BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bộ NN&PTNT trả lời cử tri: Nhiều chính sách hỗ trợ gián tiếp, ổn định giá cả nông sản

Cập nhật ngày: 24/02/2013 - 06:03

Thiếu đầu ra, nhiều nông dân trồng ớt huyện Trảng Bàng rơi vào cảnh được mùa, mất giá

(BTNO) – Bộ NN&PTNT vừa có ý kiến trả lời cử tri Tây Ninh và Bình Thuận liên quan đến những thắc mắc xung quanh vấn đề ổn định giá cả nông sản.

Cử tri Tây Ninh và Bình Thuận cho rằng, khi ban hành chính sách bao tiêu các sản phẩm thuộc mặt hàng nông sản cho người nông dân, chính phủ cần công khai giá thu mua đầu vào ngay từ đầu vụ để nông dân yên tâm sản xuất.

Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay chúng ta đã tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hội nhập kinh tế quốc tế nên giá cả hàng hoá, trong đó có nông sản đều được vận hành theo cơ chế thị trường. Vì vậy, Chính phủ không ban hành chính sách bao tiêu các sản phẩm thuộc mặt hàng nông sản như phản ánh của cử tri. Tuy nhiên, để có thể ổn định được giá cả nông sản cho nông dân và nâng cao thu nhập của nông dân, Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ gián tiếp, cụ thể:

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25/2008/CT-TTg ngày 25.8.2008 về việc tăng cường chỉ đạo tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, khuyến khích doanh nghiệp ký hợp đồng với nông dân để bà con có đầu ra ổn định, và khuyến khích sự liên kết tổ chức sản xuất hàng hoá trên quy mô lớn, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu gắn kết chặt chẽ với nông dân trong chuỗi sản xuất hàng hoá. Ví dụ như đối với lúa gạo, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các địa phương chỉ đạo thực hiện chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn.

Thực tế khi vào thời điểm thu hoạch rộ, áp lực tăng nguồn cung, lượng lúa gạo hàng hoá cần tiêu thụ lớn, để ngăn ngừa được hiện tượng sụt giảm giá sâu, nhằm đảm bảo lợi nhuận tối thiểu cho nông dân, năm 2012, Chính phủ đã có chính sách thu mua tạm trữ (vụ Đông Xuân 1 triệu tấn và vụ Hè Thu 500 ngàn tấn) với nguyên tắc là đảm bảo cho nông dân có lãi 30% so với giá định hướng do Bộ Tài chính công bố tuỳ từng thời điểm cụ thể. Về mặt lâu dài, Chính phủ giao Bộ NN&PTNT xây dựng quy chế hỗ trợ tạm trữ lúa gạo thường xuyên theo cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho nông dân trồng lúa.

Ngày 6.1.2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 – 2015 và định hướng đến năm 2020 tại Quyết định số 23/QĐ-TTg, trong đó có dự án xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp tại 12 tỉnh. Kết quả là đã đảm bảo liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ, đem lại lợi ích thiết thực cho từng chủ thể tham gia, đảm bảo tiêu thụ nông sản hàng hoá cho người sản xuất ổn định, thông qua các hợp đồng kinh tế, góp phần khắc phục tình trạng được mùa mất giá và tăng thu nhập cho người nông dân.

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng thuộc các Bộ ngành luôn tăng cường đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tránh hiện tượng hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần ổn định đầu ra cho tiêu thụ. Bộ NN&PTNT cũng đã và đang tiếp tục triển khai việc tăng cường thông tin về thị trường giá cả trên các phương tiện thông tin đại chúng để nông dân tổ chức sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường, giúp nông dân thu nhập ổn định.

HY UYÊN