Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kinh doanh rau rừng, bánh tráng phơi sương: Góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn 

Cập nhật ngày: 17/12/2018 - 16:10

BTNO - Nhờ nghề bán rau rừng và bánh tráng phơi sương mà cuộc sống gia đình anh Mao, chị Thúy rất ổn định, giúp cho nhiều lao động nông thôn có được việc làm thường xuyên.

Đã đến giờ nghỉ trưa nhưng vợ chồng anh Nguyễn Hồng Mao và chị Lê Thị Thanh Thúy (ngụ ấp Lộc Trát, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng) vẫn còn tất bật với công việc lựa chọn, sắp xếp, bó rau để kịp gửi nhà xe giao khách hàng ở xa.

Vợ chồng anh Mao, chị Thúy lựa chọn, sắp xếp rau rừng giao cho khách hàng.

Cách chỗ lựa rau của anh chị chưa đầy mười mét là gian nhà nướng bánh tráng. Trong nhà, có mấy chị đang nhanh tay cho ra lò những chiếc bánh trắng căng phồng. Đó là công việc hằng ngày, từ nhiều năm qua của gia đình anh Mao, chị Thúy.

Anh Mao (sinh năm 1977, hiện là Tổ phó Tổ hợp tác rau rừng Lộc Trát) cho biết, anh sống bằng nghề mua bán rau rừng từ khi chưa lập gia đình riêng. Sau khi lập gia đình, anh vẫn sống bằng nghề mua bán rau rừng. Khi mới vào nghề, anh đi vào các vùng nông thôn sâu, gần sông, rạch thu mua các loại rau rừng mọc hoang do nông dân hái về sang bán. Mỗi ngày anh mua cũng được vài chục kg, rồi chở bằng xe gắn máy đi bán lại cho các cửa hàng ăn uống ở thành phố Hồ Chí Minh.

Sau này rau rừng bị khai thác quá nhiều nên khan hiếm, không đáp ứng được nhu cầu người mua. Trước tình hình đó, anh Mao tìm các loại giống rau rừng về trồng thử nghiệm trên đất vườn xung quanh nhà. Thấy rau rừng phát triển tốt, gia đình anh Mao quyết định chuyển đổi khoảng 30 cao đất (3.000 m2) vườn gần nhà sang trồng rau rừng. Cùng với gia đình anh Mao, còn có một số hộ khác ở ấp Lộc Trát cũng phát triển trồng rau rừng. Sau đó những người trồng rau rừng ở đây thành lập Tổ hợp tác.

Những năm gần đây, vừa thu hoạch từ vườn rau nhà (khoảng 30 kg/ngày), gia đình anh Mao còn bao tiêu sản phẩm rau rừng của Tổ hợp tác và tiếp tục thu mua của những người hái rau rừng mọc hoang ngoài đồng. Số rau anh mua được tổng cộng khoảng 300 kg/ngày, được bán vào các siêu thị và theo đơn đặt hàng của khách hàng ở các nơi.  

Trong khi đi sang bán rau, một số cửa hàng ăn uống đề nghị vợ chồng anh Mao cung cấp thêm mặt hàng bánh tráng phơi sương, một đặc sản của Trảng Bàng. Thế là cách đây khoảng 10 năm, cùng với việc mua bán rau rừng, vợ chồng anh Mao kinh doanh thêm bánh tráng phơi sương.

Anh Mao, chị Thúy kiểm tra thành phẩm ở gian nhà nướng bánh tráng.

Để có bánh, gia đình anh chị dựng chỗ nướng bánh, rồi liên hệ các chủ lò tráng bánh mua bánh sống về thuê người nướng. Lúc đầu anh chị làm 2 lò và thuê 2 người nướng. Hiện nay, đơn đặt hàng ngày càng tăng nên gia đình anh Mao làm đến 6 lò và thuê 6 người ngồi nướng.

Bánh nướng xong, chiều tối anh chị lại thuê người đem bánh phơi sương và sau đó sắp xếp, đóng gói. Bình quân mỗi ngày cơ sở của gia đình anh Mao nướng và phơi sương khoảng 12.000 chiếc bánh.

Nhờ nghề trồng và mua bán rau rừng, rồi bán bánh tráng phơi sương mà cuộc sống gia đình anh Mao, chị Thúy rất ổn định. Nhà cửa khang trang, con cái có điều kiện học hành, trong đó người con lớn của anh chị đang học đại học.

Với nghề mua bán bánh tráng phơi sương, gia đình anh Mao đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 15 lao động, đa số là lao động nữ cao tuổi, với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, gia đình anh chị còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội và nhiệt tình hưởng ứng các cuộc vận động đóng góp của địa phương.

N.H