BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhà máy đường Biên Hoà: Giá thu mua mía cao nhất từ trước đến nay

Cập nhật ngày: 09/11/2009 - 04:16

Thu hoạch mía ở vùng nguyên liệu mía của NMĐ Biên Hoà ở Thành Long (Châu Thành).

Ngày 5.11.2009, Nhà máy đường Biên Hoà chính thức vào vụ chế biến mía đường 2009-2010. Vụ chế biến năm nay có nhiều điều phấn khởi cho nông dân. Điều đáng mừng trước tiên là giá thu mua mía năm nay cao nhất từ trước đến nay.

Ông Phạm Công Hải- Giám đốc Nhà máy đường Biên Hoà cho biết hiện tại nhà máy thu mua mía với giá cơ bản được điều chỉnh từ 500.000 đồng lên 530.000 đồng/tấn 10 CCS tại ruộng. Ngoài ra, nhà máy còn hỗ trợ 75.000 đồng/tấn trong cả vụ và hỗ trợ thêm 50.000 đồng/tấn cho đầu vụ. Như vậy, đầu vụ thu hoạch năm nay nông dân bán mía với giá tổng cộng là 655.000 đồng/tấn 10 CCS tại ruộng, cao hơn vụ trước đến 75.000 đồng/tấn. Đây là giá thu mua mía cao nhất từ trước đến nay ở Tây Ninh. Riêng đối với một số giống đang khuyến khích trồng như giống VN, LK 92-11 thì nhà máy còn hỗ trợ thêm 20.000 đồng/tấn nữa, nâng giá thu mua các giống này lên 675.000 đồng/tấn 10 CCS.

Việc bao chữ đường vụ này cũng thoáng hơn, đối với một số giống khuyến khích nhà máy bao 10 CCS, còn đối với các giống khác còn lại thì bao chữ đường 9,5 CCS, cao hơn vụ trước 0,5 CCS. Như vậy đầu vụ thu hoạch mía năm nay, nông dân bán mía thấp nhất cũng được 628.000 đồng/tấn, cao hơn giá thấp nhất đầu vụ trước đến 100.000 đồng/tấn. Với giá thu mua cao như vậy, nếu mía trồng mới đạt năng suất khoảng 70 tấn/ha thì nông dân sẽ có lãi không dưới 16 triệu đồng/ha mía, còn với mía gốc thì chỉ cần năng suất khoảng hơn 60 tấn/ha sẽ có lãi không dưới 20 triệu đồng/ha. Với hiệu quả như thế, chắc chắn vụ sau diện tích mía sẽ còn tăng mạnh.

Về phía nhà máy, việc nâng giá thu mua khiến cho chi phí một tấn mía cây về đến nhà máy tăng vọt. Tính tất cả các khoản chi phí mua mía tại ruộng, cước vận chuyển từ vùng nguyên liệu về nhà máy, các khoản hỗ trợ không hoàn lại… để có được 1 tấn mía cây về đến nhà máy, nhà máy phải chi bình quân đến 850.000 đồng/tấn- cao hơn vụ trước đến 160.000 đồng/tấn. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận của nhà máy trong việc khôi phục vùng nguyên liệu mía với mục tiêu đạt được khoảng 10.000 ha.

Như vậy, vụ mía năm nay khởi đầu khá thuận lợi mà trước tiên là giá cả thu mua khá “hấp dẫn” đối với nông dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít khó khăn- trong đó có những khó khăn do chính giá thu mua cao gây ra. Điều khiến cho các nhà máy và nông dân cùng lo ngại là tình trạng ăn cắp mía, mót mía cũng… gia tăng theo giá thu mua mía. Vụ trước, giá mía thấp hơn vụ này, tình trạng mót mía đã diễn ra tràn lan gây thiệt hại cho nông dân. Vụ này mới khởi động đã có nhiều nơi xảy ra nạn mót mía. Để hạn chế vấn nạn này, các nhà máy thống nhất không mua mía “trôi nổi”, đồng thời đề xuất các địa phương nghiêm cấm các điểm thu mua mía

Mía nguyên liệu về Nhà máy đường Biên Hoà.

không hợp pháp hoạt động. Nạn cháy mía cũng là điều khiến nông dân trồng mía lo ngại ngày đêm. Mới khởi động vụ chế biến mà trong vùng nguyên liệu mía của Nhà máy đường Biên Hoà đã có hơn 30 ha mía bị cháy. Chính vì lo sợ mía cháy mà tâm lý chung của nông dân là muốn chặt mía càng sớm càng tốt, dẫn đến tình trạng áp lực thu hoạch mía tăng ngay từ đầu vụ. Đồng mía thường rất rộng, nông dân không thể tự bảo vệ mía của mình thật hiệu quả, nên bà con rất mong chính quyền địa phương tích cực tổ chức tuần tra hỗ trợ để giảm thiểu thiệt hại trong thời gian chờ thu hoạch.

Ngoài ra, theo Giám đốc Nhà máy đường Biên Hoà còn có thêm một khó khăn lớn nữa là khâu vận chuyển. Qua sự hỗ trợ tích cực của tỉnh, việc vận chuyển mía bằng xe máy cày đã được “khai thông”, nhưng hiện nay Nhà máy đường Biên Hoà đang gặp khó khăn ở các cây cầu, cụ thể là cầu Trà Phí, cầu Gió và cầu K21 thuộc khu vực thị xã Tây Ninh nằm trên đường vận chuyển từ vùng nguyên liệu về nhà máy. Theo quy định  thì cả 3 chiếc cầu trên chỉ có tải trọng là 20 tấn, nhưng tính tổng cộng vừa trọng lượng xe Kamaz, vừa trọng lượng mía thì hầu hết xe chở mía đều vượt tải trọng cho phép của các cây cầu. Nếu xe chở mía không qua cầu thì làm sao đưa mía về nhà máy? Còn nếu xe qua cầu thì bị phạt! Ban giám đốc Nhà máy đường Biên Hoà đã có văn bản gửi ngành chức năng đề nghị xem xét, có giải pháp giúp đỡ, tạo thuận lợi cho nhà máy trong việc vận chuyển mía, mà cũng là tạo thuận lợi cho nông dân trong việc thu hoạch mía.

SƠN TRẦN


Liên kết hữu ích