BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngành chăn nuôi Tây Ninh: Tăng trưởng cao, tỷ trọng thấp

Cập nhật ngày: 19/03/2012 - 05:35

Tây Ninh được đánh giá là một trong những tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi, bởi điều kiện khí hậu phù hợp với nhiều loại cây trồng làm thức ăn gia súc. Tây Ninh còn có nguồn nước mặt rất dồi dào đủ cung cấp cho lĩnh vực chăn nuôi quy mô lớn, trong đó có hồ Dầu Tiếng, sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn. Chính vì thế mà so với tốc độ tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp, trong những năm gần đây, lĩnh vực chăn nuôi luôn có tốc độ tăng trưởng cao.

Trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp nói chung ở Tây Ninh đạt bình quân khoảng 6,3% mỗi năm. Trong đó, riêng lĩnh vực chăn nuôi đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 13,65% mỗi năm. Đạt được kết quả này, trước tiên là do tỉnh có nhiều chương trình phát triển chăn nuôi, trong đó chú trọng phát triển đàn bò sữa, đàn bò lai Sind, đàn heo hướng nạc… Nhiều chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi đã được ban hành để hỗ trợ người chăn nuôi có điều kiện mở rộng quy mô, cải tiến chuồng trại ngày càng hiện đại hơn. Song song đó, mạng lưới thú y được mở rộng, công tác phòng chống dịch được tăng cường và thực hiện hiệu quả, tạo được sự yên tâm cho người chăn nuôi. Từ đó có nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn hình thành khiến số lượng gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh liên tục tăng.

Nguồn nước mặt đủ đáp ứng nhu cầu phát triển chăn nuôi

Theo thống kê, số lượng đàn gia súc, gia cầm năm 2010 ở Tây Ninh có sự phát triển rất cao so với 10 năm trước đây. Cụ thể năm 2000, đàn bò ở Tây Ninh vào khoảng 56.700 con và đến năm 2010 lên đến khoảng 150.000 con, đặc biệt trong đó tỷ lệ bò lai Zebu đạt đến gần 94%- cao nhất so với các tỉnh, thành trong cả nước. Đàn heo ở Tây Ninh năm 2000 có khoảng hơn 120.000 con, đến năm 2010 đạt hơn 210.000 con, tỷ lệ heo lai máu ngoại chiếm đến khoảng 88%. Đàn gia cầm ở Tây Ninh tuy có thời gian giảm sút mạnh do dịch cúm H5N1 xảy ra, nhưng năm 2010 đạt hơn 3,25 triệu con, cao hơn trước khi xảy ra dịch bệnh. Tổng đàn phát triển tất nhiên sản phẩm chăn nuôi cũng tăng đáng kể. Thịt hơi các loại năm 2010 ở Tây Ninh sản xuất đạt khoảng 67.600 tấn - tăng hơn gấp đôi so với năm 2000, trong đó thịt heo và bò hơi xuất chuồng có mức tăng cao nhất. Một số sản phẩm chăn nuôi khác cũng tăng rất mạnh, như: sữa bò tươi năm 2010 là trên 2.400 tấn- tăng gần 9 lần so với 10 năm trước; trứng gia cầm năm 2010 trên 50,5 triệu quả- tăng gần gấp đôi so với 10 năm trước…

Sự tăng trưởng lĩnh vực chăn nuôi trong những năm qua là rất đáng kể, tuy nhiên theo đánh giá của ngành chức năng thì tỷ trọng giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi vẫn còn rất “khiêm tốn” trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp ở Tây Ninh. Tuy giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2010 tốc độ tăng trưởng lĩnh vực chăn nuôi đạt bình quân đến 13,65%, nhưng đến năm 2010, tỷ trọng giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi chỉ mới chiếm được khoảng 14,17% trong tổng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp nói chung. Một trong những nguyên nhân khiến tỷ trọng chăn nuôi còn thấp là do lĩnh vực chăn nuôi hộ gia đình với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phân tán và phát triển theo hướng tự phát vẫn còn phổ biến. Từ đó, chẳng những hiệu quả sản xuất còn thấp, năng suất kém, giá thành cao… mà lại rất khó đảm bảo an toàn vệ sinh và không tránh khỏi tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Năm 2010, toàn tỉnh có khoảng 240 trang trại chăn nuôi, tuy nhiên trong đó chỉ có một số trang trại đầu tư xây dựng chuồng trại bài bản, hiện đại; còn không ít trang trại tuy quy mô chăn nuôi lớn nhưng quy trình chưa đảm bảo an toàn và có hiệu quả cao. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng này chính là do thiếu nguồn vốn đầu tư.

Mục tiêu phát triển lĩnh vực chăn nuôi ở Tây Ninh là đến năm 2015 tỷ trọng chiếm 20% tổng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp nói chung. Làm gì để thực hiện được mục tiêu này? Theo các chuyên gia thì lĩnh vực chăn nuôi ở Tây Ninh trong những năm tới tiếp tục có lợi thế nhiều hơn do TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh trong khu vực đô thị hoá mạnh, khiến ngày càng nhiều đơn vị chăn nuôi quy mô lớn có hướng chuyển về các tỉnh còn tiềm năng đất đai rộng lớn như Tây Ninh. Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu phát triển, trước tiên phải quy hoạch vùng trang trại chăn nuôi tập trung; tăng cường công tác giống để tiếp tục nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm; có chính sách khuyến khích phù hợp và đặc biệt là cải thiện môi trường đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi để thu hút các nhà đầu tư lớn đến với Tây Ninh.

Sơn Trần