BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhiều nơi thiếu điện sản xuất nông nghiệp 

Cập nhật ngày: 21/12/2018 - 12:57

BTN - Thời gian qua, nhiều nơi trong tỉnh luôn thiếu điện phục vụ sản xuất. Nguyên nhân là do khu vực sản xuất nông nghiệp cách xa đường điện trung thế và hạ thế, khiến nguồn điện không ổn định hoặc không thể kéo nguồn điện ra tận ruộng để sản xuất vì tốn quá nhiều chi phí, ngoài khả năng của người dân.

Nhiều cánh đồng ruộng trên địa bàn huyện Châu Thành thiếu điện để phục vụ sản xuất.

ĐỒNG RUỘNG CẦN DIỆN

Ông Hồ Thanh Trung (tổ 16, ấp Thanh Trung, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành) cho biết, khu vực này có hàng trăm ha đất trồng lúa nhưng không có điện để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhiều năm qua, người dân phải tốn rất nhiều chi phí bơm nước ra vào ruộng bằng máy bơm. Do đó, người dân đang rất cần nguồn điện phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Trung, nếu dùng máy dầu bơm nước từ kênh vào ruộng, nông dân tốn khoảng 200.000 đồng/ngày. Vào mùa khô, máy hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm mới bảo đảm đủ nước cho ruộng lúa. Lúc này,  chi phí dầu, nhớt tăng lên gấp đôi. Trong khi đó, nếu có nguồn điện bảo đảm cho nông dân sử dụng mô-tơ bơm nước tưới thì họ chỉ tốn khoảng hơn 200.000 đồng/tháng. Do đó, để nâng cao hiệu quả, Nhà nước cần sớm đầu tư đồng bộ hệ thống điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân tiết kiệm chi phí.

Anh Phan Văn Hồng (cùng ngụ ấp Thanh Trung) cho biết, gia đình sản xuất 5 ha lúa. Đang vào mùa khô nên gia đình anh sử dụng 3 máy dầu hoạt động liên tục để bơm nước vào ruộng. Chi phí dầu nhớt cho 3 máy tốn hơn 1 triệu đồng/ngày. Nhiều hộ dân nơi đây rất mong có điện để sản xuất nông nghiệp. Việc tự đầu tư lưới điện ra đồng ngoài khả năng của mọi người vì chi phí quá lớn.

Nhiều nông dân trên địa bàn xã Bình Thạnh (huyện Trảng Bàng) cũng đang rất cần có điện để sản xuất nông nghiệp. Ông Ngô Hùng (ấp Bình Hoà, xã Bình Thạnh) cho biết, nhiều năm qua, nông dân nơi đây đã kiến nghị Nhà nước kéo điện đến tận ruộng để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khu vực này có hơn 100 ha  đất trồng lúa và cây thuốc lá vàng. Người dân phải dùng máy bơm để bơm nước tưới nên tốn nhiều chi phí. Nếu có điện thì người dân sẽ sản xuất lúa hiệu quả hơn, tiết kiệm được đáng kể tiền vốn đầu tư.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguồn điện ở Tây Ninh được cung cấp bởi các nguồn: nhà máy điện Thác Mơ, nhà máy điện Cần Đơn, trạm biến áp Trảng Bàng và trong mùa ép mía, một phần được cung cấp bởi nhà máy đường thuộc Tập đoàn Thành Thành Công. Lưới phân phối điện đã đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Về cơ bản, lưới điện đã đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ điện của người dân, doanh nghiệp...

Riêng khu vực nông thôn, có 98,5% số hộ dùng điện. Điện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp mặc dù vẫn còn chiếm tỷ trọng nhỏ, song trong mấy năm gần đây đang tăng nhanh. Các khâu trong sản xuất nông nghiệp đang sử dụng nhiều điện gồm: bơm nước tưới, chế biến nông sản lúa, mía, khoai mì; nuôi thuỷ sản…

Kết quả khảo sát của ngành Nông nghiệp cho thấy, hiện nông dân ở nhiều địa phương đang rất cần được đầu tư hệ thống điện cung cấp cho các cánh đồng, đến tận nơi sản xuất nông nghiệp. Do đó, tỉnh và ngành Điện cần có sự quan tâm, đầu tư các công trình điện phù hợp phục vụ sản xuất nông nghiệp hiệu quả.

Theo Công ty Điện lực Tây Ninh, dự án cung cấp điện cho khu vực nông thôn đã được Bộ Công Thương phê duyệt từ cuối năm 2015 nhưng đến nay chưa bố trí vốn để thực hiện đã gây khó khăn trong việc cung cấp điện, cũng như giải quyết bức xúc do thiếu điện sản xuất nông nghiệp của cử tri thời gian qua.

Mất an toàn về điện

Hiện nay, tình trạng mất an toàn về điện rất phổ biến trên các đồng ruộng. Để có điện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ dân đã giăng mắc dây điện trên những các cây gỗ mục dễ xảy ra gãy, ngã đổ làm đứt dây dẫn điện gây tai nạn. Đây là mối nguy hại luôn rình rập người dân vùng nông thôn. Nhiều trường hợp sử dụng dây dẫn có tiết diện nhỏ, kém chất lượng gây quá tải, tróc vỏ làm chạm - chập gây cháy nổ. Việc giăng mắc dây điện để sử dụng trong sản xuất nông nghiệp phía sau điện kế do người dân tự làm. Trong khi đó, phần lớn các hộ dân thiếu kiến thức chuyên môn nên việc lắp đặt chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và an toàn theo quy định.

Ông Trần Văn Thành, có 1,5 ha đất trồng lúa tại ấp Long Chẩn (xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành) cho biết, do không có điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhiều lần gia đình ông đến Điện lực huyện Châu Thành để đăng ký điện sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, ngành Điện  chỉ cho phép một hộ gia đình đăng ký một loại điện sinh hoạt hoặc một loại điện sản xuất nông nghiệp.

Vì vậy, gia đình ông đành đăng ký một loại điện sinh hoạt. Lúc sản xuất nông nghiệp thì gia đình ông phải kéo dây điện từ nhà ra ruộng và dùng mô-tơ bơm nước tưới lúa. Thế nhưng, do nguồn điện sinh hoạt không bảo đảm cho nhu cầu tưới nên mô-tơ phải hoạt động cả ngày, tiêu hao một lượng lớn năng lượng điện, tốn khoảng 1 triệu đồng/tháng. Điện yếu còn làm mô-tơ hư hỏng liên tục, rất tốn kém.

Ông Nguyễn Văn Có (ngụ ấp Phước Thuận, xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng) chia sẻ, không có điện nên gia đình ông phải dùng máy dầu bơm nước. Do tốn nhiều chi phí nên gia đình ông kéo điện từ nhà ra ruộng để sử dụng. Tuy nhiên, nguồn điện yếu nên việc tưới không hiệu quả, thường xuyên gây chập điện, làm hư hỏng thiết bị điện và mô-tơ...

Theo Công ty Điện lực, để bảo đảm an toàn trong sản xuất tại hộ gia đình, người dân khi sử dụng các mô-tơ điện phải chọn mua các sản phẩm có thương hiệu và chất lượng. Bên cạnh đó, khi kéo dây dẫn điện phải dùng sản phẩm có tiết diện phù hợp với công suất sử dụng; phải  bảo đảm điện có hệ thống tiếp đất an toàn; chọn loại dây có vỏ cách điện tốt, mối nối dây dẫn phải được quấn băng keo kín và mắc lên cột cao chắc chắn. Đồng thời, người dân nên lắp đặt thêm cầu dao chống giật phù hợp phía sau cầu dao chính để hạn chế thấp nhất sự cố rò điện, chạm điện; phải thường xuyên kiểm tra, để có biện pháp khắc phục kịp thời, hạn chế thấp nhất sự cố về điện.

NHI TRẦN