BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sắp lên phường, nhưng hai xã Ninh Thạnh, Ninh Sơn khó đạt tiêu chí giao thông

Cập nhật ngày: 22/09/2013 - 04:20
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ chỉ đạo các cấp, ngành có sự quan tâm hỗ trợ đúng mức, kịp thời, hợp lý để hai xã trên sớm được lên phường và đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Người dân ở Ninh Sơn tận dụng bờ kênh làm đường giao thông nông thôn, vừa vất vả, vừa khó khăn, hạn chế trong phát triển kinh tế, xã hội

(BTN) - Ngày 18.9, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thị Thu Thuỷ và lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo Thị xã có buổi làm việc với cấp uỷ, UBND 2 xã Ninh Thạnh, Ninh Sơn nhằm nắm bắt những đề xuất, kiến nghị của 2 địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và chuẩn bị lên phường.

Theo báo cáo của UBND xã Ninh Sơn, hiện xã đạt 3/4 tiêu chuẩn trong xây dựng xã lên phường. Cụ thể là tiêu chuẩn về mật độ dân số; về tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; về quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Riêng tiêu chuẩn quy định các hệ thống công trình hạ tầng tiến tới đồng bộ các phường thuộc Thị xã thì Ninh Sơn đã đạt được 27/30 tiêu chí (3 tiêu chí chưa đạt là tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý; tỷ lệ các cơ sở sản xuất mới xây dựng có trạm xử lý nước thải; tỷ lệ chất thải rắn khu vực nội thị được thu gom).

UBND xã Ninh Thạnh cũng báo cáo cho biết đã cơ bản đạt các tiêu chuẩn quy định để được công nhận lên phường.

Về xây dựng nông thôn mới, hiện Ninh Sơn đã đạt được 9/19 tiêu chí: quy hoạch, điện, bưu điện, hộ nghèo, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, văn hoá, hệ thống chính trị xã hội vững mạnh. UBND xã Ninh Sơn cũng nêu những khó khăn trong thực hiện các tiêu chí còn lại. Cụ thể như tiêu chí giao thông, hiện xã có 75 tuyến đường nhưng chỉ mới có 5 tuyến được bê tông nhựa, 5 tuyến láng nhựa, đang thi công 2 tuyến láng nhựa và 1 tuyến bê tông xi măng.

Do đó, tỷ lệ km đường chưa được đầu tư láng nhựa, bê tông hoá, cứng hoá còn rất cao nhưng lại rất khó thực hiện trong nhiều năm tới do có quá nhiều tuyến đường, đòi hỏi số kinh phí đầu tư rất lớn, ngoài khả năng của địa phương lẫn của Thị xã, tỉnh Tây Ninh.

Ninh Sơn cũng còn gặp một số khó khăn để đạt một số tiêu chí khác. Như tiêu chí trường học thì xã mới chỉ có 1/6 trường đạt chuẩn quốc gia. Về tiêu chí cơ sở vật chất văn hoá thì Ninh Sơn chưa có nhà văn hoá và sân thể thao đạt chuẩn Bộ Xây dựng. Về tiêu chí chợ thì xã có chợ nhưng chưa đạt chuẩn. Về tiêu chí nhà ở dân cư thì xã còn 29 căn nhà tạm của 18 hộ nghèo, 11 hộ cận nghèo.

Mức thu nhập bình quân quy định là 26 triệu đồng/người/năm nhưng Ninh Sơn chỉ đạt khoảng 20,4 triệu đồng/người/năm. Về tiêu chí môi trường, trên địa bàn xã chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom ở các khu dân cư còn thấp, khoảng 56%.

Theo lãnh đạo xã Ninh Sơn, xã phấn đấu cuối năm nay đạt tiêu chí cơ cấu lao động; phấn đấu đến năm 2015 đạt thêm 3 tiêu chí chợ, cơ sở vật chất văn hoá và an ninh trật tự xã hội; phấn đấu đến năm 2020 đạt các tiêu chí còn lại.

Để bảo đảm có bộ mặt xứng tầm khi lên phường, lãnh đạo xã Ninh Sơn kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng một số công trình như nhà văn hoá, đường giao thông nông thôn, trường học…; nâng cao mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách, cán bộ phụ trách ấp.

Còn xã Ninh Thạnh hiện đã đạt được 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới: quy hoạch, điện, bưu điện, hộ nghèo, y tế, giáo dục, hình thức tổ chức sản xuất, văn hoá, hệ thống chính trị xã hội vững mạnh, an ninh – trật tự xã hội. Tương tự như Ninh Sơn, Ninh Thạnh cũng là địa bàn có rất nhiều tuyến đường chưa được đầu tư đạt chuẩn và tiêu chí giao thông cũng là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất của xã này (toàn xã có 79 tuyến đường gồm 5 tuyến đường nhựa, 7 tuyến bê tông xi măng, 25 tuyến sỏi đỏ, 42 tuyến đường đất).

Xã có 6 trường học, đã có 3 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I, còn 3 trường cần đầu tư đạt chuẩn. Hiện xã cũng chưa có trung tâm văn hoá thể thao và học tập cộng đồng đạt chuẩn; tỷ lệ ấp có nhà văn hoá và khu thể thao đạt quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chưa đạt. Xã có 2 chợ tạm và đều không đạt chuẩn. Thu nhập bình quân đầu người ở xã chỉ khoảng 19 triệu đồng/người/năm, thấp hơn khá nhiều so với mức quy định 26 triệu đồng…

UBND xã Ninh Thạnh kiến nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí nâng cấp, đầu tư 66 tuyến đường giao thông nông thôn với dự toán khoảng 124 tỷ đồng; xây dựng trung tâm văn hoá, thể thao và học tập cộng đồng; bê tông hoá kênh mương; nâng cấp chợ Ninh Đức, đầu tư và mở rộng trường học đạt chuẩn quốc gia…

Sau khi nghe báo cáo, kiến nghị, đề xuất của lãnh đạo hai xã Ninh Thạnh, Ninh Sơn, đại diện lãnh đạo các sở, ngành có nhiều ý kiến đóng góp, định hướng xung quanh việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và lên phường. Riêng việc thực hiện tiêu chí giao thông, hầu hết các ý kiến đều cho rằng phải mất nhiều thời gian, tốn nhiều tiền của mới bảo đảm đầu tư hoàn chỉnh hết các tuyến đường trên địa bàn hai xã. “Do đặc thù của vùng này là quy hoạch dân cư và giao thông như ô bàn cờ với mật độ dày nên tổng chiều dài của các tuyến đường cần đầu tư rất lớn và mức đầu tư hiện ngoài khả năng của tỉnh lẫn Thị xã. Do đó, không thể đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường trong thời gian ngắn mà phải đầu tư dần”, một đại biểu nói.

Sau khi nghe các báo cáo, kiến nghị, đề xuất, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ chỉ đạo các cấp, ngành có sự quan tâm hỗ trợ đúng mức, kịp thời, hợp lý để hai xã trên sớm được lên phường và đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đó là một trong những tiền đề quan trọng để thị xã Tây Ninh được công nhận đủ điều kiện lên thành phố trong thời gian tới.

ĐÌNH CHUNG