BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xem xét đưa vào luật danh mục hàng hoá bình ổn giá

Cập nhật ngày: 15/12/2011 - 12:14

Ngày 15.12.2011, tại phiên họp thứ tư, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Luật giá.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu và Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị cơ quan soạn thảo lưu ý vấn đề định giá, bình ổn giá đã phù hợp với cam kết quốc tế về vận hành giá theo cơ chế thị trường hay chưa.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết Bộ Tài chính đã rà soát các cam kết với WTO và tham khảo quy định nhà định giá một số hàng hoá quan trọng của nhiều nước.

Bộ trưởng cho biết, Phòng Thương mại Hoa Kỳ và Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam rất quan tâm đến điều này và cho rằng, cần quy định rõ trong luật danh mục hàng hoá cần định giá để bớt định tính.

Bộ trưởng giải thích thêm “định giá cũng là biện pháp thị trường chứ không phải là phi thị trường. Định giá thể hiện qua việc tạo khung giá, giá sàn, giá trần... Trong trường hợp có gây thiệt hại cho người sản xuất thì nhà nước sẽ bù đắp, và lúc này phát sinh ra quỹ bình ổn giá, mà không lấy ra từ ngân sách”.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát các quy định của quốc tế về vấn đề này để hoàn thiện thêm.

Về quy định bình ổn giá, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết bình ổn giá được thực hiện theo hướng trung hạn chứ không phải ngắn hạn. Như mặt hàng xăng dầu đang được điều chỉnh để giá diễn biến một cách bình thường chứ không quá đột ngột. Điều đó không có nghĩa là vi phạm cơ chế thị trường. Trong dự luật đã ghi rõ các biện pháp bình ổn trước hết là điều hòa cung cầu, nếu giá chưa ổn định thì tiếp tục sử dụng chính sách tài chính, tiền tệ rồi cuối cùng mới là bình ổn- buộc sử dụng quỹ bình ổn.

Liên quan đến việc sử dụng quỹ bình ổn, báo cáo của Uỷ ban Tài chính- Ngân sách đề nghị khi cần thiết nên việc trích dự phòng ngân sách là một trong những nguồn hình thành Quỹ bình ổn.

Tuy nhiên theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, cần ghi rõ trong luật chỉ có trường hợp thiên tai, địch họa tác động đến giá thì mới dùng nguồn dự phòng tác động vào giá nhằm giảm gánh nặng ngân sách.

Đối với các loại hàng hoá, dịch vụ bình ổn hay được định giá, dự thảo Luật giá đã ghi trực tiếp danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn (gồm 13 loại hàng) và danh mục hàng hoá, dịch vụ Nhà nước định giá (13 loại hàng). Cơ quan thẩm tra và các ý kiến của Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định này sẽ đảm bảo minh bạch, ổn định, tạo căn cứ cho điều hành giá cả, giúp doanh nghiệp hạch toán và xây dựng kế hoạch kinh doanh...

Kết luận về dự án Luật giá, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng về nguyên tắc sẽ đưa vào luật danh mục hàng hoá thực hiện bình ổn giá, nhưng trước hết phải xây dựng tốt tiêu chí để bình ổn giá.

Phó Chủ tịch cũng khẳng định thẩm quyền định các biện pháp áp dụng bình ổn giá sẽ do Chính phủ thực hiện trên phạm vi cả nước. Chỉ một số trường hợp cấp bách (dự luật cần ghi rõ cấp bách như thế nào) sẽ do UBND cấp tỉnh quyết định biện pháp bình ổn giá tại địa phương.

Cũng trong sáng nay, UBTVQH cũng thảo luận về Bộ luật lao động (sửa đổi) liên quan đến một số vấn đề còn có ý kiến khác biệt về tiền lương và lương tối thiểu, thời gian nghỉ thai sản,...

Theo đề nghị của Uỷ ban các vấn đề xã hội- cơ quan thẩm tra và tổng hợp ý kiến đại biểu về dự án Bộ luật, cần bổ sung quy định hỗ trợ người lao động trong quá trình thỏa thuận về tiền lương thông qua việc định kỳ công bố các thông tin về thị trường lao động, mức tiền lương bình quân thực thế theo khu vực, ngành nghề...

Uỷ ban các vấn đề xã hội cũng đề nghị tăng mức lương làm thêm giờ lên gấp đôi mức lương làm việc bình thường (hiện quy định phải trả ít nhất là 180% mức lương làm việc bình thường).

Đối với chế độ nghỉ thai sản, Uỷ ban các vấn đề xã hội đề nghị các nhóm lao động nữ đều được nghỉ 6 tháng thai sản, nhưng cho phép người lao động có quyền đi làm sau khi nghỉ đủ 4 tháng trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động...

Theo VOV