Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chiêng Doanh ở Tây Nguyên

Cập nhật ngày: 19/07/2011 - 09:48

Cồng, chiêng là loại tài sản quý giá của các dân tộc ở Tây Nguyên, thể hiện sự giàu có của gia chủ. Nếu nói rằng, rừng núi, buôn làng Trường Sơn- Tây Nguyên là cái nôi của văn hoá cồng, chiêng thì làng đúc cồng, chiêng Phước Kiều (xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) và một số làng nghề khác ở đồng bằng là nơi xuất xứ của những tài sản quý giá ấy, người Mnông gọi là chiêng doanh.

Xưa kia, chiêng Lào (còn gọi là chiêng Lao), chiêng Campuchia (còn gọi là chiêng Cur) không thiếu, nhưng đồng bào sống trên dải Trường Sơn và vùng Tây Nguyên vẫn ưa thích loại chiêng do người Kinh chế tác ra. Những năm mùa màng bội thu, đời sống khá giả, đồng bào Tây Nguyên luôn có nhu cầu mua sắm cồng, chiêng để sử dụng trong các lễ hội và làm giàu tài sản cho gia đình theo quan niệm của đồng bào. Đồng bào càng sử dụng nhiều cồng, chiêng thì nghề đúc cồng chiêng Phước Kiều mới có cơ ăn nên làm ra, có mối liên hệ thường xuyên giữa các nghệ nhân trong làng với những người dân vùng Tây Nguyên. Trong gần 200 năm qua, ước tính làng Phước Kiều đã cung cấp gần 25.000 bộ cồng, chiêng, bộ gõ, bộ vỗ cho vùng Tây Nguyên.

Sản phẩm cồng chiêng của làng đúc Phước Kiều.

Từ khi không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là kiệt tác di sản văn hóa thế giới, các tỉnh Tây Nguyên như Đăk Nông, Đăk Lăk... đã dấy lên phong trào bảo tồn không gian văn hóa cồng, chiêng. Trong những năm qua, Sở VHTT&DL các tỉnh Đăk Nông, Đăk Lăk đã tổ chức nhiều đợt điều tra, tổng kiểm kê cồng, chiêng trong toàn tỉnh. Qua đó, phát hiện vấn nạn “chảy máu cồng chiêng” đang xảy ra phổ biến ở nhiều buôn làng. Do đó, từ năm 2006, lãnh đạo Sở VHTT&DL tỉnh Đăk Lăk đã đến làng Phước Kiều khảo sát và đặt mua cồng, chiêng. Chỉ riêng tỉnh Đăk Lăk, số cồng chiêng cần mua sắm lên đến 150 bộ. Còn tỉnh Đăk Nông những năm qua đã mua 70 bộ chiêng của làng Phước Kiều. Mới đây, Phòng Văn hoá - Thông tin thị xã Gia Nghĩa đã hợp đồng với nghệ nhân Dương Ngọc Tiển chế tác bộ goong cho dân tộc Mnông, Mạ từ nguồn kinh phí tài trợ của Quỹ Văn hoá Đan Mạch. Các tỉnh Tây Nguyên còn khảo sát các làng nghề đúc đồng ở Nam Định, Thanh Hoá nhằm tìm chọn những ưu thế của kỹ thuật chế tác giữa địa phương trong nước để sản phẩm trang bị cho buôn làng sử dụng được lâu bền hơn.

Một yếu tố để đồng bào Tây Nguyên chọn lựa chiêng doanh là, do các nghệ nhân đúc đồng Phước Kiều không những biết đúc ra chiêng doanh mà còn giỏi thẩm âm. Điển hình như: nghệ nhân Dương Quốc Thuần, Dương Ngọc Tiển đã truyền dạy thẩm âm cồng chiêng cho những nghệ nhân trẻ ở bon làng Mnông, tỉnh Đăk Nông. Mỗi lớp “tập huấn” thẩm âm do Sở VHTT&DL Đăk Nông tổ chức có đến vài chục nghệ nhân Mnông tham gia. Đặc biệt, trong cuộc thi thẩm âm cồng, chiêng do Bộ VHTT&DL tổ chức tại Gia Lai năm 2008, đích thân nghệ nhân Dương Ngọc Tiển được mời đến Đăk Nông truyền dạy “nghề lên dây chiêng” cho các nghệ nhân Mnông, Ê-đê.

Đây được coi là cơ hội lớn trong việc phát triển, bảo tồn làng nghề của dân tộc, địa phương, góp phần vào việc bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng các dân tộc vùng Trường Sơn- Tây Nguyên.

K.D (st)