử, thì chưa phát huy hết công dụng. Đa số người dân rút tiền để thanh toán tiền mặt khi giao dịch, chỉ có số ít người thanh toán qua thẻ.

Tại các trung tâm mua sắm, siêu thị, có thể dễ dàng nhận thấy lượng khách dùng thẻ thanh toán rất ít ỏi. Chị Huỳnh Thị Anh Thư, Kế toán trưởng siêu thị Co.op Mart Tây Ninh cho biết, lượng khách hàng thanh toán bằng thẻ khi mua sắm tại siêu thị này chưa tới 5%. Trong khi đó, vai trò chính của thẻ tín dụng là thanh toán chứ không phải để rút tiền mặt.

Để tránh tình trạng người dân mòn mỏi xếp hàng chờ đợi rút tiền mỗi tháng, trước tiên, ngành Ngân hàng cần có giải pháp để thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân. Thay vì mở rộng hệ thống ATM rất tốn kém, các ngân hàng nên mở rộng hệ thống máy POS (Point of Sale, là máy chấp nhận thanh toán thẻ. Máy cà thẻ POS và máy rút tiền tự động ATM đều có một điểm chung là giao dịch được qua thẻ ATM) cũng như phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền để người dân hiểu rõ về thương mại điện tử và cách sử dụng thẻ ATM trong thanh toán mua sắm hàng hoá.

Nhiều nơi cần lắp đặt trụ ATM

Lực lượng công nhân và giáo viên ở xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu được trả lương qua thẻ ATM và nhiều người dân khác cũng sử dụng thẻ ATM. Thế nhưng hiện trên địa bàn xã không có máy ATM. Muốn rút tiền, người dân Cẩm Giang phải đi xuống thị trấn Gò Dầu hoặc ngược lên chợ Long Hoa, huyện Hoà Thành.

Khu vực từ xã Đồng Khởi đến xã An Cơ (huyện Châu Thành) và xã Trà Vong (huyện Tân Biên) cũng không có trụ ATM. Người dân sử dụng thẻ ATM ngày càng nhiều, nhưng muốn rút tiền phải đi một quãng đường dài qua thị trấn Châu Thành hoặc xuống thành phố Tây Ninh.

Chị Lê Thị Hoà (ngụ xã Trà Vong), huyện Tân Biên cho biết, chị có con trai ở xa, hằng tháng, con chị chuyển một ít tiền vào tài khoản để chị chi tiêu. Khổ nỗi, trên địa bàn xã Trà Vong không có trụ ATM nào. Do đó, để rút được tiền, chị Hoà phải chạy ngược lên thị trấn Tân Biên hoặc xuống Thành phố tìm trụ ATM. Trước sự bất tiện này và nhu cầu thực tế, người dân kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tây Ninh xem xét, lắp đặt máy ATM ở nhiều địa phương.

Một máy ATM “đình công” do quá tải. Ảnh: Minh Dương

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tây Ninh, để thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai, cung ứng nhiều dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt hiện đại, thuận lợi.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 175 trụ ATM và 307 POS được lắp đặt rải khắp. Tuy nhiên, trong việc lắp đặt máy ATM, các ngân hàng thương mại phải tính toán đến hiệu quả hoạt động, bởi chi phí lắp đặt 1 máy ATM trên 1 tỷ đồng. Nếu giao dịch qua thẻ ở 1 trụ ATM khoảng từ 1.000 đến 2.500 khách hàng thì ngân hàng mới lắp đặt máy rút tiền.

Ngoài ra, việc lắp đặt máy ATM phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin, nguồn điện cung cấp, truyền thông, hệ thống thanh toán điện tử, địa điểm, an ninh, dân cư... phù hợp để bảo đảm máy ATM hoạt động hiệu quả.

 Hiện việc trang bị máy ATM của các chi nhánh ngân hàng thương mại do trụ sở chính xem xét phân bổ. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tây Ninh sẽ tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại có kế hoạch lắp đặt máy ATM ở những địa phương có nhu cầu để phục vụ người dân.

Minh Dương - Thanh Nhi