BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vay vốn đổi mới công nghệ gặp khó 

Cập nhật ngày: 06/06/2017 - 20:32

Nhiều doanh nghiệp (DN) có nhu cầu vay vốn đổi mới công nghệ cho biết rất khó tiếp cận vốn ngân hàng (NH) do bị NH từ chối nhận thế chấp bằng máy móc thiết bị, chưa kể lãi suất vay vốn quá cao...

Sản xuất tại Công ty cơ khí Duy Khanh, Q. Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: Quang Định

Trong khi đó, các NH cho rằng việc nhận thế chấp bằng chính máy móc thiết bị hình thành từ vốn vay sẽ có nhiều rủi ro, nguy cơ phát sinh nợ xấu.

Kén chọn tài sản thế chấp

Ông H.Q.V., chủ tịch HĐQT Công ty CP sản xuất giấy B, cho biết lãi suất vay trung dài hạn cho việc đầu tư mới thiết bị công nghệ khá cao, dao động 10,5-11,5%/năm. “Chi phí trả lãi vay NH đã ăn hầu hết lợi nhuận của DN, không còn tích lũy để phát triển. Trong khi nhu cầu phải đổi mới công nghệ, đổi mới trang thiết bị đối với DN là rất lớn” - ông V. nói.

Theo ông V., dù lãi suất cao nhưng muốn vay được NH không dễ, đặc biệt là các DN có dự án quy mô nhỏ, do số tiền chi cho máy móc thiết bị thấp. “Khi NH cầm hồ sơ đề nghị cho vay của DN thấy thiết bị bèo quá họ cũng ngán, ít khi nào phê duyệt” - ông N.H.B., Phó giám đốc DNTN nhựa HT (Q.6), cho hay.

“Chê” thiết bị bèo nhưng các DN đầu tư máy móc giá trị lớn lại vướng quy định về vốn đối ứng. Một cán bộ Hiệp hội Giấy và bột giấy VN cho hay các DN đầu tư dự án lớn với công nghệ hiện đại giá trị cao lại bị NH đòi phải có 40% vốn đối ứng, thay vì 15% như tại các nước phát triển.

Chưa hết, những khoản vay được đối tác nước ngoài cấp tín dụng, với điều kiện phải có NH bảo lãnh, DN cũng bị các NH từ chối. “Như vậy, dù ở quy mô nào DN nội cũng gặp khó khăn nhất định trong việc vay vốn đầu tư đổi mới thiết bị” - vị này kết luận.

Trong khi đó, NH cũng kén chọn tài sản thế chấp. Ông Lý Thành Sinh, chủ tịch HĐQT Công ty CP may thêu Minh Long Hưng 
(TP.HCM), cho biết đã từng đề nghị vay hơn 1 tỉ đồng và thế chấp bằng chính máy móc mà DN vừa đầu tư nhưng đã bị NH từ chối. Thay vào đó, NH yêu cầu tài sản phải là nhà xưởng, bất động sản hoặc tài sản khác.

Theo ông Đỗ Phước Tống - chủ tịch HĐTV Công ty cơ khí Duy Khanh, các DN hội viên của Hội DN cơ khí - điện TP.HCM từng nhiều lần kiến nghị NH tạo điều kiện cho DN vừa và nhỏ được thế chấp tài sản là máy móc, thiết bị nhưng vẫn chưa có kết quả. “Phải thừa nhận NH cũng có cái khó vì cơ chế xử lý tài sản thế chấp là máy móc, thiết bị hiện chưa rõ ràng. Chưa có luật xiết nợ, cũng như chưa có cơ chế xử lý thu hồi tài sản ngay lập tức nếu gặp tình huống DN chây ì không thanh toán” - ông Tống thừa nhận.

Ngân hàng sợ nợ xấu

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Tấn Hoàng Văn - tổng giám đốc NH TMCP Sài Gòn (SCB) - cho biết không phải trường hợp vay đầu tư máy móc công nghệ mới nào NH cũng ngại. Những DN có tên tuổi, tình hình tài chính tốt, các NH đều sẵn sàng cho vay, trừ trường hợp vay mua máy móc cũ, trong khi nhiều DN, đặc biệt là các DN nhỏ thường nhập máy móc đã qua sử dụng, công nghệ cũ.

“NH không biết giá trị thực của sản phẩm này là bao nhiêu nên định giá rất khó, cũng không có nguồn nào để kiểm tra xem giá trị máy móc mà DN khai báo có đúng giá trị thực hay không” - ông Văn nói.

Giám đốc khối khách hàng DN một NH cổ phần lớn tại TP.HCM cho biết đã từng có trường hợp các DN bắt tay nhau đẩy giá thành sản phẩm lên hàng chục lần, do máy móc cũ được mua qua một công ty thương mại thay vì mua chính hãng. NH không thể kiểm tra giá như với sản phẩm mới nên cho vay một nửa giá trị cũng “dính” chắc.

Có trường hợp khi phát sinh nợ xấu, giá trị tài sản thế chấp còn rất thấp, xử lý tài sản đảm bảo NH cũng chỉ thu được một phần tài sản. “Đã có nhiều bài học về vấn đề này và NH cho vay phải thu hồi được nợ nên việc NH đưa ra các yêu cầu để ràng buộc cũng là chính đáng” - vị giám đốc này cho biết.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng thừa nhận cho vay đầu tư mua máy móc thiết bị và thế chấp bằng chính máy móc thiết bị đó là rất rủi ro ở VN, dù rất phổ biến ở nhiều nước. Nguyên nhân là tại các nước, việc kê giá lên cao rất ít khi xảy ra trong khi ở VN tình trạng này rất phổ biến. Do vậy NH phải đòi thêm tài sản đảm bảo là bất động sản để “phòng hờ”. “Trong trường hợp này, DN và NH rất khó gặp nhau, nhất là nợ xấu những năm qua khá cao và các NH vẫn còn phải gồng mình xử lý” - ông Hiếu nói.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết đã ghi nhận phản ảnh của các DN, nhưng bản thân NH cũng có cái khó. “NH cho vay là phải thu hồi được nợ. Ngoài ra, tài sản đảm bảo chỉ là một phần, khi cho vay NH còn xét đến phương án kinh doanh có khả thi, hiệu quả không, báo cáo tài chính của DN thế nào... Nhiều trường hợp NH từ chối là do không đủ điều kiện vay vốn” - ông Minh nói.

Theo ông Đỗ Phước Tống - chủ tịch HĐTV Công ty cơ khí Duy Khanh, việc đòi DN phải có tài sản thế chấp giá trị, như bất động sản là rất khó, nhất là với các DN vừa và nhỏ, do các DN này không có gì giá trị ngoài máy móc thiết bị để thế chấp.

Thực tế cũng cho thấy DN từng được cho vay nhưng đến kỳ hạn phải trả lại không thanh toán được, mà máy móc thế chấp lại để ở nhà xưởng DN, để lâu thì mất giá. Đây chính là lý do khiến các NH không muốn DN dùng tài sản thế chấp là máy móc thiết bị để đi vay.

Nguồn TTO