BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với hàng hoá lưu thông trên thị trường 

Cập nhật ngày: 19/10/2018 - 06:18

BTN - Sở Công Thương khẳng định, doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc chung tay bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh trách nhiệm đối với sản phẩm hàng hoá, doanh nghiệp cần chú trọng trách nhiệm xã hội của mình vì cộng đồng, vì sự phát triển chung của ngành hàng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ được tạm giữ tại Ðội Quản lý thị trường số 3, huyện Hoà Thành.

Trong những năm qua, nhiều vụ việc xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng ở quy mô khá lớn như: thực phẩm chứa hoá chất bảo quản độc hại, chất gây ung thư; xăng chứa các chất làm hư hỏng xe máy; hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan... Ðáng nói hơn là tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng đến nay không có xu hướng giảm. Ðể xảy ra tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó, có liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sản phẩm hàng hoá lưu thông trên thị trường.

Vi phạm vẫn còn nhiều

Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT), trong 9 tháng năm 2018, lực lượng chức năng phát hiện 462 vụ vi phạm ở các lĩnh vực như: buôn bán, vận chuyển hàng cấm; vi phạm hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ; vi phạm trong kinh doanh...

Theo tài liệu nghiên cứu về các hành vi vi phạm của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, vi phạm về chất lượng hàng hoá không bảo đảm chiếm tỷ lệ cao nhất: 25%; gian lận về đo lường chiếm 16%; gian lận về xuất xứ chiếm 12%; gian lận về hạn sử dụng chiếm 10%; gian lận về hoá đơn, chứng từ chiếm 8%...

Hiện nay, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại “phủ sóng” ở mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề, gây tổn hại lớn cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Theo Chi cục QLTT, vừa qua, Ðội QLTT số 1 (huyện Gò Dầu) kiểm tra cơ sở bán thuốc thành phẩm y học cổ truyền dân tộc Diên Thọ Trang, do ông Tạ Văn Huy làm chủ (tại ki-ốt số 4, thị trấn Gò Dầu), đã phát hiện cơ sở có hành vi vi phạm trong kinh doanh 600 viên Tăng Phì Hoàn, 810 viên Phong Thấp Linh, 240 viên Kiện Tỳ Khai Vị Bổ Hoàn, 320 viên Sâm Nhung Hoàn, 2.000 viên Hải Cẩu Hoàn không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ðội QLTT số 1 đã  chuyển hồ sơ vụ việc đến Chi cục QLTT ra quyết định xử phạt cơ sở Diên Thọ Trang số tiền 40 triệu đồng.

Một trường hợp vi phạm khác trong gian lận thương mại gây ảnh hưởng xấu đến người tiêu dùng. Ðó là vào ngày 7.8.2018, Ðội QLTT số 4 phối hợp với Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông, Phòng An ninh nội bộ Công an tỉnh kiểm tra hộ kinh doanh Kiều Trâm do ông Ðinh Văn Dòn làm đại diện (khu phố 4, phường 3, thành phố Tây Ninh). Qua quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng đã tạm giữ 12.851 xuất bản phẩm gồm sách giáo khoa, vở bài tập, bài tập các loại trị giá gần 250 triệu đồng không có hoá đơn, chứng từ nguồn gốc hợp pháp.

Ông Dòn đã thừa nhận hành vi vi phạm. Ðội QLTT số 4 lập biên bản vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Kiều Trâm với hành vi tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in không có hoá đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp. Chi cục Quản lý thị trường tỉnh chuyển hồ sơ vụ việc  đến UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hộ kinh doanh Kiều Trâm 25 triệu đồng.

Hiện nay, tình trạng kinh doanh hàng hoá không hoá đơn chứng từ xảy ra phổ biến. Ngày 9.8.2017, Ðội QLTT số 8 (huyện Trảng Bàng) kiểm tra cửa hàng mắt kính Sài Gòn do bà Nguyễn Thị Lành làm đại diện tại khu phố Gia Huỳnh, thị trấn Trảng Bàng, phát hiện cửa hàng kinh doanh tròng kính Hàn Quốc sản xuất nhưng không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc sản phẩm.

Tang vật vi phạm gồm 300 cái tròng kính hiệu Huvitz do Hàn Quốc sản xuất, trị giá 45 triệu đồng. Ðội đã chuyển hồ sơ vụ việc đến Chi cục QLTT ra quyết định xử phạt đối với cửa hàng mắt kính Sài Gòn với số tiền 10 triệu đồng.

Vi phạm trong kinh doanh khí hoá lỏng hết hạn cũng khá phổ biến. Mới đây, Ðội QLTT số 3 (huyện Hoà Thành) phối hợp với Cảnh sát Kinh tế - Công an huyện Hoà Thành kiểm tra Ðại lý gas Bá Lộc do ông Nguyễn Bá Lộc làm đại diện (ấp Trường Lưu, xã Trường Ðông, huyện Hoà Thành), phát hiện đại lý gas này sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dầu khí mỏ hoá lỏng hết hiệu lực 65 ngày.

Tang vật gồm 112 bình gas loại 12kg/bình nhãn hiệu Hoàng Ân Petro. Ðội QLTT số 3 chuyển hồ sơ vụ việc đến Chi cục QLTT ra quyết định xử phạt đại lý trên số tiền 7,5 triệu đồng và buộc đại lý nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm (hơn 4,6 triệu đồng).

Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp

Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng phối hợp với Quỹ chống hàng giả tổ chức hội thảo “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng năm 2018”.

Tại buổi hội thảo, Sở Công Thương Tây Ninh cho biết, trong quan hệ thương mại, người tiêu dùng là chủ thể quyết định sự tồn tại và phát triển của tổ chức, cá nhân kinh doanh; quyền lợi của người tiêu dùng chỉ được bảo đảm khi người kinh doanh thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm.

Theo Sở Công Thương, thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng và lắng nghe ý kiến của người tiêu dùng, nhất là trong dịch vụ cam kết bảo hành, giải quyết khiếu nại từ người tiêu dùng. Khi nhận được khiếu nại từ người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp chưa có biện pháp xử lý kịp thời, thoả đáng, thậm chí tìm nhiều cách để thoái thác trách nhiệm của mình.

Chị Trần Thị Kim Thơ (ngụ xã Trường Ðông, huyện Hoà Thành) cho biết, chị vừa mua chiếc xe gắn máy trị giá hơn 40 triệu đồng và chỉ mới sử dụng hơn 2 tháng, xe vẫn còn đang trong thời gian bảo hành. Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng, chiếc xe có nhiều triệu chứng bất thường như tắt máy đột ngột khi chạy; máy xe có hiện tượng phát ra tiếng kêu lớn...

Khi chị mang xe đi kiểm tra tại nơi mua (một cửa hàng ở TP. Tây Ninh), nhân viên kỹ thuật ở đây cho biết xe bị hư nhiều phụ tùng bên trong cần phải thay mới; nhiều bộ phận trong xe chưa được vệ sinh trong thời gian dài (trong khi xe mới mua được hơn 2 tháng). Ðiều đáng nói là khách hàng phải chịu 100% chi phí sửa chữa. Quản lý cửa hàng này còn cho rằng chị Thơ “không biết bảo quản xe” (!?).

Ðể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, theo Sở Công Thương, các doanh nghiệp phải đáp ứng 5 vấn đề: Thứ nhất, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu và thực hiện đúng các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quy định trách nhiệm đối với các trường hợp sản xuất, phân phối, tiêu dùng hàng hoá.

 Ðối với nhà sản xuất, phải có trách nhiệm đăng ký, công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, bảo đảm hàng hoá lưu thông trên thị trường không gây mất an toàn cho người tiêu dùng; thực hiện niêm yết giá, trách nhiệm bảo hành, giải quyết khiếu nại, trách nhiệm bồi thường do lỗi của doanh nghiệp khi sản phẩm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Thứ hai, doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm. Thứ ba, doanh nghiệp có trách nhiệm thông tin đúng, đầy đủ, chính xác các điều kiện về vận chuyển, bảo quản, sử dụng sản phẩm hàng hoá để người tiêu dùng được biết.

Thứ tư, doanh nghiệp cần hoàn thiện chính sách bảo vệ người tiêu dùng và thực hiện đúng cam kết đó. Thứ năm, khi xảy ra các vấn đề liên quan đến sản phẩm hàng hoá, doanh nghiệp và người tiêu dùng phải hết sức bình tĩnh xác định nguyên nhân có giải pháp thoả đáng đáp ứng yêu cầu của khách hàng, góp phần tăng mức độ hài lòng đối với chất lượng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.

Sở Công Thương khẳng định, doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc chung tay bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh trách nhiệm đối với sản phẩm hàng hoá, doanh nghiệp cần chú trọng trách nhiệm xã hội của mình vì cộng đồng, vì sự phát triển chung của ngành hàng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

NHI TRẦN