BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bình ổn giá khi thị trường biến động

Cập nhật ngày: 08/11/2011 - 02:39

Cần phải có Hội đồng thẩm định giá trực thuộc Nhà nước đối với các loại hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ mà các doanh nghiệp, công ty đưa ra. Đây là vấn đề quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận ở tổ chiều 8.11 về Luật giá (gồm 5 chương, 51 điều).

Theo đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (đoàn Bình Thuận): Việc thẩm định giá có thể do Chính phủ quy định theo từng danh mục hàng hoá và có khung giá cụ thể, tránh trường hợp doanh nghiệp đưa ra giá một nẻo, rồi sau đó lại bán với giá khác.

Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (đoàn Bình Thuận) phát biểu ý kiến

Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong công tác quản lý, bình ổn giá. Dù Nhà nước đã có nhiều biện pháp hạn chế, song tình trạng tư thương “làm giá” nông sản dẫn đến nông dân và người tiêu dùng bị thua thiệt, chi phí đầu vào của các doanh nghiệp tăng, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa nước ta, còn tư thương hưởng lợi chính. Nguyên nhân là do Nhà nước ít quan tâm đến khâu phân phối nên xảy ra tình trạng đầu ra giá nông sản ở siêu thị, ở các chợ rất cao trong khi người nông dân trực tiếp sản xuất được hưởng rất ít giá trị từ phần tăng đó. Vì vậy, việc để cho Chính phủ thẩm định giá cũng sẽ khắc phục tình trạng đầu cơ, găm hàng hoá của các doanh nghiệp để đợi thời cơ giá cao thì bán ra.

Luật Giá phải có những quy định cụ thể để bình ổn thị trường hàng hoá khi lạm phát tăng cao, diễn biến thời tiết bất thường. Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình) đưa ra ý kiến như vậy và cho rằng, dự án Luật Giá phải đảm bảo tính minh bạch, cụ thể, tạo căn cứ cho điều hành giá cả, giúp doanh nghiệp hoạch định kế hoạch kinh doanh và có biện pháp bình ổn giá khi nhu cầu mua sắm vào dịp cuối năm tăng cao. Căn cứ vào danh mục này, Chính phủ lựa chọn mặt hàng cụ thể để áp dụng bình ổn phù hợp với thời điểm cụ thể.

Về xác định hàng hóa, dịch vụ thuộc quyền định giá của Nhà nước, đại biểu Đỗ Thị Hoàng (đoàn Quảng Ninh) nhận định, đối với một số hàng hóa, dịch vụ nhất định liên quan đến quốc kế dân sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định ngân sách nhà nước, đời sống nhân dân thì Nhà nước nhất thiết phải định giá, kiểm soát và điều tiết.

Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Thị Hoàng cho rằng, cách xác định tiêu chí hàng hóa thuộc quyền định giá của Nhà nước phải có những quy định riêng, vì mỗi mặt hàng có tầm quan trọng riêng, phụ thuộc vào nhu cầu của lĩnh vực sản xuất, nhu cầu tiêu dùng. Nên nếu không chỉ rõ đó là mặt hàng nào sẽ gây khó khăn trong triển khai áp dụng luật. Vì vậy, đề nghị cần quy định cụ thể về tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá. Kèm theo mỗi tiêu chí là loại hàng hóa, dịch vụ tương ứng do Nhà nước định giá. Trường hợp cần điều chỉnh, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định cho phù hợp với thực tiễn.

** Cũng trong chiều 8.11, đại biểu Quốc hội cũng thảo luận về dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Đa số các đại biểu cho rằng, dự án Luật cần tập trung vào việc tuyên truyền pháp luật cho những người dân dưới 18 tuổi, người dân ở vùng miền khó khăn, dân trí thấp, hộ dân thường xảy ra bạo lực gia đình, đối tượng có liên quan đến các tệ nạn xã hội, tiêm chích ma tuý và vi phạm pháp luật.

Theo VOV