BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện thời sự

Tổng Bí thư Đồng thời là Chủ tịch nước: Ý Đảng hợp lòng Dân

Cập nhật ngày: 08/10/2018 - 11:24

BTN - Ông là người quan tâm đến thời cuộc, thường hay luận bàn chuyện thời sự, xin hỏi ông trong tuần vừa qua tâm trạng của ông như thế nào đối với đời sống chính trị của đất nước?

-À, người đối thoại với Bàn Dân hôm nay ra câu hỏi… “hóc búa”, à không, phải nói là “lớn chuyện” thật đấy!

-“Lớn chuyện” thì có, nhưng “hóc búa” thì tôi nghĩ là không dâu! Dù ông chưa trả lời, nhưng tôi nghĩ chắc tâm trạng của ông cũng như của tôi. Ðó là vừa đau buồn vừa phấn khởi, phải vậy không?

-Ðúng vậy, tuần qua cả nước ta chịu tang nguyên Tổng Bí thư Ðỗ Mười, tất nhiên là rất đau buồn. Biết rằng người thọ hơn trăm tuổi xưa nay là cực kỳ hiếm, nhưng việc đất nước vĩnh viễn mất đi một người từng lãnh đạo Ðảng, lãnh đạo đất nước trong giai đoạn đổi mới mạnh mẽ, làm cho kinh tế xã hội phát triển, tăng trưởng liên tục ở thập niên cuối thế kỷ 20, tạo đà cho đất nước vươn lên trong thế kỷ 21, thật sự là sự mất mát không gì bù đắp được. Chuyện buồn là vậy, còn chuyện gì mà ông cho là đáng phấn khởi?

-Còn chuyện gì nữa, đó là chuyện Hội nghị Trung ương 8 của Ðảng, bế mạc cuối tuần qua đã nhất trí rất cao giới thiệu đồng chí Tổng Bí thư của Ðảng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước tại kỳ họp Quốc hội sắp tới, sẽ khai mạc vào hạ tuần tháng 10 này.

-Vâng, đó là việc phù hợp với xu thế chính trị trên thế giới, nhưng đó đâu phải là chuyện hoàn toàn mới mẻ mà cách nay gần 70 năm, tại Ðại hội lần thứ II của Ðảng, năm 1951, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Hồ Chí Minh đã được bầu làm Chủ tịch Ðảng. Và Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã quán xuyến hai nhiệm vụ quan trọng nhất của Ðảng và Nhà nước cho đến khi Người từ giã cõi đời năm 1969 rồi mà.

Ðến nay, việc lãnh tụ cao nhất của Ðảng được giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước là tái hiện lịch sử, là tiếp nối thực hiện một phương thức lãnh đạo, quản lý đất nước đã có tiền lệ tốt đẹp chứ đâu phải hoàn toàn mới lạ, hay có gì phải tranh luận?

-Ông nói không sai. Tôi nghĩ tuy sự kiện ấy đã có tiền lệ ở nước ta cũng như ở nhiều nước trên thế giới. Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước chẳng những đáp ứng được đòi hỏi của tình hình đổi mới, phát triển của đất nước trong xu thế phát triển của thời đại, mà còn là đòi hỏi rất bức thiết của công cuộc giải quyết, xử lý quốc nạn tham nhũng, nói như đồng chí Tổng Bí thư là việc “đốt lò” thiêu rụi những “sâu dân, mọt nước”.

Vì khi vị lãnh tụ cao nhất của Ðảng giữ luôn nhiệm vụ đứng đầu Nhà nước ắt sẽ có đầy đủ quyền hạn luật định để chấn chỉnh nền hành chính quốc gia, xây dựng củng cố bộ máy công quyền, thực hiện nghiêm “quốc pháp” song song với việc thi hành kỷ luật của Ðảng mà không phải mất thời gian làm từng bước theo hai hệ lãnh đạo quản lý song hành biệt lập. Ðó chẳng phải là yêu cầu bức thiết của vận nước hôm nay đó sao?

-Ông nói chí phải. Và tôi cũng xin bổ sung một ý, đó cũng là nguyện vọng tha thiết của toàn dân. Vì bất cứ người dân nào cũng mong muốn được sống ấm no, hạnh phúc trong một đất nước thực sự mạnh giàu, một xã hội thực sự trong sạch, lành mạnh.            

BÀN DÂN