BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phòng chống tham nhũng, cần biện pháp cụ thể chứ không thể “quan tâm chung chung” (*)

Cập nhật ngày: 29/10/2012 - 08:48

ĐBQH Trịnh Ngọc Phương đang phát biểu

(BTN) - Chiều ngày 26.10.2012, thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác của Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chánh án TAND tối cao; về công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012, các đại biểu Đoàn ĐBQH Tây Ninh còn băn khoăn về thực trạng công tác thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm, thất thoát lớn về tiền, tài sản, nhưng hầu hết là kiến nghị xử lý kỷ luật, hành chính; số vụ tham nhũng chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự rất ít. Trong quá trình thanh tra, cơ quan thanh tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm nhưng không chuyển ngay cho cơ quan điều tra xử lý theo quy định mà phải chờ đến khi có kết luận thanh tra mới chuyển vụ việc, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thu thập chứng cứ, phát hiện và xử lý tội phạm tham nhũng. Việc xử lý sai phạm, thực hiện kiến nghị kết luận của thanh tra, kiểm toán cũng chưa nghiêm. Hầu như không có cơ quan, tổ chức, đơn vị nào phát hiện được vụ việc tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Hiện nay cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử, cơ chế kiểm tra, thanh tra của các cơ quan hành chính Nhà nước vẫn chưa phát huy hiệu quả trong giám sát, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật đối với các quyết định xử lý hành chính, kỷ luật, nên có ý kiến cho rằng, có không ít trường hợp bỏ lọt tội phạm qua việc xử lý hành chính, kỷ luật. Một số vụ việc khi tiến hành thanh tra, kiểm toán thì không phát hiện được tham nhũng nhưng sau đó cơ quan điều tra lại phát hiện hành vi tham nhũng và ra quyết định khởi tố vụ án. Do đó, các đại biểu đề nghị, cần phải có cơ chế xử lý trách nhiệm đối với cơ quan thanh tra, kiểm toán trong quá trình thanh tra, kiểm toán không phát hiện hành vi tham nhũng nhưng sau đó khi các cơ quan khác vào cuộc thì phát hiện và xử lý được nhiều hành vi tham nhũng. Các đại biểu cũng cho rằng cần phải khẩn trương tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng pháp luật, nhất là pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự cho Thanh tra viên, Kiểm toán viên, góp phần tăng cường hiệu quả của việc phát hiện, xử lý tham nhũng trong thời gian tới.

Về cải cách hành chính, Đoàn ĐBQH Tây Ninh cũng cho rằng việc đơn giản hoá thủ tục hành chính ở nhiều nơi vẫn còn hình thức, còn không ít yêu cầu bất hợp lý đối với người dân, doanh nghiệp, một số cán bộ, công chức vẫn lợi dụng thủ tục hành chính rườm rà để nhũng nhiễu đòi hối lộ, gây phiền hà, khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, doanh nghiệp. Việc củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực còn chậm, thiếu đồng bộ, nhất là về mặt tổ chức nhân sự, chế độ trách nhiệm, công vụ, khen thưởng, kỷ luật. Vẫn còn tình trạng không công khai những nội dung cần phải công khai, minh bạch, hoặc chỉ công khai trong phạm vi hẹp ở các cuộc họp, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư, đầu tư xây dựng cơ bản; việc đánh giá, xử lý cán bộ tại một số nơi còn nể nang, thiếu cương quyết...

Để các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng thực sự có hiệu quả trong quá trình thi hành, các đại biểu Đoàn ĐBQH Tây Ninh đề nghị bên cạnh việc rà soát hệ thống pháp luật để có những sửa đổi phù hợp, thì cần đặc biệt quan tâm đến việc quy định cụ thể để xác định rõ hơn nữa trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ; cần thực hiện nghiêm chủ trương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, kèm theo đó là chính sách về tiền lương thoả đáng… chứ không chỉ chú trọng, quan tâm thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng một cách chung chung.

Duy Quang

(từ Hà Nội)

 

(*) Tựa đề do Toà soạn đặt