BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tự hào Tây Ninh hôm nay

Cập nhật ngày: 09/09/2016 - 07:40

Thầy trò Trường tiểu học Phước Hội mừng vui trên chiếc cầu mới bắc qua kênh nhánh 2 rạch Nhà Thờ. Ảnh: N.H

Nông thôn giờ đã khác xưa

Có dịp tham khảo tài liệu, nhìn lại những hình ảnh của Tây Ninh vào những thập niên về trước, so sánh với diện mạo Tây Ninh hôm nay, chắc ai cũng không khỏi ngạc nhiên, thú vị trước sự thay da đổi thịt thật rõ nét. Ở nông thôn ngày nay, hầu hết những con đường xe bò, xe trâu trước kia đều đã được nâng cấp, mở rộng. Nhiều tuyến đường nông thôn được trải sỏi hoặc bê tông xi măng, hoặc tráng nhựa trở nên khô ráo, phẳng phiu. Nhiều nơi xe hơi, xe tải có thể vào đến tận nhà dân. Những căn nhà tranh tre nứa lá trước kia giờ đã lùi vào dĩ vãng, thay vào đó là những ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp. Ở hai huyện biên giới Tân Châu và Tân Biên có nhiều ngôi biệt thự được người dân đầu tư xây dựng với chi phí hàng chục tỷ đồng.

Tính đến nay, Tây Ninh đã có 16/82 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Theo đó, các công trình dân sinh như điện, đường, trường học, trạm y tế, trung tâm sinh hoạt và học tập cộng đồng đã có đủ do Nhà nước và nhân dân địa phương cùng đầu tư xây dựng. Trên đồng ruộng, trước kia, bà con nông dân chỉ quen trồng trọt, sản xuất theo kiểu manh mún, mạnh ai nấy làm, thì nay đã hình thành những vùng quy hoạch chuyên canh. Nơi nào trồng lúa cho năng suất cao thì giữ lại làm vùng chuyên canh cây lúa. Nơi nào phù hợp cho các loại cây khác như mía, mì, cao su, cây ăn trái… thì thực hiện chuyển đổi cây trồng. Một số nơi đã thực hiện thành công mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích hàng trăm, hàng ngàn hec-ta. Như cánh đồng mẫu lớn ở xã Ninh Điền, huyện Châu Thành chuyên trồng mía với diện tích hàng ngàn ha. Những mô hình ruộng lúa, ruộng mía bờ hoa đang được nhân rộng cùng với nhiều vườn cây ăn trái xen canh hoặc chuyên canh như chôm chôm, nhãn, sầu riêng, măng cụt...

Cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cũng có nhiều đổi thay đáng kể. Tình hình vệ sinh môi trường có nhiều chuyển biến, nhờ mỗi gia đình, mỗi phum, sóc, xóm ấp đã chú ý hơn việc phát quang bụi rậm, dọn dẹp nơi ở ngăn nắp, sạch sẽ. Ai có dịp đến thăm những vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống như các ấp Suối Dầm, Tầm Phô, Kà Ốt ở xã Tân Đông, huyện Tân Châu, sẽ thấy cuộc sống của bà con Khmer nơi đây đã khác trước kia rất nhiều.

Đổi thay rõ nét nhất ở các vùng nông thôn Tây Ninh là sự xuất hiện của các khu, cụm công nghiệp. Ở huyện Trảng Bàng, có những nơi mà mấy mươi năm về trước chỉ là vùng đất nông nghiệp bạc màu, nay thì ngoài Khu công nghiệp Trảng Bàng với hơn trăm công ty, nhà máy ngày đêm hối hả hoạt động, còn có thêm Khu chế xuất và công nghiệp Linh Trung III, Khu công nghiệp Thành Thành Công. Ở huyện Gò Dầu có Khu liên hợp Công nghiệp- Dịch vụ- Đô thị Phước Đông- Bời Lời. Còn ở huyện Dương Minh Châu cũng đã có Khu công nghiệp Chà Là. Ở huyện Châu Thành có cụm công nghiệp Thanh Điền... Ngoài ra, còn nhiều công ty, nhà máy, xí nghiệp chế biến được đầu tư xây dựng ở những vùng chuyên canh nông sản. Tất cả đã và đang góp phần đáng kể vào sự thay đổi bộ mặt nông thôn.

Và diện mạo đô thị mới

Cùng với sự thay da đổi thịt ở khu vực nông thôn, bộ mặt đô thị ở Tây Ninh trong những năm gần đây cũng mới lên từng ngày. Thị xã Tây Ninh trước đây nay đã là thành phố Tây Ninh. Diện tích Thị xã cũ nay được mở rộng hơn và nhiều xã được “nâng cấp” thành phường. Thành phố Tây Ninh bây giờ “phổng phao” hơn với khu đô thị mới ở khu phố 2, phường 3. Nơi đây trước kia là vườn cao su già cỗi, nay đã trở thành sân vận động tỉnh, các đơn vị trường học, bệnh viện, cơ quan công an, công viên, khu vui chơi vv…vv.. Đường giao thông trong khu đô thị mới này được quy hoạch, xây dựng bài bản. Các tuyến đường đều thẳng tắp, rộng rãi, có lề đường, hệ thống cây xanh đầy đủ. Các giao lộ có đèn tín hiệu giao thông hiện đại. Ban đêm, đèn đường sáng choang, tạo sự an toàn, thuận tiện cho người đi đường. Dự kiến, sắp tới nơi đây sẽ có thêm nhiều công trình mới như Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha, chợ Tây Ninh… Với đà phát triển như hiện tại, hy vọng chẳng bao lâu nữa, diện mạo của thành phố trẻ Tây Ninh sẽ càng tươi mới hơn.

Nhiều tuyến đường khác trong thành phố cũng được nâng cấp, mở rộng. Điển hình như đường Điện Biên Phủ (phường Ninh Thạnh), hiện mang dáng dấp đại lộ với kích thước rộng lớn, mặt đường trải thảm bê tông phẳng lì. Con lươn giữa đường đang được trồng hoa kiểng làm đẹp thêm cảnh quan. Con đường này sẽ trở thành trục du lịch nối liền hai điểm tham quan nổi tiếng là Toà thánh Cao Đài và khu du lịch quốc gia núi Bà Đen.

Cùng với các tuyến đường, nhiều công trình cầu giao thông cũng được triển khai xây dựng. Cầu Quan- chiếc cầu nối liền hai bờ rạch Tây Ninh mà trong tâm trí của nhiều người như một biểu tượng của vùng đất thị xã Tây Ninh xưa, thành phố Tây Ninh nay đã được xây dựng mới, thay thế cho chiếc cầu có từ thời thực dân Pháp. Cầu Quan mới vẫn giữ kiến trúc của cây cầu cũ nhưng to hơn, rộng hơn để phù hợp với nhu cầu qua lại ngày càng nhiều của người dân. Ngoài cầu Quan, thành phố Tây Ninh còn có cầu Mới (nay là cầu Trần Quốc Toản), cầu này xuất hiện nhằm giảm tải cho cây cầu “đàn anh” đã cao tuổi, đồng thời tạo sự thuận tiện giao thông giữa thành phố Tây Ninh với các huyện Châu Thành, Tân Biên. 

Góp phần đáng kể làm thay đổi bộ mặt đô thị Tây Ninh còn phải kể đến các công trình mới hai bên đường 30.4 với hàng loạt trụ sở ngân hàng mọc lên. Cũng vì vậy, nhiều người gọi vui đây là con đường ngân hàng hoặc khu phố ngân hàng. Mới đây nhất, tại khu đất ở vị trí cửa hàng bách hoá Thị xã cũ, Tổng Công ty cổ phần địa ốc MBLand đã khởi công dự án xây dựng văn phòng, trung tâm thương mại và khách sạn dịch vụ MBLand Tây Ninh.

Trong phạm vi hạn hẹp của một bài báo, không thể nói lên hết mọi điều. Và 180 năm không phải là một chặng đường dài so với cả tiến trình lịch sử đã qua của đất nước nhưng có thể khẳng định: con người và vùng đất biên giới Tây Ninh- kể từ thời kỳ đầu khai hoang lập ấp, dựng làng, đương đầu với bao thiên tai, địch hoạ giữ gìn bờ cõi quê hương cho đến nay đã kịp có những bước đi vững chắc để làm nên một Tây Ninh với diện mạo đàng hoàng, tươi đẹp hơn xưa.

Đại Dương