BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Sáng trong như ngọc, một con người” 

Cập nhật ngày: 21/07/2024 - 21:01

BTN - Tám mươi năm tuổi đời và gần hết cả cuộc đời “đêm ngày quên gánh nặng trên lưng”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giã biệt cõi đời giữa lúc bao việc còn dang dở.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng lãnh đạo Đảng chụp ảnh lưu niệm với Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Ảnh: Đức An

Đối với người cầm bút, viết về vị lãnh đạo cao nhất của Đảng vừa từ trần, lúc này không dễ, bởi thông tin quá nhiều. Có điều chắc chắn rằng, câu “dân không thờ ai sai bao giờ” hoàn toàn đúng với trường hợp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Sau khi Trung ương phát đi thông cáo đặc biệt và cả trước đó, trong khoảng thời gian khá dài, đại đa số người dân luôn mong ngóng, chờ tin về sức khoẻ vị lãnh đạo cao nhất của đất nước. Sự nóng ruột của những người chân chính không phải thể hiện sự tò mò. Họ lo lắng cho sức khoẻ của Tổng Bí thư.

Điều đó được chứng minh rất rõ trong mấy ngày qua. Không cần điều tra xã hội học, không cần thăm dò dư luận, trong những ngày qua, báo chí chính thống và đặc biệt, mạng xã hội chính là thước đo lòng dân đối với vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, của đất nước vừa “lên đường nhẹ bước tiên” để về với thế giới người hiền.

Có thể thấy, thông tin chủ đạo cả trên báo chí chính thống và mạng xã hội trong những ngày qua không gì khác ngoài sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Không chỉ thay ảnh đại diện tạm thời bằng những biểu tượng như cờ Tổ quốc hay ảnh chân dung vị lãnh đạo vừa quá cố, rất, rất nhiều dòng trạng thái đủ mọi giai tầng xã hội bày tỏ sự tiếc thương trước mất mát quá lớn của đất nước.

Tuỳ theo độ tuổi, họ gọi Tổng Bí thư bằng những từ ngữ thân thương: Cụ Tổng, Bác cả... Không chỉ trong nước, nhiều tài khoản của thanh niên ở nước ngoài, trong đó có giới trẻ Trung Quốc cũng tiễn biệt Tổng Bí thư của Việt Nam bằng những câu nói gần gũi, “yên nghỉ nhé, ông già đầu bạc, kính trọng ông”.

Đến thời điểm này, đã có rất nhiều điện chia buồn (trên tư cách quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia) và cả tài khoản cá nhân của nhiều vị lãnh đạo trên thế giới bày tỏ sự tiếc thương, kính trọng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Báo chí trong và ngoài nước, nền tảng mạng xã hội đã đăng tải, chia sẻ rất nhiều về những thông tin đó. Nhưng cũng cần dẫn ra đây lời chia buồn lãnh đạo của hai cường quốc có mối quan hệ đặc biệt với Việt Nam: Mỹ và Trung Quốc.

Báo Nhân Dân đăng Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như sau: “Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến phu nhân Ngô Thị Mận và Nhân dân Việt Nam về sự ra đi của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, người đã lãnh đạo Việt Nam suốt 13 năm qua.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người ủng hộ mạnh mẽ mối quan hệ sâu sắc giữa nhân dân Hoa Kỳ và Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Ngài, tình hữu nghị và quan hệ đối tác giữa hai quốc gia đã được vun đắp và phát triển.

Chuyến thăm lịch sử của Ngài tới Nhà Trắng vào năm 2015 là một cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương. Nhờ tầm nhìn của Ngài, trong chuyến thăm cấp nhà nước của tôi tới Hà Nội vào năm 2023, Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành “Đối tác Chiến lược toàn diện”, cấp độ đối tác cao nhất trong hệ thống quan hệ ngoại giao của Việt Nam.

Người dân Việt Nam và Hoa Kỳ, cùng với người dân khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ngày nay được hưởng an ninh và nhiều cơ hội hơn nhờ có tình hữu nghị và quan hệ đối tác giữa hai quốc gia chúng ta.

Điều đó có được là nhờ có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hợp chúng quốc Hoa Kỳ - và cá nhân tôi, sẽ luôn ghi nhớ và trân trọng cam kết của Ngài đối với việc hoà giải và xây dựng một tương lai hướng tới hoà bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và trên toàn thế giới. Chúng tôi tôn vinh di sản của Ngài và chia buồn sâu sắc với Nhân dân Việt Nam trước sự ra đi của Ngài”.

Người Việt Nam hầu như ai cũng biết rằng, nước ta và Hoa Kỳ đã trải qua một chương đau buồn trong lịch sử. Để bình thường hoá quan hệ và từng bước nâng lên, trở thành Đối tác Chiến lược toàn diện là một hành trình dài hàng chục năm.

Như chính người đứng đầu nước Mỹ thừa nhận, để được như hôm nay, đường lối ngoại giao của Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu, đóng vai trò quyết định, đặc biệt xuất sắc.

Năm 2016, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại Washington D.C, Phó Tổng thống lúc đó, ông Joe Biden (giờ là Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ) đọc tặng Tổng Bí thư hai câu Kiều bằng tiếng Anh: “Thank heaven we are here today/ To see the sun through parting fog and clouds” (Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”) nhằm nói về quan hệ giữa hai nước.

Đối với Trung Quốc, theo tường thuật của Đài Tiếng nói Việt Nam, chiều 20.7, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Người đứng đầu Đảng và Nhà nước Trung Quốc đã nghiêng mình ba lần trước di ảnh Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Sau đó, ông Tập Cận Bình ghi vào sổ tang: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Phú Trọng, lãnh tụ kiệt xuất của nhân dân Việt Nam, người bạn vĩ đại của nhân dân Trung Quốc”.

Không chỉ hai cường quốc nêu trên, trong điện chia buồn, Tổng thống Nga Putin viết: “Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã hiến dâng cả cuộc đời để phụng sự Tổ quốc. Qua nhiều năm công tác trên các cương vị trọng trách của Nhà nước và Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nhận được sự kính trọng sâu sắc của người dân Việt Nam và có uy tín lớn trên trường quốc tế.

Nước Nga sẽ nhớ đến Tổng Bí thư như một người bạn thực sự có đóng góp cá nhân to lớn cho việc thiết lập và phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Moscow và Hà Nội. Tôi đã nhiều lần có dịp tiếp xúc với con người tuyệt vời đó và sẽ giữ mãi ấn tượng về Tổng Bí thư...”.

Ngôn từ trong tuyên bố, điện chia buồn hay ghi vào sổ tang nêu trên, xuất phát từ sự chân thành, sự tôn trọng, kính trọng của lãnh đạo các cường quốc dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hoàn toàn không phải ngôn ngữ ngoại giao thông thường.

Không chỉ các chính khách, rất nhiều cơ quan truyền thông quốc tế đăng tải bài viết đánh giá cao sự đóng góp to lớn, đặc biệt xuất sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cả trong đối nội và đối ngoại.

“Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã phát triển mối quan hệ nồng ấm hơn với cựu thù Mỹ, trong bối cảnh Washington tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam để phát triển mạng lưới đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Để đa dạng hoá chuỗi cung ứng, nhiều công ty Mỹ chuyển sang Việt Nam.

Trong khi đó, Việt Nam cũng duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc và Nga. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp đón cả Tổng thống Mỹ Joe Biden; Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hà Nội trong vòng 1 năm trở lại đây” - Tờ Washington Post viết.

Tờ CNBC ngày 20.7 trích dẫn tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, trong đó nhấn mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “nhà lãnh đạo có tầm nhìn, người đã làm cầu nối giữa Việt Nam và Mỹ, cũng như toàn thể cộng đồng quốc tế trong suốt nhiều thập kỷ”.

Sinh thời, rất nhiều lần, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mượn ý của nhà văn người Nga Nikolai Ostrovsky trong cuốn tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy”: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần.

Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự trường tồn của dân tộc, sự vẻ vang của giống nòi và hạnh phúc của nhân dân”.

Ngày 7.7.1967, khi biết tin Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua đời đột ngột trong lúc chuẩn bị vào miền Nam, nhà thơ Tố Hữu viết bài thơ có nhan đề “Một con người” trong đó có hai câu thơ: “Ôi, sống như Anh, sống trọn đời/ Sáng trong như ngọc, một con Người”.

Hơn nửa thế kỷ sau, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, mọi tầng lớp nhân dân trong nước, bạn bè quốc tế, lãnh đạo nhiều quốc gia cho đến bạn học cùng thời và cả thầy cô giáo cũ của Tổng Bí thư cũng dành cho ông sự đánh giá như vậy.

Tiễn biệt Tổng Bí thư - Người đã sống một cuộc đời oanh liệt.

Việt Đông