BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hội thảo tìm giải pháp bảo tồn, phát huy các di tích khảo cổ học

Cập nhật ngày: 01/07/2011 - 11:29

Toàn cảnh Hội thảo

(BTNO) – Sáng 1.7, Bảo tàng Tây Ninh tổ chức Hội thảo “Điều tra, xác định và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy các di tích khảo cổ học ở Tây Ninh.

Theo lãnh đạo Bảo tàng Tây Ninh, lịch sử hình thành và khai phá vùng đất Tây Ninh là một lịch sử phát triển rực rỡ về văn hoá – dân tộc đã để lại trong lòng đất nhiều di tích khảo cổ học rất phong phú, đa dạng và vô cùng quý giá. Đây là những chứng tích lịch sử của các nhóm cư dân sinh sống trên vùng đất Tây Ninh trên suốt thời gian kéo dài trên dưới 3.000 năm – từ thời tiền sử đến các thế kỷ thuộc các nền văn minh Óc Eo, hậu Óc Eo sau này.

Những phát hiện khảo cổ học trên vùng đất Tây Ninh đã có từ rất sớm. Ngay từ những thập niên đầu thế kỷ XX, nhiều nhà khoa học người Pháp bao gồm các nhà nghiên cứu địa chất, nghiên cứu khảo cổ học đã đến vùng Tây Ninh, phát hiện và khai quật nhiều di tích.

Cuối thập niên 1980, Bảo tàng Tây Ninh phối hợp với Viện KHXH tại TP. HCM (nay là Viện phát triển bền vững vùng Đông Nam bộ) điều tra, khảo sát và phát hiện, kiểm chứng nhiều di tích khảo cổ học gồm: Các di tích thuộc Văn hoá Đồng Nai, thời đại đá mới như Cao Sơn Tự (huyện Gò Dầu) và Dinh Ông (huyện Bến Cầu); Các di tích thuộc Văn hoá Óc Eo, hậu Óc Eo như Chót Mạt (huyện Tân Biên), 11 di tích trên địa bàn xã Thanh Điền (huyện Châu Thành) xếp thành hàng kéo dài khoảng 4km theo trục Bắc-Nam, Gò Tháp, Gò Cây Dương, Truông Dầu (xã Phước Chỉ, Trảng Bàng), tháp Bình Thạnh (huyện Trảng Bàng), Miễu Bà (huyện Bến Cầu)…

Qua các đợt điều tra, khảo sát và khai quật của những năm cuối thế kỷ XX đã thu được trên 2.000 hiện vật có giá trị. Một số di tích quan trọng được trùng tu, tôn tạo và xếp hạng để bảo vệ như tháp cổ Chót Mạt, tháp cổ Bình Thạnh, gò Cổ Lâm…

Trong tình hình phát triển kinh tế hiện nay, nhiều khu công nghiệp rộng lớn được xây dựng, đường giao thông nông thôn được mở rộng, các công trình xây dựng dân dụng đang phát triển… Tệ nạn đào bới, trộm cắp các di vật dưới lòng đất, lấy đất xây dựng các công trình đã ảnh hưởng rất nhiều đến các di tích khảo cổ học. Nguy cơ xâm hại và huỷ hoại các di chỉ khảo cổ rất lớn nếu không có biện pháp ngăn chặn và bảo vệ kịp thời.

Lãnh đạo Bảo tàng Tây Ninh cho biết thêm, trong những đợt khảo sát gần đây nhất, các nhà khoa học xác định toàn tỉnh có tất cả 120 địa điểm di tích khảo cổ học. Trong số này có đến 29 di tích đã bị mất hoàn toàn. Hầu hết các di tích khảo cổ học thời kỳ Óc Eo, hậu Óc Eo là những khu gò đất lớn, do vậy tình trạng đào lấy đất để san lấp mặt bằng, san ủi các gò đất để sản xuất nông nghiệp hoặc làm đường giao thông đã vô tình phá huỷ khá nhiều di tích khảo cổ học vô cùng quý giá trên nhiều địa phương trong tỉnh. Chỉ riêng huyện Trảng Bàng đã có 18 di tích bị đào thành ao sâu hoặc bị san bằng. Có những địa điểm di tích được phát hiện trước đây nay đã bị chùa Phật hoặc các thánh thất Cao Đài xây đè lên. Đơn cử tại xã Bình Thạnh, có 3 di tích thời kỳ Óc Eo, hậu Óc Eo biến mất hoàn toàn là Gò chùa Prei Cek (còn gọi là Gò Chùa Bà Dệt), Gò tháp Bình Quới, Gò Cây Dầu.

Một số hiện vật có niên đại hàng ngàn năm được tìm thấy ở di chỉ khảo cổ Gò Bà Đao thuộc ấp Chánh, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã đồng ý cho Sở VH-TT&DL tiến hành “điều tra xác định về đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy các di tích khảo cổ học ở Tây Ninh”. Chương trình này do cán bộ nghiên cứu khảo cổ học Viện phát triển bền vững vùng Đông Nam bộ và Bảo tàng tỉnh thực hiện. Qua chương trình, nhằm xác định hiện trạng, vị trị của các di tích trên địa bàn tỉnh, giúp cho các cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ hữu hiệu hơn, tránh khỏi sự xâm phạm và làm mất đi các di tích khảo cổ quý giá trong khi chưa có đủ điều kiện khai quật, nghiên cứu.  

Tại hội thảo, các đại biểu đã có nhiều tham luận đề ra giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị các di tích khảo cổ ở Tây Ninh, trong đó nhấn mạnh đến công tác tuyên tuyền, phổ biến giáo dục pháp luật về di sản văn hoá nhằm nâng cao ý thức của toàn xã hội; phối hợp với các ngành, các cấp trong việc qui hoạch, xây dựng phát triển đô thị, phát triển kinh tế để tránh xâm hại di tích; tổ chức lập, đề xuất phê duyệt và công bố quy hoạch khảo cổ học trên toàn tỉnh…

Đặng Hoàng Thái