BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bài dự thi cuộc thi viết phóng sự - ký sự:

Sức sống mới ở vùng biên giới 

Cập nhật ngày: 27/05/2017 - 02:40

BTNO - Vài năm gần đây, ai có dịp đến vùng nông thôn biên giới xã Long Khánh (huyện Bến Cầu) đều chứng kiến sự đổi thay lớn lao ở nơi đây. Trên vùng đất khô cằn vào mùa nắng, ngập úng, nhiễm phèn trong mùa mưa và khá vắng vẻ xưa kia, giờ là trang trại chăn nuôi bò sữa với quy mô hàng ngàn con.

Nhân viên Trang trại Bò sữa Tây Ninh chăm sóc đàn bò.

Để phục vụ chăn nuôi, nhiều hạng mục công trình hiện đại được xây dựng, cùng với hơn một trăm lao động có mặt hằng ngày trong trang trại. Không chỉ giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động trẻ ở địa phương, trang trại nuôi bò sữa này còn góp phần giúp cho một bộ phận nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý và an tâm khâu đầu ra sản phẩm với giá cả ổn định.

Dòng sữa ngọt vùng biên  

Dự án Trang trại Bò sữa Tây Ninh của Chi nhánh Công ty TNHH MTV (CT TNHH MTV) Bò sữa Việt Nam, được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 26.3.2013. Mục tiêu của dự án là chăn nuôi trâu bò; trồng ngô (bắp), các loại cỏ phục vụ chăn nuôi bò sữa, trồng nha đam, đậu nành phục vụ cho việc chế biến các sản phẩm sữa.

Khi sản lượng sữa tươi tại Trang trại Bò sữa Tây Ninh đạt 35 triệu lít/năm, Chi nhánh CT TNHH  MTV Bò sữa Việt Nam sẽ tiến hành đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sữa tại Tây Ninh. Địa điểm thực hiện dự án xã Long Khánh, huyện Bến Cầu với diện tích đất sử dụng là 685 ha, quy mô 8.000 con bò sữa chất lượng cao.

 Ông Hà Văn Thuận- Giám đốc Trang trại Bò sữa Tây Ninh cho biết, sau gần bốn năm được cấp phép và đi vào hoạt động, vào tháng 2.2017, trang trại bắt đầu thu hoạch lứa sữa đầu tiên. Hiện nay, trang trại có 5.000 con bò sữa. Trong đó có 60 con đang cho sữa, với sản lượng khoảng 1,3 tấn/ngày.

Dự kiến từ nay đến cuối năm 2017, trang trại sẽ có 1.200 con bò cho sữa. Số cán bộ, nhân viên đang làm việc trong trang trại là 154 người, trong đó khoảng 90% lao động ở huyện Bến Cầu và khu vực lân cận. Dự kiến đến năm 2018, Trang trại bò sữa Tây Ninh đạt công suất thiết kế 8.000 con bò, trong đó có 4.000 con cho sữa. Số nhân viên làm việc ở đây sẽ tăng lên 220 người. Trang trại ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương.

Anh Nguyễn Quốc Tỉnh (sinh năm 1992), nhân viên thu mua thức ăn thô xanh của trang trại cho biết, nhà anh ở xã Long Khánh, cách trang trại khoảng 3km. Nhờ Chi nhánh CT TNHH MTV Bò sữa Việt Nam đầu tư lập trang trại trên địa bàn xã nhà, anh cũng như nhiều bạn trẻ trong xã có việc làm và thu nhập ổn định ngay trên địa phương mình. Nhờ có Trang trại Bò sữa, vùng biên giới quê anh nay đã thay đổi hẳn lên. Nông thôn biên giới giờ đã và đang có sức sống mới.

Nông dân dần chuyển đổi cây trồng

Để có thức ăn xanh cho đàn bò hiện có, ngoài hơn 500 ha đất trồng cỏ của trang trại, trang trại đã hợp đồng với nông dân trong và ngoài huyện Bến Cầu trồng 750 ha bắp. Theo hợp đồng, Chi nhánh CT TNHH Bò sữa Việt Nam- Trang trại Bò sữa Tây Ninh (bên A) cung cấp hạt giống bắp hỗ trợ cho người trồng (bên B), với định mức 20 kg/ha, với giá 119.000 đồng/kg; đồng thời ứng trước từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng/ha cho bên B làm đất, bón phân…

Số tiền hạt bắp giống và tiền tạm ứng sẽ được bên A  khấu trừ vào tiền thanh toán sau khi bên B bán sản phẩm cho bên A (không tính lãi). Bên A phân công nhân viên kỹ thuật đến ruộng đồng hướng dẫn bên B kỹ thuật canh tác.

Thời gian thu hoạch bắp nguyên cây từ 80 đến 90 ngày sau gieo hạt giống. Bên A thu mua toàn bộ sản phẩm nông dân ký hợp đồng. Giá cả thu mua dựa trên tiêu chuẩn chất lượng và khoảng cách từ ruộng đến địa điểm nhận hàng, loại A thấp nhất là 1.150.000 đồng/tấn, cao nhất là 1.200.000 đồng/tấn.

Anh Nguyễn Thanh Nghị (sinh năm 1978), ở ấp Long Phú, xã Long Khánh cho biết, nhà anh có 1,5 ha ruộng, anh thuê thêm 0,5 ha nữa (tổng cộng 2 ha) để ký hợp đồng trồng bắp với trang trại (mỗi năm một vụ). Do đất không được tốt, mỗi vụ anh chỉ có lời từ 15- 20 triệu đồng/ha, sau khi trừ hết các khoản chi phí đầu tư.

Theo anh Nghị, mức lãi này chưa cao lắm, nhưng vẫn hơn làm lúa. Bởi bắp dễ trồng, không tốn nhiều công sức, vốn đầu tư thấp, không phải lo khâu đầu ra, không sợ thương lái ép giá, toàn bộ sản phẩm được trang trại thu mua theo giá ký hợp đồng.

Ông Nguyễn Văn Triển (60 tuổi), ở ấp Long Cường, xã Long Khánh có 1,5 ha ruộng ký hợp đồng với trang trại trồng bắp 2 năm nay. Nhờ đất tốt và trồng đúng kỹ thuật, ruộng bắp của ông Triển đạt năng suất 60 tấn/ha (nguyên cây), ông có lãi khoảng 30 triệu đồng/ha/vụ.

Đang chăm sóc đám bắp tươi tốt cao quá đầu người, anh Trần Tấn Hoà (sinh năm 1975), ở ấp Phước Trung, xã Long Phước, huyện Bến Cầu (giáp ranh xã Long Khánh) cho biết, nhà anh có 1 ha ruộng, trước đây làm lúa và hoa màu.

Giá cả hoa màu luôn bấp bênh, đầu ra gặp khó khăn, nên vụ này anh hợp đồng trồng bắp bán cây cho trang trại. Ngoài 1 ha đất nhà, anh Hoà còn trồng hùn với người thân 1 ha nữa.

Tuy chưa đến thu hoạch, nhưng nhìn đám bắp phát triển tốt tươi, anh rất phấn khởi và cũng rất an tâm vì không phải lo khâu đầu ra sản phẩm. Giờ chỉ chờ đến ngày thu hoạch (hơn một tháng nữa thu hoạch một ha) chặt bán cho trang trại theo hợp đồng.

Anh Trần Tấn Hoà, ở ấp Phước Trung, xã Long Phước (Bến Cầu) chăm sóc ruộng bắp trồng theo hợp đồng với Chi nhánh CT TNHH MTV Bò sữa Việt Nam- Trang trại Bò sữa Tây Ninh.

Cần đến 1.200 ha đất trồng bắp

Theo lãnh đạo Trang trại Bò sữa Tây Ninh, do những năm qua, cây ớt, cây thuốc lá vàng có lúc bán được giá, nên còn một bộ phận nông dân Bến Cầu chưa ký hợp đồng trồng bắp.

Ngay trên địa bàn xã Long Khánh, đến nay, nông dân mới ký hợp đồng trồng 23 ha; xã Tiên Thuận được 53 ha, xã Ninh Điền (huyện Châu Thành) 30 ha; các xã gần trang trại như Long Phước, Long Vĩnh (Châu Thành) có một số ít nông dân hợp đồng trồng bắp.

Từ đó, Chi nhánh CT TNHH MTV Bò sữa Việt Nam- Trang trại bò sữa Tây Ninh (gọi tắt trang trại) phải ký hợp đồng với một bộ phận nông dân ngoài huyện Bến Cầu và ngoài tỉnh Tây Ninh trồng bắp. Trong số 750 ha trang trại đã ký hợp đồng trồng bắp, có 200 ha ở huyện Gò Dầu và 150 ha ở huyện Đức Hoà (tỉnh Long An).

Khi đàn bò phát triển đầy đủ theo quy mô 8.000 con, trang trại cần ký hợp đồng với nông dân trồng bắp từ 1.000 ha đến 1.200 ha. Để nhân viên kỹ thuật dễ dàng đi lại hướng dẫn nông dân, đồng thời người trồng giảm được chi phí vận chuyển hàng hoá, đất đăng ký trồng bắp thích hợp nhất là cách trang trại không quá 50km. Vì vậy, trang trại ưu tiên ký hợp đồng trồng bắp với nông dân huyện Bến Cầu và các xã của các huyện lân cận.

Trên con đường xây dựng nông thôn mới, các xã vùng nông thôn biên giới của huyện Bến Cầu cũng như khu vực lân cận rất cần doanh nghiệp đến đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao.

Việc Chi nhánh CT TNHH MTV Bò sữa Việt Nam đầu tư xây dựng Trang trại Bò sữa Tây Ninh ở xã Long Khánh, huyện Bến Cầu đã góp phần đáng kể trong việc giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đồng thời tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách hợp lý và an tâm sản xuất vì có hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

N.H