Kinh tế   Đời sống đô thị

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khu A-B Trung tâm Thương mại Long Hoa:

Thực trạng của một mô hình không phù hợp 

Cập nhật ngày: 20/12/2017 - 06:02

BTN - Ước mơ biến chợ Long Hoa thành TTTM đã không thành, do mô hình trung tâm thương mại không phù hợp với nhu cầu và đặc tính hoạt động kinh doanh của người dân địa phương.

Khu A-B chợ Long Hoa.

Chợ Long Hoa, tiền thân của Trung tâm thương mại Long Hoa hiện nay, là một ngôi chợ truyền thống lâu đời, nổi tiếng nhất trong tỉnh được xây dựng từ đầu thập niên 50 của thế kỷ trước. Trước khi chuyển sang mô hình trung tâm thương mại, ngôi chợ này là nơi kinh doanh mua bán, trao đổi hàng hoá lớn nhất tỉnh.

Đặc biệt, hình ảnh ngôi chợ truyền thống có 4 cánh nhà lồng 8 cửa chợ trong khuôn viên rộng hơn 2 ha hướng ra các ngả đường bát quái đã in sâu vào tâm trí của nhiều thế hệ người dân Tây Ninh, cũng như hàng triệu lượt du khách từng đặt chân đến đây suốt nửa thế kỷ trước. Thế rồi…

Với mong muốn biến chợ truyền thống Long Hoa thành trung tâm thương mại (TTTM) với nhiều hoạt động kinh doanh truyền thống lẫn hiện đại, năm 2002, chính quyền có chủ trương phá bỏ ngôi chợ cũ để nhà đầu tư thực hiện dự án xây lại chợ theo mô hình trung tâm thương mại bằng phương thức BOT. Thế nhưng, ước mơ biến chợ Long Hoa thành TTTM đã không thành, do mô hình trung tâm thương mại không phù hợp với nhu cầu và đặc tính hoạt động kinh doanh của người dân địa phương.

Năm 2004, khu A-B TTTM Long Hoa hoàn thành đi vào hoạt động với quy mô xây dựng 3 tầng, hơn 600 sạp và 40 ki-ốt. Tuy nhiên cho đến nay, số hộ kinh doanh tại khu A-B mà Ban quản lý chợ Long Hoa quản lý chỉ còn 278 hộ, và tất cả đều đang kinh doanh tại tầng trệt và tầng hầm. Riêng tầng lầu (tầng 1), suốt thời gian dài hàng chục năm qua không có hộ kinh doanh nào thuê, đành phải bỏ trống.

Do tầng lầu không có tiểu thương hoạt động kinh doanh nên khoảng chục ki-ốt được chủ đầu tư cho các tiểu thương thuê làm kho chứa hàng. Còn lại hàng trăm ki-ốt phải đóng cửa, bỏ không nhiều năm, có ki-ốt cửa đã mục, gạch bong tróc- để lại hình ảnh đáng buồn đối với một ngôi chợ từng có quy mô, tầm vóc lớn nhất tỉnh.

Theo tìm hiểu, tại tầng lầu trước đây khi khu A-B mới đi vào hoạt động, cũng có hơn 10 hộ thuê ki-ốt kinh doanh. Nhưng, chỉ một thời gian ngắn, các tiểu thương đã trả lại với lý do kinh doanh không hiệu quả. Từ đó đến nay, tầng lầu rộng lớn “hoang vắng” hoạt động kinh doanh.

Một nhân viên Ban quản lý chợ Long Hoa chỉ vào cánh cửa sắt đóng im ỉm và cho biết, đó là cửa của hệ thống thang nâng hàng hoá từ tầng hầm lên tầng lầu. Nhưng từ lúc khu A-B đi vào hoạt động đến nay, cánh cửa này chưa bao giờ được mở.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh tại tầng trệt và tầng hầm, dù được xem là tương đối có hiệu quả, nhưng tỷ lệ lấp đầy sạp cũng không cao. Vẫn còn những ki-ốt trống được tiểu thương thuê làm kho chứa hàng.

Điều đáng buồn hơn, theo dự án, sau khi xây xong khu A-B TTTM Long Hoa, chủ đầu tư sẽ tiếp tục xây dựng thêm khu C-D. Tuy nhiên, do khu A-B có kết quả kinh doanh không như mong muốn nên nhà đầu tư không tiếp tục xây dựng khu C-D. Nhiều năm, khu C-D chợ Long Hoa trở thành khu chợ tạm giữa lòng thị tứ huyện Hoà Thành, trông rất nhếch nhác.

Cho đến tháng 4.2017, nhà đầu tư mới triển khai xây dựng dự án chợ Long Hoa, và khu C-D được triển khai xây dựng giai đoạn đầu, sau đó sẽ tiếp tục xây dựng khu A-B.

Theo anh Lộc- một tiểu thương từng có thời gian dài kinh doanh tạp hoá tại ngôi chợ Long Hoa cũ, trước đây khi kinh tế chưa phát triển, chợ Long Hoa trở thành trung tâm phân phối hàng hoá cho cả tỉnh. Thời kỳ ấy, tiểu thương tại các chợ trong tỉnh đều về chợ Long Hoa lấy hàng, thậm chí có cả các tiểu thương ở Campuchia.

Vào thời điểm nhà đầu tư phá bỏ chợ để xây dựng trung tâm thương mại, cũng là lúc hệ thống kênh phân phối hàng tiêu dùng của các công ty, doanh nghiệp phát triển mạnh. Lúc này, tiểu thương kinh doanh ở bất cứ ngôi chợ nào chỉ cần ngồi tại chợ vẫn có nhân viên tiếp thị đến chào và giao hàng hoá tận nơi; và khi bán hết hàng, cần bổ sung thêm hàng cũng chỉ cần một cú điện thoại. Do đó, tiểu thương ở các chợ huyện không còn tìm đến chợ Long Hoa để lấy hàng, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các tiểu thương trong chợ.

Trong quá trình xây dựng TTTM Long Hoa, nhiều tiểu thương có nhà gần chợ như anh Lộc chuyển hoạt động về kinh doanh tại nhà. Khi xong khu A-B, họ cũng không quay lại kinh doanh. Đó là lý do số lượng tiểu thương thuê ki-ốt kinh doanh tại khu A-B chợ Long Hoa không nhiều.

Đáng lưu ý, ông Văn- một người cao tuổi sống lâu năm gần cửa 2 chợ Long Hoa cho rằng, sở dĩ mô hình TTTM được xây dựng tại chợ Long Hoa không mang lại hiệu quả như mong đợi, là do kiến trúc xây dựng không phù hợp với thói quen kinh doanh của người dân địa phương.

 Người dân tỉnh ta không có thói quen đi chợ phải xuống tầng hầm hay leo lên tầng lầu như người dân sống ở các thành phố lớn. Người dân thích không gian mua sắm thoải mái, thoáng mát ở chợ truyền thống hơn là việc mua sắm ở trung tâm thương mại được bao bọc bằng “bê tông” kín mít. Hơn nữa, những gì bên trong chợ có bán thì các cửa hàng tại các tuyến đường xung quanh chợ đều có bán, nên nhiều người không cần đi vào chợ để mua sắm.

Gần đây, khi biết được thông tin nhà đầu tư xây dựng lại chợ Long Hoa theo mô hình chợ truyền thống, với kiến trúc giống như ngôi chợ cũ trước đây, bản thân ông Văn cũng như nhiều người dân khác ở huyện Hoà Thành vô cùng vui mừng, vì ngôi chợ Long Hoa sau khi xây xong sẽ tái hiện lại một địa chỉ nổi tiếng không chỉ của huyện Hoà Thành mà còn của cả tỉnh nhà.

Ông Văn cho biết, ông có nghe thông tin một số tiểu thương đang kinh doanh tại khu A-B chợ Long Hoa tỏ ra không hài lòng trước việc phá bỏ khu A-B để xây dựng lại chợ với lý do họ đang kinh doanh ổn định. Mặc dù vậy, theo suy nghĩ của ông, việc phá bỏ công trình hiện hữu của khu A-B để xây dựng lại chợ, theo mô hình kiến trúc chợ truyền thống là điều tất yếu, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, thói quen mua sắm của người dân địa phương.

Các dãy ki-ốt tại tầng 1 khu A-B chợ Long Hoa.

Điều quan trọng hơn là việc xây dựng lại chợ Long Hoa phù hợp với nguyện vọng của đa số người dân địa phương. Bởi người dân địa phương thời gian qua rất buồn lòng vì hình ảnh ngôi chợ thân yêu ngày nào đã không còn tồn tại.

 Một vị lãnh đạo Ban quản lý chợ Long Hoa chia sẻ, dù hình ảnh ngôi chợ cũ trước đây không còn nữa, nhưng hằng năm, chợ Long Hoa vẫn thu hút được đông đảo lượng du khách đến Tây Ninh ghé mua sắm.

Trong đó, đông nhất là những kỳ lễ hội lớn như Hội Xuân núi Bà Đen, lễ hội tín ngưỡng của tôn giáo Cao Đài, các ngày cuối tuần. Do không còn kiến trúc độc đáo trước đây của ngôi chợ Long Hoa để níu chân du khách tham quan, vì vậy phần lớn du khách chỉ dừng chân lại một thời gian rất ngắn để tìm mua những đặc sản của Tây Ninh như muối ớt, bánh tráng... rồi nhanh chóng lên xe rời đi.

 Do đó, hy vọng sau khi dự án xây dựng chợ Long Hoa theo mô hình truyền thống hoàn thành, cùng với sự quan tâm phát triển du lịch của tỉnh, chợ Long Hoa với mô hình kiến trúc độc đáo sẽ là một trong những địa điểm thu hút nhiều du khách đến tham quan và mua sắm đặc sản Tây Ninh. Ngôi chợ sẽ khởi sắc và sung túc, trở lại thời “hoàng kim”.  

THIÊN TÂM