BAOTAYNINH.VN trên Google News

Toạ đàm, khảo sát công tác phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam-Campuchia

Cập nhật ngày: 08/09/2011 - 11:12

Ngày 8.9.2011, tại Tây Ninh, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tỉnh uỷ Tây Ninh tổ chức hội nghị tọa đàm, khảo sát thực tế công tác phân giới, cắm mốc (PGCM) biên giới đất liền Việt Nam- Campuchia (CPC) năm 2011. Đoàn đại biểu Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Nguyễn Văn Xuân, Quyền Vụ trưởng Vụ Đối ngoại và Hợp tác quốc tế dẫn đầu. Đoàn Tây Ninh do đồng chí Võ Hoàng Khải, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phân giới, cắm mốc biên giới tỉnh dẫn đầu.

Đồng chí Nguyễn Văn Xuân cho biết: Tuyến biên giới Việt Nam-CPC kéo dài từ Cửa khẩu Bờ Y tỉnh Kon Tum đến Xà Xía, Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang với chiều dài 1.137 km. Năm 1985, Chính phủ hai nước Việt Nam và CPC đã ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia và tiến hành các bước PGCM biên giới. Cột mốc đầu tiên mang số 171 tại cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh mở đầu cho công tác PGCM giữa 2 quốc gia. Trải qua 5 năm nỗ lực phấn đấu, ta và bạn đã chuyển vẽ hoàn chỉnh được 33/40 mảnh bản đồ với khoảng 1.084/1.137 km đường biên giới, đạt 95,3%; xác định được 227/314 vị trí mốc, đạt 72,29% kế hoạch; phân giới được 307,919/1.137 km đường biên, đạt 27,08% và nghiệm thu 120 bộ hồ sơ mốc.

Đồng chí Nguyễn Văn Xuân phát biểu khai mạc hội nghị

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PGCM cũng đang gặp nhiều khó khăn như thời tiết khí hậu, địa hình biên giới, những tồn tại do lịch sử để lại… Do vậy đến thời điểm này trên thực địa còn 9 khu vực chưa chuyển vẽ, với 46 vị trí/ 51 mốc trên chiều dài hơn 85 km. Công tác tuyên tuyên truyền về PGCM vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là công tác tuyên truyền về đối ngoại, dẫn đến một bộ phận người dân cả hai bên chưa hiểu hết tầm quan trọng, ý nghĩa của việc PGCM, nên ý thức bảo vệ thành quả PGCM chưa cao.

Báo cáo tham luận của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ cho thấy: Công tác tuyên truyền về PGCM được triển khai sâu, rộng, đồng bộ, tăng cả về thời lượng và nội dung. Đã xuất hiện nhiều mô hình phối hợp với những nội dung và hình thức tuyên truyền phong phú, mang lại hiệu quả cao. Chỉ riêng lĩnh vực tuyên truyền miệng về PGCM, từ đầu năm 2011 đến nay đã tuyên truyền được 4.281 cuộc cho 530.587 lượt cán bộ, đảng viên dự; tuyên truyền ra dân được 3.440 cuộc cho 499.667 lượt người dự. Các cơ quan thông tấn, báo, đài đã có nhiều chương trình, phóng sự, tin bài tuyền truyền thường xuyên, liên tục về công tác PGCM. Theo báo cáo tham luận của Ban Chỉ đạo PGCM tỉnh, Tây Ninh có khoảng 240 km đường biên giới, giáp với 3 tỉnh của CPC. Từ tháng 9.2006, khi cắm cột mốc số 171 đầu tiên trên toàn tuyến biên giới đến nay, Tây Ninh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của nước bạn CPC xác định được 89/101 vị trí và cắm được 98/110 cột mốc, đạt 88,11% cột mốc phải cắm theo quy định. Phấn đấu đến hết năm 2012 Tây Ninh sẽ hoàn thành việc PGCM theo đúng kế hoạch.

Đồng chí Nguyễn Văn Xuân nhấn mạnh: Nhiệm vụ tuyên truyền về PGCM trên đất liền giữa Việt Nam và CPC rất nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Phải làm cho nhân dân hai nước và quốc tế hiểu rõ, hiểu đúng tình hình biên giới giữa Việt Nam với Campuchia là xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định lâu dài giữa hai dân tộc Việt Nam-Campuchia. Đồng thời bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong công tác PGCM; góp phần vun đắp cho tình hữu nghị truyền thống giữa các nước láng giiềng và đóng góp tích cực đối với hoà bình, ổn định trong khu vực.

KHẮC LUÂN