Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nét độc đáo trang phục phụ nữ Việt Nam

Cập nhật ngày: 26/08/2011 - 12:52

Nghĩ lại mới thấy những cô gái xưa táo bạo biết bao trong tình yêu: "Uớc gì sông hẹp một gang/ Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi". Sao không phải bắc khăn mỏ quạ hay dây lưng đũi mà cứ khăng khăng nhất nhất phải là yếm?

Có lẽ bởi cả chàng và nàng đều ngầm hiểu ý nghĩa kín đáo, tế nhị mà đầy sức cuốn hút, rằng yếm chính là biểu tượng cho vẻ đẹp nữ tính của người phụ nữ Việt Nam xưa.

Ðố ai lý giải được sao miếng lụa vuông vức hình thoi được vắt chéo qua phần ngực của người phụ nữ lại có sức ám ảnh diệu kỳ đến thế? Ðể rồi biết bao tao nhân mặc khách đã phải giật mình ngất ngây: Từ anh chàng nhà quê Nguyễn Bính: "Nào đâu chiếc yếm lụa đào/ Chiếc khăn lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?" tới anh chàng thi nhân chính gốc Hà thành: "Em đeo dải yếm đào/ Quần lĩnh áo the mới/ Tay cầm nón quai thao". Chắc chắn, nói đến độ "phải duyên" với chiếc "lưng ong" của người phụ nữ thì không gì thay thế được yếm. Gắn với văn hoá phồn thực, theo quan điểm dân gian xưa, chỉ có những thiếu nữ eo thon thắt đáy lưng ong mới đẹp, mới đảm: "Ðàn bà thắt đáy lưng ong/ Ðã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con". Và yếm chính là trang phục tinh tế nhất, điệu đà nhất để chị em tôn vinh "lưng ong" của mình.

Vì thế từ xưa, đã có cả một nền văn hoá "vận yếm" được hình thành. Khi ở nhà, đàn bà, con gái thường mặc yếm trắng với váy đen buông chùng. Khi ra đường, họ tha thướt hơn với chiếc áo cánh phủ ngoài. Còn lúc chơi hội, du xuân, họ thêm tươi tắn với những chiếc yếm đào, yếm thắm. Yếm đặc biệt có duyên khi kết hợp với dải thắt lưng nhiều mầu buông dọc tà váy mềm mại, với chiếc khăn mỏ quạ đằm thắm dịu dàng hay chiếc nón quai thao hữu tình duyên dáng. Mầu sắc yếm cũng ẩn chứa biết bao tình ý. Trẻ mặc yếm đào, yếm trắng, nhiều tuổi hơn mặc yếm nâu sậm mầu. Các cô gái bình dân hay vận yếm nâu vải thô, còn các cô con nhà khuê các, gia giáo hay mặc những yếm mầu nền nã, kín đáo.

Văn hoá mặc yếm phát triển tới mức ngay chốn Thăng Long - Kẻ Chợ đã hình thành cả một phường bán yếm mà tới nay vẫn còn dấu tích. Ðến số nhà 38 Hàng Ðào - trụ sở Ban quản lý phố cổ Hà Nội, ngước nhìn lên cổng giữa, vẫn còn nguyên hàng chữ Hán trường tồn cùng thời gian được Giáo sư Trần Quốc Vượng dịch lại: "Ðồng Lạc quyến yếm thị". Khu chợ xênh xang yếm thắm lụa hồng xa xưa ấy chính là nơi hội đủ những sản phẩm lụa là tuyệt hảo nhất, để rồi cứ mỗi phiên họp chợ, đàn bà, con gái khắp nơi lại tấp nập đổ về sắm sửa may yếm váy trảy hội.

Theo thời gian, yếm càng lúc càng có những biến tấu tinh tế. Cổ yếm tròn khi được may lượn xuống theo hình chữ "vê" thành yếm cổ xẻ, khi khoét sâu hơn thành yếm cánh nhạn. Sau này, phụ nữ Hà thành còn tinh ý hơn, lúc mặc kiểu áo năm khuy, tay rộng bên ngoài thì chỉ cài bốn chiếc, để hở khuy trên, khoe chiếc yếm ôm gọn cổ cao ba ngấn kiêu kỳ.

Yếm đẹp và ấn tượng đến nỗi hình dáng của nó đi cả vào thiết kế chiếc áo dài Việt Nam. Từ cổ áo tròn vành đến vai áo may khít ôm lấy bờ vai mềm mại, từ cách chiết eo ôm gọn lưng ong đến cách xẻ tà hai bên gợi cảm, càng ngắm áo dài Việt càng thấy bóng dáng của yếm xưa. Cứ thế, yếm dần trở thành một phần mảnh hồn dân tộc.

Thế kỷ 20 với cuộc cách tân của trang phục phương Tây khiến văn hoá vận yếm dần phai nhạt. Song giống như một mạch nguồn tuôn chảy, đâu đó trong những mẫu trang phục hiện đại, người phụ nữ Việt vẫn hoài cổ với yếm bằng những cách tân rất riêng. Có người khéo léo may lồng cổ yếm ở bên trong vạt áo, có người lại đính thêm hai chiếc dây nhỏ từ ngực áo buộc vòng sau cổ,... cho thêm điệu, thêm yêu. Giữa phố phường tấp nập ngược xuôi, những hình ảnh đẹp ấy tựa những điểm nhấn níu hồn người quay về cội nguồn dân gian, dân tộc.

K.D (st)


 
Liên kết hữu ích