BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xã Phan, huyện DMC: Cạnh hồ Dầu Tiếng nhưng đồng ruộng khô cằn (!)

Cập nhật ngày: 27/03/2011 - 10:42

Trạm bơm xã Phan nhưng tưới cho xã Suối Đa.

Xã Phan là một trong những xã nghèo của huyện Dương Minh Châu. Một trong những nguyên nhân khiến cho kinh tế xã Phan khó phát triển như nhiều xã khác trong huyện là do dân cư trong xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nhưng từ nhiều năm qua ruộng đồng của xã chưa được hưởng lợi bao nhiêu từ hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng. Tất nhiên trước kia nhân dân xã Phan cũng tích cực tham gia xây dựng hệ thống thuỷ lợi như nhiều xã khác trong huyện, trong tỉnh. Vậy mà nhiều năm qua nhân dân xã Phan vẫn phải chịu thiệt thòi về nước tưới.

Ông Phạm Văn Tín, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Phan cho biết, xã Phan có diện tích tự nhiên là 2.486 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 2.195 ha. Trên địa bàn xã có hơn 6.900 nhân khẩu với hơn 1.700 hộ dân sinh sống. Hầu hết nhân dân trong xã sống bằng nghề nông. Trước đây, hầu hết đồng ruộng xã Phan sản xuất cây lúa, nhưng chỉ có khoảng 200 ha là có nước thuỷ lợi, mà cũng không được suốt cả năm, nên hầu như lúa chỉ sản xuất được có 1 vụ trong năm với năng suất rất thấp. Những năm gần đây, theo chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhiều diện tích lúa 1 vụ chuyển sang trồng mì, trồng mía mới có thu nhập cao hơn trước. Tuy nhiên cũng do thiếu nước tưới nên năng suất cây trồng vẫn thấp hơn những nơi khác, dẫn đến thu nhập của nông dân xã Phan cũng thấp hơn nông dân những nơi khác. Trong nhiệm kỳ 2006-2010, theo thống kê của xã thì thu nhập bình quân đầu người của người dân xã Phan chỉ đạt 6,2 triệu đồng/người/năm, thấp hơn nhiều địa phương khác trong huyện. Vì vậy nỗi mong muốn có nước thuỷ lợi ngày càng bức xúc đối với người dân xã Phan. Chính quyền xã Phan cũng đã kiến nghị cấp trên nhiều lần về sự thiệt thòi này của người dân xã Phan, nhưng đến nay vẫn chưa thấy có tín hiệu gì về việc đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ lợi ở xã Phan.

Điều đáng nói là xã Phan có đến hơn 5 km giáp bờ kênh chính Tây và nằm cách hồ Dầu Tiếng chưa đến 10 km, nhưng hầu như không được hưởng lợi từ hệ thống này, trong khi đó có xã cách hồ Dầu Tiếng hơn 50 km vẫn được hưởng lợi. Nguyên nhân là do địa thế đất xã Phan khá cao so với mực nước hồ nên không thể xây dựng hệ thống kênh tưới tự chảy. Muốn có nước tưới cho đồng ruộng xã Phan thì phải xây dựng Trạm bơm thuỷ lợi. Thực ra không phải tỉnh không quan tâm đến sự thiệt thòi của nhân dân xã Phan. Từ năm 2000, tỉnh đã lập dự án xây dựng trạm bơm lấy nước từ kênh chính Tây với ý định bù đắp sự thiệt thòi của nhân dân xã Phan trong việc tưới tiêu từ nguồn vốn không hoàn lại của Nhật Bản và vốn đối ứng của tỉnh với tổng kinh phí xây dựng hơn 5 tỷ đồng. Theo thiết kế, Trạm bơm xã Phan có 2 máy bơm với công suất bơm mỗi máy là hơn 1.000m3/giờ lấy từ nước kênh chính Tây; 1 kênh chính dài hơn 2.200m, 3 tuyến kênh cấp 1 tổng chiều dài gần 4.000 m và nhiều kênh nội đồng dẫn nước tưới cho diện tích 300 ha. Trạm bơm được xây dựng từ năm 2001 và năm 2002 đi vào hoạt động. Thế nhưng thực chất nhân dân xã Phan cũng chẳng được hưởng chút nước tưới nào, ngoài cái tên của trạm bơm. Chẳng biết nhầm lẫn như thế nào mà dự án mang tên Trạm bơm xã Phan nhưng cả nhà trạm, hệ thống kênh mương và vùng tưới đều nằm trọn trên địa bàn… xã Suối Đá (?!). 

Nhiều vùng đất sản xuất nông nghiệp xã Phan khô cằn thiếu nước tưới

Theo lãnh đạo xã Phan, hiện tại trên địa bàn xã chỉ có khoảng 200 ha đồng ruộng thuộc ấp Phước Tân 2 là có nước tưới từ kênh TN0-2A, nhưng mỗi năm cũng chỉ tưới được vài tháng. Hiện tại, trên địa bàn xã đã phát triển được hơn 500 ha mía chuyển từ cây lúa 1 vụ sang, nhưng năng suất vẫn chưa cao vì không được tưới. Cụ thể khu vực đất cận núi Bà Đen rất phù hợp với cây mía và ngành chức năng cũng đã quy hoạch là vùng nguyên liệu mía của tỉnh, nhưng năng suất bình quân trong những năm qua chỉ trên dưới 60 ha. Nếu có nước thuỷ lợi thì ở khu vực này năng suất mía có thể đạt đến 150 tấn/ha.

Theo ý kiến của một số cán bộ ngành thuỷ nông, muốn có nước tưới cho đồng ruộng xã Phan thì nên xây dựng trạm bơm ở khu vực gần cầu K13 về phía hạ lưu kênh chính Tây. Trạm bơm lấy nước từ kênh Tây lên kênh dẫn về phía đông bắc xã để tưới tự chảy về phía tây nam theo độ nghiêng tự nhiên của đất. Thiết kế như vậy trước tiên sẽ có nước tưới cho vùng nguyên liệu mía của xã Phan khu vực gần núi Bà Đen, sau đó sẽ mở rộng vùng tưới. Tuy nhiên cho đến nay dự án xây dựng trạm bơm nước thuỷ lợi tưới cho xã Phan vẫn chỉ là… ý tưởng. Theo lãnh đạo xã Phan, nếu như chưa có điều kiện xây dựng trạm bơm mới thì trước mắt cần nâng cấp, mở rộng “trạm bơm xã Phan” nằm trên địa bàn xã Suối Đá, kéo dài tuyến kênh chính dẫn nước về phía đông bắc cũng có thể tưới được một phần diện tích vùng nguyên liệu mía khu vực cận núi Bà Đen thuộc địa bàn xã Phan.

Hơn 25 năm vận hành hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng, nhiều cánh đồng xã Phan nằm cặp bờ kênh chính Tây vẫn khô. Chẳng những không có nước tưới mà mực thuỷ cấp nhiều khu vực còn bị hạ xuống do cao hơn mực nước kênh. Mong ước của bà con xã Phan về nước thuỷ lợi là hết sức chính đáng, nhưng chẳng biết đến bao giờ…

Sơn Trần