BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chính sách giảm nghèo- Không thể bao cấp cho mọi đối tượng 

Cập nhật ngày: 18/04/2019 - 19:21

BTNO - Từ ngày 18.4, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh do ông Huỳnh Thanh Phương- Phó trưởng đoàn chuyên trách làm trưởng đoàn tiến hành đợt giám sát kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2012 – 2018.

Theo báo cáo của UBND huyện cho biết, năm 2012 toàn huyện có 1.070 hộ nghèo và cận nghèo, trong đó có 43 hộ người dân tộc thiểu số.

Ông Phan Thanh Dũng- Trưởng Phòng LĐTB&XH Hoà Thành giải trình một số vấn đề do thành viên đoàn giám sát đặt ra.

Đến năm 2015, Hòa Thành còn 148 hộ nghèo và cận nghèo, trong số này đồng bào người dân tộc thiểu số chỉ còn 4  hộ.

Năm 2018, theo chuẩn nghèo mới, Hòa Thành có 979 hộ nghèo và cận nghèo, số hộ nghèo và cận nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số là 17. Riêng xã Trường Tây (xã thuộc khu vực I), nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, theo số liệu thống kê còn 13 hộ nghèo và cận nghèo.

Trong giai đoạn 2012- 2018, các chính sách hỗ trợ hộ nghèo như tín dụng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, nhà ở… được thực hiện đúng đối tượng theo quy định.

Ngoài kết quả đạt được, công tác giảm nghèo trên địa bàn Hòa Thành cũng còn một số hạn chế. Theo UBND huyện, tuy đời sống của một bộ phận dân cư thuộc diện nghèo đã được cải thiện rõ rệt nhưng vẫn còn rất khó khăn so với mặt bằng kinh tế chung. Một bộ phận hộ nghèo có tâm lý ỷ lại, chưa thật sự nỗ lực vươn lên, còn trông chờ vào Nhà nước.

Trao đổi với các ban ngành của huyện Hòa Thành, thành viên đoàn giám sát đề nghị đưa những hộ thuộc diện bảo trợ ra khỏi danh sách hộ nghèo, vì nhóm đối tượng này có chính sách riêng. Đoàn giám sát cũng đề nghị UBND huyện phân tích kỹ, cụ thể về chính sách, kết quả thực hiện công tác giảm nghèo, ví dụ hiện nay chính sách nào phù hợp, chính sách nào cần phải điều chỉnh sửa đổi.

HĐND tỉnh khảo sát hộ nghèo ở huyện Hoà Thành năm 2017- Ảnh minh hoạ.

“Đồng bào dân tộc Khmer muốn được cấp thẻ BHYT hoàn toàn, kể cả những hộ đã thoát nghèo” – đại diện xã Trường Tây nêu nguyện vọng của người dân tộc thiểu số.

Lãnh đạo UBND huyện Hòa Thành thông tin thêm, địa phương có thể vận động các nguồn tài trợ để xây nhà cho một số hộ nghèo nhưng lại không có đất để xây… Huyện đang tính đến tìm quỹ đất để xây nhà có tính tập trung (hai hoặc ba căn nhà trên một khu đất) cho nhóm đối tượng này, tuy nhiên do… cơ chế về đất đai nên giải quyết được vấn đề này không hề dễ.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Huỳnh Thanh Phương- Phó trưởng đoàn ĐBQH đơn vị Tây Ninh ghi nhận kết quả mà địa phương đạt được trong công tác giảm nghèo, hoan nghênh ý tưởng của lãnh đạo huyện Hòa Thành về việc tìm đất xây nhà cho người khó khăn về nhà ở. Liên quan đến bình xét, ông Phương lưu ý việc này cần được thực hiện đúng theo quy định, khách quan, không để cảm tính chi phối.

Về đề xuất cấp thẻ BHYT cho tất cả hộ thuộc người dân tộc thiểu số, ông Phương cho biết, điều này khó thực hiện, ngân sách không thể bao cấp mãi được.

Đ.V.T