BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giới thiệu sách: Tình người tình đất trong tác phẩm của Võ Văn Cường

Cập nhật ngày: 12/07/2011 - 05:57

Tập truyện ký Điệp viên mang mật danh H16 (Nhà xuất bản Công an Nhân dân 2011) của nhà báo Võ Văn Cường, dày hơn 300 trang với gần 20 câu chuyện ngắn được thể hiện qua các thể loại bút ký, ghi chép báo chí, hồi ức… đã dẫn dắt người đọc qua những số phận vinh quang nhưng cũng hết sức nghiệt ngã của những chiến sĩ tình báo, hoạt động bí mật trong chiến tranh chống Mỹ, những con người trong thời bình tảo tần trong công cuộc mưu sinh, đấu tranh và xây dựng đất nước. Tất cả cũng bởi một cái tình: tình yêu quê hương đất nước và tình “Người với người sống để yêu nhau!”.

Đây là tác phẩm thứ ba của Võ Văn Cường (sau hai tập Người Thanh tra kiên cường và Chuyện đời đen trắng). Anh vẫn chung thuỷ với lối viết mang văn phong báo chí, ngắn gọn, dễ hiểu, chắt lọc chi tiết, song cái xúc cảm mềm mại, đau đáu nỗi lòng với quê cha, dòng tộc đã được anh đưa vào trong câu chuyện “Hồi ức về Ngọc Thành” khá dài trong tập. Bởi lẽ cái làng quê Ngọc Thành, thuộc Yên Thành, Nghệ An ấy là quê hương anh với dòng họ Võ, với bao thăng trầm của thế sự. Và các chi sau này của họ Võ đã tha phương lưu lạc, trong Nam, ngoài Bắc. Ở Tây Ninh, người đầu tiên của họ Võ đất Ngọc Thành đến đây lại là cha anh, ông Võ Văn Hoè, một thầy giáo cũng từng kinh qua nhiều chức vụ, công việc ở quê mới, người dẫn dắt những cháu con họ Võ khác vào Tây Ninh sinh sống và lập nghiệp, trong đó có Võ Văn Cường.

Võ Văn Cường từng là bộ đội lái xe, sau đó làm công tác tổ chức tại Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh, rồi làm cán bộ Thanh tra Nhà nước. Bây giờ là anh Trưởng phòng Báo điện tử của Báo Tây Ninh. Do đó, những bài viết của mình, Võ Văn Cường không né tránh những vùng “nhạy cảm”, vẫn lên án tệ nạn tham nhũng, bòn vét của công, tiếp tay cho kẻ xấu phá hoại bình yên, an lành của xã hội. Anh cũng bộc bạch những điều tâm huyết, tin cậy khi viết về phóng viên Trần Ngọc Hoàn, cùng chủ doanh nghiệp Ngô Hà Liêu theo dõi dấu vết của trạm trưởng trạm Hải quan Đặng Phú Sĩ, hay những tác nghiệp vụng về của ê kíp Trạm hải quan Long Vũ, chỉ vì đồng tiền làm khuất tất lương tâm trong “Giăng Bẫy”.

Câu chuyện “Điệp viên mang mật danh H16” và “Điệp viên mang mật danh H17”, mang chút hình sự và trinh thám, một thể tài dường như quen thuộc với Võ Văn Cường khi anh viết “Người Thanh tra kiên cường” cũng là chuyện được chọn làm tên của tập sách. Hoá ra đây lại là câu chuyện đời thường rất cảm động của hai chiến sĩ tình báo hoạt động trong lòng địch. Một người phải tham gia lính chế độ Sài Gòn (ông Tô Văn Trong ở Gò Nổi, Ninh Điền, Châu Thành), một người phải cam chịu “ô uế” thanh danh lấy chồng Úc (bà Nguyễn Thị Khéo), để che mắt kẻ thù, hoạt động tình báo cho cách mạng. Chiến thắng, hoà bình mang đến cho những chiến sĩ tình báo này niềm vui chung của cả dân tộc, nhưng với bản thân lại lắm nghiệt ngã! Có thể khẳng định sự hy sinh của họ, cho dù chưa mất đi, nhưng vẫn cứ chạnh lòng mỗi khi nhắc lại.

Cảm phục trước tấm lòng “lương y như từ mẫu” của các y, bác sĩ Bệnh viện Quân y Tây Ninh, một đơn vị được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Võ Văn Cường đã kỳ công ghi chép, phản ánh sự hình thành, phát triển và những chiến công thầm lặng của đơn vị. Cũng thông qua câu chuyện “Kiên quyết giữ từng tấc đất”, anh viết về những chiến sĩ Đồn Biên phòng 839 ở xã Biên Giới.

Với hai truyện ngắn “Tình người” và “Vật lộn giữa dòng sông”, Võ Văn Cường lại gửi gắm tâm sự của mình qua một hướng khác. “Tình người” viết về một vị Chủ tịch tỉnh, ông Hạnh một người có bề dày thành tích, nhưng lại bị một người tuổi trẻ, hãnh tiến, nhiều tham vọng, mưu toan hạ bệ. Ông định “trả đũa” anh ta, thế nhưng với tấm lòng của một người cách mạng chân chính, ông đã giữ vững lương tâm trong sạch của mình. Ở một hiện thực khác, câu chuyện “Vật lộn giữa dòng sông”. Võ Văn Cường không đề cập đến vấn nạn dòng sông bị ô nhiễm mà đi sâu vào tình cảm của con người. Phân tích diễn biến tâm lý của nhân vật, khi muốn nhanh chóng vượt dòng sông để về nhà đón con lúc tan trường. Nếu không có sự xuất hiện kịp thời của người chồng, có lẽ nhân vật nữ tên Phượng đã chết oan ức trên dòng sông quá nhiều lục bình. Cũng là một cảnh báo về sinh mạng con người. Cái tình của Võ Văn Cường chính là ở đấy.

Cái nỗi niềm, cái bề bộn ngổn ngang của cuộc sống và cái riêng của tác giả trong “Một lần gặp nạn”, “Những người bạn Blogs”, hay như tác giả muốn “mới” trong sự tìm kiếm “Lần theo câu hát” chưa thực sự là những “áng văn” như mong muốn, song cái điều muốn chuyển tải đã được anh đưa vào tác phẩm. Tôi muốn dành sự phát hiện thêm cho độc giả.

TRẦN HOÀNG VY

 

 

 


 
Liên kết hữu ích