BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xã Trường Đông (Hoà Thành): Một trại chăn nuôi heo xả nước thải trực tiếp ra kênh, gây ô nhiễm môi trường

Cập nhật ngày: 06/07/2009 - 11:56

Ngay ở miệng ống nước thải từ trại chăn nuôi heo ra thẳng kênh, cả một vạt đất nhầy nhụa phân heo, đến cỏ cũng không còn mọc được nữa

Chị Triệu Thị Lắm, nhà ở ô 4, ấp Trường Phú, xã Trường Đông bức xúc phản ánh về tình trạng trại chăn nuôi heo được xây dựng kề bên nhà dân gây mất vệ sinh, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân xung quanh.

Chị Lắm trình bày: Trước đây khu vực giáp ranh giữa nhà chị và nhà hàng xóm là một khoảng đất trống và vườn cây. Cách đây khoảng một năm, người hàng xóm của chị nhượng miếng đất trống đó cho một người bà con. Người này xây trại nuôi heo khá lớn, quy mô ước khoảng trên 100 con. Thấy trại chăn nuôi heo xây cất sát bên nhà, sợ bị ô nhiễm bởi mùi hôi phân heo và nước thải nên vợ chồng chị Lắm có báo cáo Ban quản lý ấp nhờ can thiệp. Do trại chưa đi vào hoạt động nên phía chính quyền yêu cầu chủ trại heo phải cam kết là không gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, lời cam kết đó đã không được chủ trại heo thực hiện, và hiện tại gia đình chị Lắm phải chịu ảnh hưởng trực tiếp mùi phân heo hôi thối từ trại chăn nuôi heo.

Khi chúng tôi đến, anh Trần Văn Thạch- chồng chị Lắm cho biết: Trước đây, sau mỗi buổi lao động cực nhọc, cả nhà lại quây quần với nhau bên mâm cơm gia đình rất ấm cúng. Thế nhưng, từ khi có trại chăn nuôi heo cạnh nhà, thì những bữa cơm chung của gia đình anh không còn ngon miệng nữa. Anh Thạch cho biết nhiều khi dọn cơm xong, người chưa kịp ăn thì ruồi đã rủ nhau ăn trước rồi. Để minh chứng cho lời nói của mình, anh Thạch lấy ra một chùm chôm chôm để trên bàn, không đầy một phút sau, ruồi đã đậu kín cả chùm chôm chôm. Ngồi trong nhà anh Thạch chúng tôi phải liên tục dùng tay xua ruồi, chúng bay vo ve rất nhiều, đậu khắp cả thân người. Dần dần bữa cơm đoàn tụ gia đình anh Thạch không còn mà thay vào đó là “mỗi người một tô” bưng ra ngồi ngoài đường, trước cửa nhà mà ăn và phải tranh thủ ăn sớm, vì cứ chiều xuống là “hôi thối không chịu nổi”. Anh Thạch nói thêm: ngay cả người nhà chủ trại heo cũng “mỗi người mỗi tô” như gia đình tôi!

Dẫn chúng tôi ra sau vườn, anh Thạch chỉ vào một đoạn ống nước rất dài kéo ra tận con kênh sau vườn, bảo là đoạn ống này do bên trại chăn nuôi heo lắp đặt để xả nước thải lẫn phân heo ra thẳng kênh. Cả một khoảng đất cạnh bờ kênh trở nên đen xì, phân heo còn dính lợn cợn trên vành ống. Từ đây, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Dù cẩn thận bịt khẩu trang, nhưng chúng tôi vẫn không sao chịu đựng nổi mùi hôi như thế này. Chị Lắm cho biết, trời mưa thì mùi hôi còn ít, còn mỗi khi nắng hay trời gió nhiều, thì cái mùi hôi thối này bay đi khắp nơi nồng nặc, bất kể ngày đêm. “Trước đây ba con còn ra kênh lưới cá, bây giờ không dám đặt chân ra đây nữa. Tại vì có lần ba con lội xuống kênh giăng lưới, về, cả mình ba nổi mẩn đỏ, ngứa không chịu được”- bé Trần Ngọc Mỹ, con gái anh Thạch nói. Nguồn nước sinh hoạt của gia đình anh Thạch cũng bị ô nhiễm nặng nề, không còn sử dụng được, do chỉ cách trại heo này có 25m. “Có lần bơm nước lên, cả nhà thấy nước có màu hơi đục nên tưởng do phèn. Đến khi ngửi thử lại nghe nước có mùi thum thủm. Chúng tôi không dám xài nước giếng đó nữa, phải bỏ tiền khoan một cái giếng khác cách xa hơn. Vậy mà cũng chưa yên tâm!”- chị Lắm nói.

Có thể nói, việc gây ô nhiễm môi trường trong ngành chăn nuôi gia súc gia cầm ở tỉnh ta là khá phổ biến. Nếu không có sự giải quyết rốt ráo từ phía địa phương, như kiểm tra nhắc nhở chủ trại thường xuyên vệ sinh chuồng trại, xây dựng và sử dụng hệ thống biogas, không xả nước thải trực tiếp ra kênh, rạch v.v… tất yếu môi trường sẽ bị ô nhiễm trầm trọng, tác hại đến sức khoẻ người dân và huỷ hoại môi sinh lâu dài. Những người dân khiếu nại vấn đề này, chỉ mong muốn sao cho môi trường sống luôn trong lành, đảm bảo được sức khoẻ cho bản thân và cộng đồng, nhưng mong muốn đó chỉ có thể có khi ngành chức năng có biện pháp kiên quyết để ngăn chặn, xử lý rốt ráo.

HOÀNG THẠCH