BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tân Châu: Nhiều hộ vi phạm đồng tình chặt bỏ cây trồng không đúng mục đích để trồng lại rừng

Cập nhật ngày: 03/08/2009 - 03:24

Theo số liệu thống kê, ở khu vực Rừng phòng hộ Dầu Tiếng thuộc địa bàn huyện Tân Châu còn đến hơn 3.700 ha đất lâm nghiệp bị bao chiếm sử dụng không đúng mục đích. Trong đó có hơn 2.100 ha cây cao su, cây ăn quả trồng đúng quy hoạch nhưng chưa đủ mật độ theo quy định và hơn 1.600 ha đất bao, lấn chiếm trồng các loại cây sai quy hoạch, không đúng mục đích. Trong thời gian qua, lãnh đạo huyện Tân Châu đã hết sức nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động và đã đạt được kết quả bước đầu.

Một hộ ở xã Suối Dây trồng lại cây rừng sau khi chặt bỏ cây cao su.

Ông Võ Đức Trong- Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Châu - cho biết, theo kế hoạch của huyện thì việc xử lý được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là tập trung xử lý diện tích đất bị bao, lấn chiếm sử dụng sai quy hoạch, không đúng mục đích. Cụ thể là đối với diện tích đất đang sản xuất cây nông nghiệp ngắn ngày thì phải chuyển sang trồng rừng theo quy hoạch. Còn đối với cây cao su, cây ăn trái có tán che rộng trồng sai quy hoạch, không đúng mục đích thì phải chặt bỏ theo băng để trồng hỗn giao với cây bản địa. Riêng cây ăn trái không có tán che rộng thì chặt bỏ toàn bộ để trồng lại rừng. Ngoài ra, UBND huyện cũng tiến hành xử lý các công trình, nhà chòi cất trái phép trong rừng phòng hộ, xử lý các hộ tự phá bỏ rừng trồng và các hợp đồng trồng rừng nhiều năm trước nhưng chưa nghiệm thu. Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục triển khai xử lý đối với các diện tích cây cao su, cây ăn trái trồng đúng quy hoạch nhưng chưa đủ mật độ theo chương trình 327 và dự án 661.

Sau khi chính quyền các cấp ở huyện Tân Châu họp các hộ dân vi phạm phổ biến chủ trương, kế hoạch giải quyết tình trạng bao, lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích và phối hợp các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động đến các hộ dân vi phạm. Đến nay trên địa bàn huyện Tân Châu đã có 356 hộ vi phạm đăng ký và cam kết tự giác chấp hành, chặt bỏ cây trồng không đúng mục đích để trồng lại rừng. Tổng diện tích các hộ vi phạm đăng ký chặt bỏ cây trồng không đúng mục đích là 610 ha. Trong đó có khoảng 320 ha đang trồng các loại cây nông nghiệp ngắn ngày, 256 ha đang trồng cây cao su, hơn 14 ha trồng cây ăn trái… Nếu tính theo địa bàn xã thì ở xã Tân Thành có số diện tích đăng ký chặt bỏ cây trồng không đúng mục đích nhiều nhất- hơn 200 ha, còn lại xã Suối Dây hơn 170 ha, xã Suối Ngô hơn 138 ha và xã Tân Hoà gần 100 ha. Đến nay đã có 4 hộ ở ấp 5 xã Suối Dây tự nguyện thực hiện chặt bỏ cây cao su để trồng lại rừng.

Số hộ đã tự giác cam kết chấp hành Quyết định 875 ở huyện Tân Châu so với tổng số hộ vi phạm đã được thống kê thì chưa phải là đa số, nhưng qua đó cho thấy đã có khá nhiều hộ dân nhận thức được chủ trương đúng đắn của Nhà nước và sẵn sàng chấp hành. Đồng thời, từ việc đã có hộ tự nguyện chặt bỏ cây cao su trồng sai mục đích trên đất rừng phòng hộ Dầu Tiếng để trồng lại cây rừng cho thấy bước khởi đầu trong quá trình giải quyết tình trạng bao, lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích ở huyện Tân Châu đang có chiều hướng tích cực. Lãnh đạo huyện Tân Châu cho biết quan điểm của huyện về việc giải quyết tình trạng bao, lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích là chấp hành triệt để các Chỉ thị và Quyết định của tỉnh, đồng thời phải tính toán lộ trình tiến hành sao cho giảm thiểu thiệt hại nhất cho dân. Do đó, huyện sẽ tập trung giải toả đất lâm nghiệp bị bao, lấn chiếm sử dụng không đúng mục đích theo khả năng trồng rừng thực tế, bảo đảm giải toả đến đâu sẽ trồng rừng ngay đó. Do đó mà song song với việc giải quyết tình trạng bao lấn chiếm, đến cuối tháng 7 huyện đã thiết kế được gần 160 ha trồng rừng. Theo chiều hướng tích cực như hiện nay, huyện đang đặt chỉ tiêu phấn đấu đến giữa tháng 8 diện tích thiết kế trồng rừng phải đạt hơn 400 ha.

Tuy nhiên, hiện tại có một số hộ dân vi phạm ở huyện Tân Châu còn một số điều băn khoăn. Trước tiên là việc vay vốn để trồng rừng đang gặp khó khăn, bởi vì có nhiều hộ ngoài đất bao lấn chiếm ra không có khoảnh đất nào khác, nên không có “giấy đỏ” để thế chấp vay vốn ngân hàng. Do đó mà có nhiều hộ kiến nghị các cấp có thẩm quyền làm việc với ngành Ngân hàng để có chính sách cho những hộ này vay tín chấp hoặc vay qua hợp đồng trồng rừng có sự bảo lãnh của chủ rừng. Cũng có một số hộ vi phạm phá bỏ rừng trồng trước đây muốn khắc phục hậu quả để không bị cưỡng chế bằng cách trồng lại rừng. Tuy nhiên hiện tại các hộ này không biết là phải trồng lại theo mô hình nào, mô hình cũ hay mô hình mới? Bởi vì khi phá bỏ thì rừng đang là mô hình cũ, còn hiện nay ở Rừng phòng hộ Dầu Tiếng đang giải quyết tình trạng bao, lấn chiếm theo mô hình mới có xen cây cao su. Hầu hết các hộ muốn trồng lại rừng theo mô hình mới. Lãnh đạo huyện Tân Châu đang kiến nghị tỉnh xem xét vấn đề này.

SƠN TRẦN