BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Hai Lúa” thời Internet

Cập nhật ngày: 15/10/2009 - 05:29

Trước kia, nông dân xứ ta làm ruộng thường dựa vào “kinh nghiệm truyền đời” là chính. Bây giờ có khác hơn. Nhiều “Hai Lúa” thời nay đã biết cách chủ động tìm tòi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy vậy ở Tây Ninh, chuyện các “Hai Lúa” tuổi không còn trẻ mấy nhưng vẫn hăng hái học tập, nhằm bổ sung kiến thức nghề nông qua mạng internet như ở xã Suối Dây, huyện Tân Châu thì không phải ở đâu cũng gặp được.

Câu lạc bộ Nông dân sử dụng internet xã Suối Dây được thành lập từ cuối năm 2008. Ban đầu chỉ có hơn 10 thành viên, do anh Trịnh Quốc Trà, thường vụ Hội Nông dân xã hướng dẫn, đến nay đã tăng lên 34 thành viên. Câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ vào ngày 30 âm lịch hằng tháng tại trụ sở Hội Nông dân xã. Nhưng thời gian để học thì bất kể lúc nào, khi rảnh rỗi hoặc khi cần tìm hiểu thông tin gấp, các hội viên câu lạc bộ đều có thể đến gõ cửa để truy cập mạng.

Một buổi học về internet của nông dân xã Suối Dây.

Ông Lưu Xuân Lập, 50 tuổi, ở ấp 1, Chủ nhiệm câu lạc bộ nói trên cho biết: ông chuyên nghề trồng cao su giống bán ra thị trường. Những năm trước đây ông cứ “mò mẫm trồng đại”. Từ hồi biết “lên mạng internet” ông đã tìm kiếm được nhiều thông tin quý báu như kỹ thuật chăm sóc cây, các loại thuốc bảo vệ thực vật, cách bón phân, phòng bệnh… Nhờ vậy mà cao su giống của ông lên rất đều, rất khoẻ mạnh và được nhiều người tìm đến mua. Ngày 13.10.2009, khi chúng tôi đến thăm, ông đang làm thủ tục xuất cao su giống qua cửa khẩu quốc tế Xa Mát để bán qua thị trường Campuchia. Ông vui vẻ kể: “Nhờ lên mạng mà tôi biết cách chăm sóc cho cao su lớn đồng đều và biết được cái “gu” của thị trường Campuchia nên cây giống của tôi bán được lắm”.

Một nông dân khác- ông Đàm Ngọc Phượng, 60 tuổi, ở ấp 4, dắt tôi vào phòng ngủ nhà mình, chỉ cho tôi xem bộ máy tính ông mua gần 7 triệu đồng và kể lại: “Hai năm trước, mấy đứa cháu đang học đại học về nghỉ hè, mở máy tính xách tay bảo ông ngoại xem. Thế rồi thấy tụi nó “chat” với nhau, xem báo, xem phim, nghe nhạc, tôi tò mò kêu tụi nó chỉ. Nhưng học với tụi nó khó quá, mình không hiểu, dễ bị tự ái nên tôi tìm đến CLB của Hội Nông dân xã để học chung với các ông bạn lớn tuổi”. Sau khi biết cách “lên mạng”, ông Phượng liền mua một bộ máy vi tính và ngày nào cũng vậy, cứ chiều tối rảnh là ông lại “vào mạng” xem tin tức, tải về những tài liệu cần thiết cho nghề trồng cao su lấy mủ của mình. Ông vui vẻ kể tiếp: “Vợ tôi thì có nhu cầu xem thông tin về chăm sóc da mặt, tôi click vào mấy trang web chuyên làm đẹp cho bả, bả khoái lắm”.

Đáng nể nhất phải nói là ông Lê Văn Bư, 61 tuổi, ở ấp 5. Nhà ông cách Hội Nông dân xã khoảng 7 km, ông lại không có máy tính riêng, nhưng thấy nhiều người học “sung” quá, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân của ấp, ông cũng cố gắng đi học để về chỉ dạy lại cho bà con. Ông tâm sự: “Gần cả đời tôi chỉ biết trồng cây tiêu, hành, tỏi, mì và cao su. Trước đây muốn hỏi điều gì về kỹ thuật trồng cây phải lặn lội đường xa ra Trạm Bảo vệ thực vật của huyện. Bây giờ có máy tính, có mạng internet hay quá sao mình không học cho dễ?”. Gần một tháng rồi nhưng ông mới học được cách đánh văn bản, chứ chưa biết cách “vào mạng” thế nào. Mặc dù vậy, ông rất quyết tâm và đã đăng ký học lớp Tin học ở xã.

Ông Nguyễn Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Suối Dây cho biết: “Hồi còn giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã, tôi đã nhiều lần đề xuất việc xoá mù Tin học cho tất cả cán bộ xã nhưng chưa được thực hiện. Khi chuyển qua làm Chủ tịch Hội Nông dân, tôi liền thực hiện ý tưởng này, vì trong thời đại ngày nay, Tin học rất cần thiết”. Để làm gương cho các nông dân khác, bản thân ông Bình đã phấn đấu học và lấy chứng chỉ A Tin học. Sau đó ông kêu gọi 8 chi hội trưởng chi hội Nông dân ở các ấp cùng xoá mù Tin học. Thấy có ích lợi, từ đó đến nay, nhiều nông dân khác tự giác làm theo. Để tạo điều kiện cho các “Hai Lúa” đi học, ông Bình đã nghĩ cách liên kết với một cơ sở dạy Tin học ở xã ưu tiên cho nông dân và được chấp nhận một số điều kiện như: giảm học phí 100.000 đồng/người/khoá, không giới hạn thời gian, học đến khi nào thi lấy được chứng chỉ A mới thôi, giờ học cũng không bắt buộc theo lịch mà lúc nào rảnh thì đến và phải có cách dạy riêng cho phù hợp với người lớn tuổi, trình độ thấp v.v… Nhờ vậy mà hiện nay đã có 8 nông dân đang theo học lớp chứng chỉ A và 12 nông dân khác vừa đăng ký theo học.

Ông Bình cho biết thêm: Sắp tới sẽ kêu gọi các thành viên trong CLB góp vốn xoay vòng không tính lãi để tạo điều kiện cho mỗi thành viên đều mua máy tính. Sau đó khuyến khích tất cả đều nỗ lực để có chứng chỉ A Tin học. Cuối năm 2010, sẽ tổ chức thi kỹ năng sử dụng internet cho các “Hai Lúa” với hình thức đơn giản như mỗi người chỉ cần tải xuống 10 tài liệu liên quan đến cây trồng của mình. Nếu được, sẽ giao cho mỗi chi hội chọn một mô hình chăn nuôi, trồng trọt dựa theo hướng dẫn trên mạng như nuôi các loại chim rừng sinh sản, trồng gừng trong bao, trồng cây trôm lấy mủ … 

ĐẠI DƯƠNG

 

 

 

 


 
Liên kết hữu ích