BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp & PTNT: Đồng tình phương án chặt bỏ toàn bộ cây cao su, cây ăn trái trồng trên đất rừng đặc dụng

Cập nhật ngày: 03/03/2009 - 02:58

Cao su trồng trên đất VQG
Lò Gò- Xa Mát đã khai thác.

Tình trạng bao chiếm đất lâm nghiệp trồng cây sai mục đích ở Tây Ninh xảy từ nhiều năm trước với diện tích bao chiếm lúc đầu lên đến khoảng hơn 10.000 ha. Sau nhiều năm nỗ lực giải quyết, diện tích đất lâm nghiệp bị bao chiếm giảm đáng kể.

Theo con số thống kê từ Sở NN-PTNT Tây Ninh thì đến nay ở các dự án rừng và VQG Lò Gò- Xa Mát còn khoảng hơn 2.600 ha đất lâm nghiệp sử dụng không đúng mục đích, trong đó diện tích cây cao su, cây ăn trái chiếm hơn 1.900 ha, gồm: 1.078,2 ha cây cao su và 853,2 ha cây ăn trái.

Vấn đề xử lý tình trạng bao chiếm đất lâm nghiệp trồng cây sai mục đích- trong những năm gần đây gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là khi giá mủ cao su tăng cao khiến nhiều người đổ xô trồng cao su, bất chấp đất đã quy hoạch trồng rừng. Diện tích cao su trồng trên đất lâm nghiệp ngày càng tăng. Để giải quyết dứt điểm tình trạng sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích, cuối năm 2007, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN-PTNT đề xuất giải pháp xử lý triệt để- nhất là đối với cây cao su và cây ăn trái đã trồng trên đất quy hoạch lâm nghiệp. Đầu năm 2008 Sở NN-PTNT đề xuất 2 phương án xử lý cây cao su, cây ăn trái trồng trên đất lâm nghiệp ở VQG Lò Gò- Xa Mát, Khu rừng VH-LS Chàng Riệc và Dự án RPH Dầu Tiếng. Trong đó phương án 1 là tổ chức cưỡng chế, chặt bỏ toàn bộ cây cao su và cây ăn trái để trồng lại rừng theo quy định. Còn phương án 2 thì “thoáng” hơn: Đối với rừng đặc dụng (VQG và Khu rừng VH-LS Chàng Riệc) thì buộc các đối tượng vi phạm phải chuyển đổi sang phương thức trồng rừng hỗn giao bằng cách chặt bỏ 1 băng cây cao su, cây ăn trái để trồng lại 1 băng cây rừng với khoảng cách giữa các băng từ 15 đến 25 mét. Riêng ở Dự án RPH Dầu Tiếng thì Sở NN-PTNT đề xuất: Đối với diện tích đã trồng từ sau khi có Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 27.4.2006 thì kiên quyết buộc các đối tượng vi phạm chặt bỏ 1 băng cây cao su, cây ăn trái để trồng cây rừng; còn cây cao su, cây ăn trái trồng từ trước khi có Chỉ thị số 09/CT-UBND thì đề nghị được xem như cây rừng trồng, trường hợp chưa đủ mật độ cây chính thì phải trồng bổ sung cây lâm nghiệp cho đủ mật độ 600 cây/ha.

Từ đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh đã họp bàn thống nhất phương án xử lý thông qua Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Hội đồng nhân dân tỉnh. Về cơ bản, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất phương án giải quyết đất lâm nghiệp bị bao chiếm sử dụng sai mục đích như sau: “Đối với rừng đặc dụng: thực hiện cưỡng chế, chặt bỏ toàn bộ cây cao su, cây ăn quả để trồng lại rừng theo quy định. Đối với rừng phòng hộ: thực hiện phương thức trồng hỗn giao bằng cách chặt bỏ một băng cây cao su, cây ăn quả để trồng lại một băng cây rừng (loại cây bản địa như sao, dầu…), khoảng cách giữa các băng có thể từ 15 đến 25 mét như đề xuất của Sở NN&PTNT”.

Cây điều trồng trên đất lâm nghiệp

Đầu tháng 12.2008, UBND tỉnh có Tờ trình Bộ NN&PTNT về các giải pháp xử lý tình trạng sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục

đích trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Trong đó nêu cụ thể diện tích cây cao su, cây ăn trái đang trồng sai mục đích trên đất lâm nghiệp, đồng thời nêu phương án giải quyết mà UBND tỉnh đã thống nhất và đã thông qua Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Hội đồng nhân dân tỉnh. Ngày 5.2.2009, Cục Lâm nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT có văn bản gửi UBND tỉnh Tây Ninh có ý kiến: “Về cơ bản, Cục đồng tình với phương án giải quyết của UBND tỉnh”. Riêng đối với việc xử lý cây cao su đã trồng trên đất rừng phòng hộ thì Cục Lâm nghiệp đề nghị tỉnh xem xét và cân nhắc thêm. Cục Lâm nghiệp nêu là Bộ NN&PTNT đã công nhận cây cao su là cây đa mục đích (QĐ số 2855/QĐ/BNN-KHCN) do vậy trong một số trường hợp cây cao su cũng là cây lâm nghiệp có vai trò phòng hộ. Việc chặt bỏ cây cao su để trồng lại cây rừng sẽ gây lãng phí. Trường hợp chưa bảo đảm mật độ theo quy định thì yêu cầu chủ rừng tổ chức trồng bổ sung cho đủ mật độ theo quy định của rừng phòng hộ. Tuy nhiên, nếu xem cây cao su là cây lâm nghiệp thì việc quản lý sử dụng phải tuân thủ như cây lâm nghiệp- nghĩa là không lấy mục đích khai thác nhựa là chính mà phải lấy mục đích phòng hộ là chính. Đồng thời phải bảo vệ thảm thực bì dưới tán rừng cao su, nên trồng bổ sung thêm các loài cây bản địa để tăng giá trị phòng hộ của rừng ở những nơi đất dốc, hoặc xung yếu.

Như vậy, Cục Lâm nghiệp đồng tình với phương án chặt bỏ toàn bộ cây cao su, cây ăn trái trồng trên đất rừng đặc dụng và đề nghị không phải đốn bỏ cây cao su trồng trên đất rừng phòng hộ, nhưng phải lấy mục đích phòng hộ là chính, việc khai thác mủ chỉ là phụ.

Sơn Trần


 
Liên kết hữu ích