BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bán hàng shop- đâu dễ “ngồi mát ăn bát vàng”

Cập nhật ngày: 03/01/2010 - 11:39
HTML clipboard

Ban đêm shop vẫn luôn đông khách

Khi cuộc sống đi lên, người ta không chỉ có nhu cầu ăn no mặc ấm nữa mà đã biết quan tâm đến việc ăn ngon mặc đẹp. Các shop thời trang quần áo, giày dép ra đời để phục vụ nhu cầu có thật và ngày càng cao đó. Ở Tây Ninh, nếu nói đến shop thời trang, phải kể đến khu vực gần cửa 4 Toà Thánh, huyện Hoà Thành- nơi đây là “lãnh địa” của thế giới shop thời trang những năm gần đây.

Khi tôi bảo nhân viên shop chỉ là “ngồi mát ăn bát vàng” thì Ngọc B. ở shop P.Q giãy nảy như đỉa phải vôi: “Thiệt vậy hông trời? Nếu chị nghĩ thế thì mời chị đến đây làm để… ăn bát vàng với tụi em luôn thể!”. Còn Thúy L. thì bảo: “Nhìn vô ai cũng tưởng như chị hết á, vậy mà tụi em chắc phải nghỉ vì viêm mũi đây nè!”.

Shop P.Q hiện có gần ba mươi nhân viên, chia làm nhiều tốp phục vụ ở các dãy hàng: dãy quần nam, dãy sơ mi nam, thời trang nữ,  trẻ em, người lớn tuổi, teen… Hầu như cô nào cũng đẹp và rất trẻ, có cô đi làm từ 16 tuổi, nay 21 tuổi đã nghiễm nhiên thành người có “thâm niên” nhất và tất nhiên lương bổng cũng khiến những cô mới vô “thèm muốn ngất”.

Làm ở shop, mưa không tới lưng, nắng không tới mặt, cơm chủ nuôi ngày hai buổi, cuối tháng còn y nguyên tiền lương. Tết nhất được tặng thưởng cả tháng lương, thêm bộ quần áo cực thời trang. Còn gì bằng?

Thế nhưng nếu bạn thử một buổi la cà ở shop mới thấy “ăn bát vàng” chẳng dễ chút nào. Nhất là những ngày hàng về, mùi vải mới, mùi hoá chất, bụi vải… khiến người không quen phải nhảy mũi liên tục, nhảy mũi đến chảy nước mắt. Nhưng các cô gái rất trẻ của chúng ta không hề có một chiếc khẩu trang nào, thế nên chừng hơn một giờ đồng hồ là phải… ngoáy mũi để “khai thông” đường thở! Có những cô mới vô làm việc, cứ chốc chốc lại vô… nhà vệ sinh. Tưởng cô bị bệnh gì đó nhưng thật ra vào nhà vệ sinh là để… thở (chứ ở ngoài không tài nào chịu thấu mùi và bụi vải). Hỏi sao không mang khẩu trang, để cứ phải… ngoáy mũi hoài trông khổ quá thì các cô trả lời: “Trước giờ có thấy ai mang đâu mà mang. Với lại đeo khẩu trang trông… cách biệt với khách lắm! Khách tưởng mình bị bệnh gì đó thì chết! Thôi ráng vậy!”.

Không biết các cô sẽ ráng tới đâu khi mà sức khoẻ là quan trọng mà công việc thì phải làm hàng ngày. Tuyết N. (shop N.L) bảo rằng: “Chắc hổng sao đâu chị. Tụi em có truyền kinh nghiệm phòng bệnh cho nhau rồi. Cứ mỗi tháng ăn... hai ký huyết, huyết xào giá, huyết luộc… gì cũng được, ăn càng nhiều càng tốt, bao nhiêu bụi ở trong phổi đều được huyết cuốn ra hết trơn hà!” (?). Trời ạ, nếu “kinh nghiệm” của các cô đúng thì khoa học phải một phen lao đao vất vả để chứng minh đây!

Ngoài nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp thì da mặt các cô cũng bị ảnh hưởng (là khô, sần và ưng ửng đỏ). Đó là hậu quả của dị ứng với mùi vải, hoá chất từ vải nhưng hầu hết các cô phải đành chịu chứ không có cách nào khác hơn vì mỹ phẩm chuyên trị thì rất đắt (mà chưa chắc hiệu quả), còn thời gian nghỉ dưỡng thì không có. “Thôi ráng vài năm chị ạ, làm kiếm chút tiền về học nghề gì đó lâu dài để nuôi thân chứ em biết mình cũng không ở shop suốt đời!”. Thúy L. cho biết.

Làm việc ở shop thời trang “coi vậy mà không phải vậy”, nhất là những ngày cuối năm, nhu cầu mua sắm của mọi người cao hơn ngày thường. Ngoài việc phải hít thở trong không khí đầy mùi vải, mùi hoá chất thì các cô gái còn phải làm việc từ 7 giờ 30 sáng đến 9 giờ 30 tối (chỉ được nghỉ lúc ăn trưa khoảng 45 phút) nên “Đắng lắm chị ơi, chỉ việc “ca” cho họ mua một chiếc áo thôi cũng đủ khô nước miếng!”- Ngọc B. cười.

Hầu hết các nhân viên bán hàng ở các shop thời trang như Thuý L, như Ngọc B… đều có mức lương khoảng từ 1,1 triệu - 1,5 triệu đồng/tháng (cơm nước chủ bao)- một khoản thu nhập không dành cho những bạn trẻ thích tiêu xài thoải mái.

HOÀNG THUỴ