BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quy hoạch căn cơ, toàn diện thuỷ lợi phục vụ phát triển KT-XH

Cập nhật ngày: 11/09/2009 - 06:03

Trên cả nước, hiện có 75 hệ thống thuỷ lợi lớn.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh như vậy trong buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) về vấn đề thuỷ lợi và đê điều ngày 11.9.

Việt Nam hiện nằm trong vùng chịu nhiều tác động của thiên tai, bão lũ, tuy nhiên trong thời gian qua công tác phát triển thuỷ lợi đã đạt được những thành tựu to lớn góp phần quan trọng vào sự phát triển các ngành kinh tế xã hội, cải thiện môi trường sinh thái, đặc biệt là phát triển nông nghiệp.

Hiệu quả của đầu tư phát triển thuỷ lợi

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Đào Xuân Học, người trực tiếp phụ trách lĩnh vực thuỷ lợi, đê điều cho biết, hàng năm Nhà nước đầu tư rất lớn cho thuỷ lợi (chỉ sau giao thông), chiếm 10-12% tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Đây là điều được nhiều nước đánh giá cao, lý giải cho việc vì sao Việt Nam đạt năng suất cao về sản lượng lương thực.

Trên cả nước, 75 hệ thống thuỷ lợi lớn đã được xây dựng với hơn 5.000 cống tưới, tiêu lớn; trên 10.000 trạm bơm lớn và vừa cùng hàng vạn công trình thuỷ lợi vừa và nhỏ. Đã xây dựng 5.700 km đê sông, 3.000 km đê biển, 23.000 km bờ bao góp phần nâng cao khả năng chống lũ. Tổng năng lực của các hệ thống đã đảm bảo tưới trực tiếp 3,45 triệu ha.

Các công trình thuỷ lợi đã góp phần cải tạo đất chua, phèn, mặn, cải tạo môi trường nước như vùng Bắc Nam Hà, Nam Yên Dũng; vùng đất chua phèn, mặn Tứ Giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười…

Đồng thời, phát triển thuỷ lợi đã tạo điều kiện hình thành và phát triển các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi như lúa, ngô ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng; cao su và cà phê ở miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên; chè ở Trung du và miền núi phía Bắc… Các công trình hồ chứa lớn và vừa đã từng bước bảo đảm chống lũ và tham gia cắt lũ cho hạ du. Thuỷ lợi đã góp phần phát triển nguồn điện và cải tạo môi trường cũng như góp phần lớn vào xây dựng nông thôn mới.

Chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển của đô thị

Tuy nhiên, một trong những tồn tại lớn nhất hiện nay là thuỷ lợi chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển của đô thị. Thể hiện ở tình trạng ngập triều nặng, trong đó 5 thành phố lớn gồm: TP.HCM, Cần Thơ, Cà Mau, Hải Phòng, Vĩnh Long bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tiếp đến là ngập lũ, gồm TP Huế, các thành phố miền Trung và Nam Trung Bộ, những nơi thường xuyên bị ngập lũ trong mùa mưa và ảnh hưởng của thuỷ triều. TP.Hà Nội, và nhiều thị xã ở Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập úng nặng do mưa.

Đối với Đồng bằng sông Hồng, việc phát triển các khu công nghiệp, các làng nghề và khu đô thị… đã tạo sức ép rất lớn về cấp nước, tiêu thoát nước, môi trường nước, phá vỡ nhiệm vụ thiết kế ban đầu của các hệ thống công trình thuỷ lợi như Bắc Hưng Hải, Sông Nhuệ, Bắc Đuống… Nhiều hệ thống thuỷ lợi phải đảm nhận thêm nhiệm vụ tiêu thoát nước cho đô thị mà điển hình là hệ thống sông Nhuệ tiêu thoát nước cho TP.Hà Nội. Hiện TP Hà Nội chỉ có duy nhất trạm bơm Yên Sở phục vụ tiêu cho cả thành phố.

Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài 3 hệ thống đã được đầu tư tương đối hoàn chỉnh (Quản Lộ - Phụng Hiệp, Ô Môn – Xà No; Nam Măng Thít), còn lại nhìn chung vẫn còn thiếu nhiều công trình. Ngoài ra hệ thống thuỷ lợi Bắc Bến Tre do chưa được đầu tư hoàn chỉnh nên vẫn thường xuyên xảy ra hiện tượng xâm nhập mặn.

Giải pháp phát triển thuỷ lợi đảm bảo kinh tế-xã hội tăng trưởng bền vững

Đề xuất những phương án nhằm phát triển thuỷ lợi phục vụ cho kinh tế - xã hội tăng trưởng bền vững, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho rằng vấn đề đầu tiên là ưu tiên đầu tư nâng cao hiệu quả các công trình thuỷ lợi sẵn có, duy tu bảo dưỡng, đồng bộ hóa để phát huy hiệu quả của các công trình. Mặt khác đáp ứng đầy đủ nhu cầu nước cho công nghiệp và dịch vụ. Bởi trên thực tế hầu hết các tỉnh ven biển nhu cầu nước cho công nghiệp và dịch vụ đã và đang trở thành yếu tố hạn chế số một đối với phát triển những lĩnh vực này.

“Để phát triển nền nông nghiệp năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững thì thuỷ lợi là yếu tố quyết định. Ở những nơi áp dụng quy trình tưới tiêu khoa học, đều có thể tiết kiệm 30% nước. Ngoài ra chống ngập úng đô thị cũng cần phải ưu tiên đầu tư triển khai ngay từ bây giờ”, Bộ trưởng cho biết.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, phải quy hoạch căn cơ, tính toán toàn diện cho phát triển thuỷ lợi. Trong đó kết hợp với tiêu, chống ngập, quy hoạch chung của mỗi thành phố hoặc với các ngành khác như xây dựng, giao thông.

Phó Thủ tướng đề nghị, lên kế hoạch rà soát lại quy hoạch thuỷ lợi, xây dựng quy hoạch tổng thể nhất là quy hoạch các vùng thuỷ lợi. Các danh mục dự án cấp bách và danh mục dự án trong quy hoạch đã duyệt nhưng gặp khó khăn phải sắp xếp lại theo danh mục ưu tiên để triển khai thực hiện. Lập chương trình kiên cố hóa kênh mương nội đồng cùng với quy hoạch xây dựng cánh đồng, quy hoạch sản xuất và thuỷ lợi trên ruộng đồng, đưa ra cơ chế hướng dẫn địa phương thực hiện. Đồng thời lên danh mục những chương trình cần huy động vốn ODA, từ đó xây dựng dự án cụ thể.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu, sớm đề xuất phương pháp triển khai 6 dự án chống ngập úng của thành phố Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Cà Mau, Hải Phòng, Vĩnh Long và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý đến công tác đào tạo nguồn nhân lực, làm sao để đội ngũ cán bộ làm thuỷ lợi có đủ năng lực và trình độ, trước hết là cho công tác quản lý công trình, tư vấn; xây dựng Đề án nâng cao năng lực hoạt động của các Viện Khoa học, trường Đại học Thuỷ lợi, hệ thống các trường liên quan đến lĩnh vực thuỷ lợi trong cả nước.

(Theo chinhphu.vn)