BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thống đốc NHNN trả lời kiến nghị của cử tri Tây Ninh

Cập nhật ngày: 22/05/2012 - 05:18

Khánh thành trụ sở mới của Ngân hàng TMCP Công Thương – chi nhánh Tây Ninh

(BTNO) - Theo đề nghị của Ban Dân nguyện và Văn phòng Chính phủ, vừa qua Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã trả lời các kiến nghị của cử tri Tây Ninh và một số tỉnh, thành khác về hoạt động ngân hàng.

Cử tri Tây Ninh và các tỉnh An Giang, Gia Lai, Phú Yên, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Phúc, Lào Cai và Hà Nội đề nghị NHNN có biện pháp duy trì lãi suất huy động ở mức 14%/năm và xử lý hiệu quả tình trạng các ngân hàng thương mại huy động tiền gửi cao hơn quy định.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, từ năm 2011, NHNN đã sử dụng đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nhằm kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc các tổ chức tín dụng (TCTD) chấp hành quy định trần lãi suất huy động. Đặc biệt ngày 7.9.2011, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN quy định cụ thể hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với cá nhân, tổ chức và người đứng đầu tổ chức vi phạm trần lãi suất huy động. Đồng thời, NHNN đã phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và đã xử lý nghiêm một số trường hợp vi phạm trần lãi suất huy động theo đúng tinh thần Chỉ thị 02/CT-NHNN, gồm: Ngân hàng Phát triển Nhà thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng TMCP Đông Á chi nhánh Tây Ninh, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NHNo&PTNT) chi nhánh Thanh Hoá và hiện đang hoàn tất thủ tục để xử lý Ngân hàng TMCP Kiên Long.

Đầu năm 2012, NHNN tiếp tục yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về lãi suất huy động vốn của các TCTD và xử lý nghiêm khắc những trường hợp vi phạm quy định tại Chỉ thị số 02/CT-NHNN. NHNN rất mong nhận được sự hỗ trợ tích cực của cử tri trong việc phát hiện các hành vi vi phạm quy định trần lãi suất huy động của TCTD.

Thống đốc NHNN cũng đã trả lời kiến nghị liên quan đến giảm lãi suất cho vay và khống chế lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh không vượt quá 3% trần lãi suất tiền gửi của cử tri Tây Ninh và các các tỉnh Gia Lai, Đà Nẵng, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Hà Nội, Phú Yên, Hoà Bình, Thái Nguyên, Long An, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bình Dương, Đà Nẵng. Ông cho biết, từ tháng 9.2011, trước những dấu hiệu tích cực của lạm phát và các cân đối vĩ mô, NHNN đã sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm dần mặt bằng lãi suất cho vay, như: (1)-Tăng cường thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các TCTD vi phạm trần lãi suất huy động; (2)-Hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD; (3)-Chỉ đạo các ngân hàng thương mại, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước tiết kiệm chi phí, giảm lợi nhuận để giảm mặt bằng lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất cho vay liên tục có xu hướng giảm. Đến nay, lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh phổ biến ở mức 18-20%/năm, trong đó lãi suất cho vay nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu ở mức 14,5-18%/năm. Đặc biệt, những doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn khắc phục hậu quả bão lụt hoặc vay vốn phục vụ xuất khẩu đã được vay vốn với mức lãi suất 13,5-14,5%/năm.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2.2012, ngày 12.3.2012, NHNN đã điều chỉnh giảm 1% các mức lãi suất điều hành của NHNN và trần lãi suất huy động của TCTD (Quyết định 407/QĐ-NHNN, Thông tư 05/2012/TT-NHNN), cụ thể: giảm lãi suất tái cấp vốn từ 15% xuống 14%, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 16% xuống 15%, lãi suất tái chiết khấu từ 13% xuống 12%, trần lãi suất huy động của TCTD từ 14% xuống 13% đối với kỳ hạn từ 1 tháng trở lên và từ 6% xuống 5% đối với kỳ hạn dưới 1 tháng. Đây là bước điều chỉnh quan trọng để các ngân hàng giảm dần mặt bằng lãi suất cho vay.

Cử tri đề nghị có chính sách hỗ trợ và dành một phần tín dụng cho lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn (nhất là đối với ngư dân, hộ sản xuất, hộ nông dân sản xuất lúa, nông sản, chăn nuôi, vật tư, phân bón) và các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp đang giải quyết việc làm cho người lao động, doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng xuất khẩu (cử tri Tây Ninh và các tỉnh, thành Hải Phòng, Lạng Sơn, Gia Lai, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Hà Nội, Phú Yên, Bình Dương, Đà Nẵng, Hòa Bình, Thái Nguyên, Long An, Yên Bái, Hà Nam, Bắc Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình, Cần Thơ). Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, từ năm 2011, cùng với việc điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, NHNN đã chỉ đạo các TCTD chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động, các dự án, phương án có hiệu quả.

Riêng về lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, để khuyến khích hệ thống ngân hàng tập trung vốn và giảm chi phí cho vay lĩnh vực này, Chính phủ và NHNN đã ban hành nhiều cơ chế chính sách ưu đãi đối với các tổ chức tín dụng mở rộng cho vay lĩnh vực này. Trong đó, NHNN áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng VND thấp hơn so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc thông thường đối với tổ chức tín dụng có tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn cao và hàng năm, dành lượng tiền cung ứng để tái cấp vốn cho tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với mục tiêu, biện pháp điều hành chính sách tiền tệ; các khoản cho vay tái cấp vốn đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được NHNN ưu tiên về thời hạn và nguồn vốn cho vay, so với các lĩnh vực khác. Nhờ đó, đến cuối năm 2011, mặc dù tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống chỉ đạt mức 14,47%, nhưng dư nợ tín dụng lĩnh vực sản xuất - kinh doanh tăng tới 21,71%, dư nợ lĩnh vực phi sản xuất giảm 16,69% và dư nợ tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 30,64%, trong đó có 5 TCTD có tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn từ 40-70% đã được áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 1/5 tỷ lệ dự trữ bắt buộc thông thường.

Trong năm 2012, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3.1.2012 của Chính phủ, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD tập trung vốn hỗ trợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nhiều lao động, các dự án, phương án có hiệu quả và hạn chế cho vay lĩnh vực không khuyến khích. Đồng thời, NHNN sẽ áp dụng thêm một số giải pháp thúc đẩy cho vay nông nghiệp, nông thôn như: (1) Tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan cũng như các Ban chỉ đạo miền Tây Nam Bộ, Tây Bắc... chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho vay chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là cho vay đối với nhu cầu nâng cao quá trình cơ giới hoá và áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn; (2) Lấy NHNo&PTNT làm trụ cột trong cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với mục tiêu đặt ra cho Ngân hàng này là thường xuyên duy trì tỷ trọng dư nợ tín dụng phục vụ nông nghiệp và nông thôn từ 75 – 80% tổng dư nợ; (3) Yêu cầu tất cả các tổ chức tín dụng khác phải đạt tỷ trọng dư nợ nông nghiệp, nông thôn ít nhất khoảng 20% tổng dư nợ, những TCTD không có điều kiện cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn thì dành một lượng vốn tương ứng để uỷ thác cho NHNo&PTNT cho vay lĩnh vực này.

HY UYÊN