BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thực trạng cơ sở vật chất văn hoá ở các xã nông thôn: Chưa có xã nào đạt tiêu chí

Cập nhật ngày: 09/08/2011 - 10:38

Từ giữa năm 2010, Tây Ninh bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong bộ tiêu chí quốc gia về NTM- bao gồm 19 tiêu chí, có tiêu chí thứ 6 về cơ sở vật chất văn hoá. Theo quy định, để đạt được tiêu chí này thì xã nông thôn phải có nhà văn hoá và khu thể thao xã đạt chuẩn, đồng thời 100% ấp có nhà văn hoá và khu thể thao đạt quy định của Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch (VHTT&DL).

Theo đánh giá của Sở VHTT&DL, đến nay tất cả 82 xã nông thôn trên địa bàn tỉnh đều đã có quyết định thành lập Trung tâm Văn hoá thể thao và Học tập cộng đồng (VHTT - HTCĐ). Tuy nhiên, đến nay chỉ có 77 xã đã xây dựng được cơ sở vật chất Trung tâm. Trung tâm VHTT - HTCĐ được hình thành từ việc sáp nhập Trung tâm Văn hoá thể thao và Trung tâm Học tập cộng đồng cấp xã, phường, thị trấn vào năm 2009. Cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động ở các Trung tâm vẫn còn nhiều hạn chế. Trước tiên là về mặt bằng, đa số Trung tâm không đảm bảo diện tích tối thiểu (2.500m2), tất cả các hội trường đều không đảm bảo đủ chỗ ngồi tối thiểu (250 chỗ); 80% phòng chức năng không đảm bảo cho hoạt động theo quy định tại Thông tư 12/2010/TT-BVHTTDL của Bộ VHTT&DL. Một số Trung tâm được xây dựng từ trước năm 1990, nay đã xuống cấp nghiêm trọng, không ít Trung tâm không còn hoạt động được. Trang thiết bị phục vụ hoạt động của các Trung tâm các xã nông thôn tuy trước đây đã được ngân sách địa phương và Chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư nhưng so với nhu cầu hoạt động thì vẫn còn thiếu nhiều, một số thiết bị đã có nay cũng đã xuống cấp. Do đó, một số Trung tâm chỉ có cơ sở vật chất bên ngoài, còn trang thiết bị bên trong thì chẳng được bao nhiêu vì thế không thể phát huy tác dụng.

Không ít Trung tâm VHTT-HTCĐ chỉ có cơ sở vật chất bên ngoài

Căn cứ Nghị định 121 của Chính  phủ, UBND các xã có bố trí cán bộ cho mỗi Trung tâm VHTT - HTCĐ từ 1 đến 3 người. Đến nay, tổng số cán bộ phụ trách Trung tâm VHTT - HTCĐ trong tỉnh là 246 người. Thế nhưng, nhiều nơi cán bộ phụ trách Trung tâm không đảm đương được yêu cầu công việc. Từ đó, công tác tham mưu cho chính quyền còn nhiều hạn chế, dẫn đến hậu quả là nhiều Trung tâm hoạt động ì ạch. Cũng có một số địa phương bố trí cán bộ phụ trách Trung tâm VHTT - HTCĐ cho có đủ chức danh nhưng cán bộ Trung tâm chủ yếu lại làm… công việc khác, không quan tâm đúng mức cho việc tổ chức hoạt động của Trung tâm. Một số nơi bố trí cán bộ phụ trách Trung tâm không ổn định, thường xuyên thay đổi nên công tác quản lý, điều hành thường gián đoạn, kém hiệu quả.

Theo đánh giá của Sở VHTT&DL, tất cả 77 Trung tâm VHTT - HTCĐ  (trong tổng số 82 xã nông thôn) đã xây dựng trên địa bàn tỉnh đều chưa đạt chuẩn của Bộ. Cơ sở vật chất văn hoá ở các ấp còn… tệ hơn. Cho đến nay, tất cả 440 ấp thuộc 82 xã nông thôn trên địa bàn tỉnh đều chưa có nhà văn hoá và khu thể thao ấp đạt quy định. Chỉ có một số rất ít có được sân bóng chuyền, sân bóng đá mini do tư nhân tự đầu tư.

Qua điều tra khảo sát của ngành chức năng, trong số 82 xã nông thôn ở Tây Ninh không có xã nào đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hoá. Trong khi muốn đạt mục tiêu xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, cần phải có sự đầu tư tích cực để đạt 19 tiêu chí theo bộ tiêu chí quốc gia. Từ nay đến năm 2015, để xây dựng thành công NTM ở 25 xã điểm, theo khái toán ban đầu của Sở VHTT&DL cần có nguồn vốn gần 450 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa, xây mới các Trung tâm VHTT - HTCĐ. Cụ thể, trong vòng 5 năm tới, ở 25 xã điểm cần xây mới thêm 4 Trung tâm, nâng cấp 21 Trung tâm, 25 sân thể thao cấp xã và xây mới 140 Trung tâm ở ấp mới có thể đạt được tiêu chí như quy định.

SƠN TRẦN