BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bảo tàng Tây Ninh: Thống kê hồ sơ khen thưởng 657 CBCS Phân khu 1 chôn giấu ở rừng Bời Lời trong chiến tranh

Cập nhật ngày: 31/03/2010 - 05:31

Tháng 5.2009, Bảo tàng Tây Ninh tiếp nhận 17 tập tài liệu do Quân giải phóng miền Nam chôn giấu ở khu vực Bời Lời, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng. Toàn bộ các tài liệu này, cất giữ trong 3 thùng đại liên, được lực lượng công binh phát hiện khi rà phá bom mìn ở khu vực Trung tâm tái hiện di tích lịch sử Cách mạng miền Nam ở Bời Lời và bàn giao cho Bảo tàng Tây Ninh.

Theo nhận định của các cán bộ Phòng nghiệp vụ Bảo tàng, rất có thể đây là những tài liệu của một chính trị viên, không rõ đơn vị nhưng thuộc Phân khu I, Sài Gòn Gia Định.

Ngoài những tài liệu như sổ tay theo dõi chiến sự (mật), các văn bản tuyên truyền… còn có rất nhiều bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận Dũng sĩ diệt Mỹ, Huân chương Chiến sĩ Giải phóng, Huân chương Chiến công các hạng 1, 2, 3 cấp cho chiến sĩ thuộc các tiểu đoàn Bến Tre 1, Bến Tre 2, và tiểu đoàn Cát Bi – Hải Phòng (mật danh K2, là tiểu đoàn 342, thành lập vào ngày 25.3.1967, thuộc trung đoàn 42, sư đoàn 350, quân khu 3, được bổ sung cho phân khu I, Sài Gòn – Gia Định vào khoảng cuối tháng 4.1968).

Giấy chứng nhận phong tặng Huân chương, Bằng khen, Giấy khen và bảng thành tích của CB-CS Trung đoàn 268, – phân khu I, Sài Gòn Gia Định.

Hôm 31.3.2010, ông Đào Duy Phước – Giám đốc Bảo tàng Tây Ninh, các cán bộ nghiệp vụ đã hoàn tất việc thống kê danh sách hồ sơ khen thưởng 657 cán bộ - chiến sĩ trong 3 thùng đại liên chôn giấu ở rừng Bời Lời. Trong danh sách này có rất nhiều người đã hy sinh và được truy tặng huân, huy chương các loại… Có khá nhiều người biết đơn vị nhưng không xác định được quê quán cụ thể.

Theo bản danh sách mà Bảo tàng cung cấp cho phóng viên, có 6 liệt sĩ người Tây Ninh được truy tặng huân, huy chương, và 18 CBCS quê gốc Tây Ninh được phong tặng.

Các liệt sĩ được truy tặng gồm: 1. Lê Văn Đạo – Thới Bình, Châu Thành; 2. Nguyễn Văn Năm – Phước Thạnh, Gò Dầu; 3. Lê Minh Hưng – Thuận Lợi (?), DMC; 4. Phạm Văn Mía – Phước Hội, DMC; 5. Đỗ Văn Điềm – An Tịnh, Trảng Bàng; 6. Đặng Tấn Sinh – Phước Lưu, Trảng Bàng.

CBCS được phong tặng gồm: 1. Võ Văn Thật – Gia Lộc, Trảng Bàng; 2. Phạm Văn Châu – An Tịnh, Trảng Bàng; 3. Trương Tân Xuân – Thái Bình, Châu Thành; 4. Lê Minh Chiều – Lộc Hưng, Trảng Bàng; 5. Nguyễn Văn Xẩn – Lộc Hưng, Trảng Bàng; 6. Hồ Văn Bắp – An Tịnh, Trảng Bàng; 7. Dương Minh Đức – Phước Thạnh, Gò Dầu; 8. Nguyễn Văn De – Phước Thạnh, Gò Dầu; 9. Nguyễn Văn Hoàng – Lộc Hưng, Trảng Bàng; 10. Nguyễn Văn Bên – Thôn Nhuận (?), Trảng Bàng; 11. Lê Hữu Lễ - Thái Bình, Châu Thành; 12. Hức Văn Mậu – Đôn Thuận, Trảng Bàng; 13. Nguyễn Ngọc Sương - Đôn Thuận, Trảng Bàng; 14. Ngô Thanh Tư – Hiệp Thạnh, Gò Dầu; 15. Nguyễn Văn Sường – Thái Bình, Châu Thành; 16. Hoàng Phi Hổ - Thái Bình, Châu Thành; 17. Hà Văn Hỷ - An Tịnh, Trảng Bàng; 18. Huỳnh Văn Chiến - Tua Hai, Trảng Sụp, Châu Thành.

Hiện Bảo tàng Tây Ninh đang nghiên cứu việc tổ chức họp báo để công bố danh sách cũng như thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đặng Hoàng Thái