BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần quy định rõ tiêu chuẩn đối với trọng tài viên

Cập nhật ngày: 25/11/2009 - 05:32

Chiều 25.11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường cho ý kiến về dự thảo Luật Trọng tài Thương mại. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều khiển phiên họp.

Các đại biểu đều bày tỏ sự nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Trọng tài Thương mại để khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003; cũng như đáp ứng thực tiễn khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với thế giới. Dự thảo Luật cũng đồng thời tiếp cận được với những nguyên tắc cơ bản của Pháp lệnh Trọng tài quốc tế hiện đại, đặc biệt là Luật mẫu về Trọng tài Thương mại quốc tế của Uỷ ban Liên Hiệp Quốc về Luật Thương mại quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận về dự thảo Luật cũng còn nhiều ý kiến khác nhau về những quy định trong dự thảo Luật lần này.

Nên hay không việc mở rộng thẩm quyền của trọng tài thương mại?

Cũng như tại phiên thảo luận tổ, đa số ý kiến của các đại biểu phát biểu tại Hội trường ngày hôm nay đồng ý với phạm vi, thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại gồm các hoạt động thương mại theo quy định của Luật Thương mại năm 2005 và có mở rộng thêm các trường hợp liên quan đến một bên có hoạt động thương mại, cũng như các trường hợp không phát sinh từ hoạt động thương mại nhưng được các hoạt động khác điều chỉnh (phương án 1, Điều 2 của dự thảo Luật). Đây cũng là phương án mà Uỷ ban Tư pháp bày tỏ sự đồng tình trong báo cáo thẩm tra.

Đại biểu Trần Thị Hồng (đoàn Hà Nam) cho rằng, quy định như phương án 2, Điều 2 của dự thảo Luật là quá rộng, khó đảm bảo chất lượng và ít khả thi trên thực tế. Bên cạnh đó, khả năng và uy tín chuyên môn của đội ngũ trọng tài viên hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Điều này được chứng minh qua thực tế 6 năm thi hành Pháp lệnh Trọng tài thương mại, mới có 7 trung tâm trọng tài được thành lập, số lượng vụ việc được giải quyết đạt thấp (280 vụ).

Đại biểu Võ Thị Thuý Loan (đoàn Tiền Giang) cũng đồng ý với ý kiến cho rằng, việc mở rộng phạm vi thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại sang các lĩnh vực khác trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay là chưa đủ sức thuyết phục. Theo đại biểu, hiện năng lực của đội ngũ trọng tài viên chưa đủ mạnh để giúp cho cộng đồng doanh nghiệp giải quyết được tranh chấp và giảm bớt gánh nặng công việc cho toà án.

Bên cạnh đa số ý kiến thống nhất với phương án 1 như trong Dự thảo, cũng có ý kiến đồng tình với phương án 2. Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) ủng hộ phương án 2 với lý giải rằng, việc dân sự là việc của các bên. Theo đại biểu, nếu xác định phạm vi thẩm quyền của trọng tài chỉ giới hạn đối với các tranh chấp phát sinh của hoạt động thương mại theo quy định của Luật Thương mại thì Nhà nước đã loại bỏ một phương thức giải quyết tranh chấp rất có hiệu quả của các bên.

Cũng theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, hiện nay Nhà nước đang có chủ trương xã hội hóa nhiều lĩnh vực hoạt động dịch vụ công. Theo hướng đó thì việc mở rộng phạm vi hoạt động của trọng tài cũng sẽ góp phần giảm tải công việc của hệ thống tòa án vốn đang rất nặng nề hiện nay. Tuy nhiên, liên quan đến phương án 2, ông Lộc không tán thành việc loại trừ thẩm quyền của trọng tài đối với các tranh chấp về bất động sản (Mục c, Điều 2, Khoản 2 dự thảo Luật). Đại biểu đề nghị chỉ nên loại trừ tranh chấp liên quan đến vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đại biểu Nguyễn Thu Hà (đoàn Gia Lai) cũng đồng ý quan điểm mở rộng thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại với lý do “Các quyết định của trọng tài thương mại có tính pháp lý tương đương tòa án, có tính ràng buộc chặt chẽ. Tuy nhiên, so với phán quyết của tòa án thì quyết định của trọng tài thương mại thường mềm dẻo hơn, nhanh chóng hơn, tiết kiệm được nhiều thời gian, tiền bạc, không làm căng thẳng quan hệ giữa hai bên và phán quyết của trọng tài được coi là kết quả cuối cùng nên không có trường hợp kháng cáo. Các thủ tục phân xử trọng tài cũng không được công bố công khai, giúp giữ bí mật cho các bên có liên quan”.

Ngoài 2 luồng ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (đoàn TP HCM) và đại biểu Ngô Đức Mạnh (đoàn Bình Phước) cho rằng, nên kết hợp để chọn ra một phương án có thể thoả mãn được ưu điểm của 2 phương án mà dự thảo Luật đưa ra.

Nên quy định tiêu chuẩn đối với trọng tài viên

Thảo luận về tiêu chuẩn của trọng tài viên, đại biểu Nguyễn Văn Luật (đoàn Kiên Giang) tán thành với phương án 2 của dự thảo. Đây là phương án Uỷ ban Tư pháp lựa chọn. Theo đại biểu Luật, trọng tài thương mại phải giải quyết các tranh chấp trong rất nhiều lĩnh vực, liên quan đến nhiều chủ thể. Do vậy, những người được lựa chọn làm trọng tài viên phải là các chuyên gia rất giỏi trên rất nhiều lĩnh vực. Trong điều kiện hội nhập hiện nay, chất lượng hay sức cạnh tranh của các trung tâm trọng tài cũng như trọng tài viên Việt Nam phải được thể hiện ở các tiêu chuẩn.

Đại biểu Ngô Đức Mạnh (đoàn Bình Phước) cũng cho rằng, cần nâng cao chất lượng của đội ngũ trọng tài viên. Cần có định hướng để phát triển đội ngũ trọng tài viên, nhất là sự gắn kết, phối hợp phát huy vai trò của Nhà nước là Bộ Tư pháp với vai trò của Hội Luật gia là tổ chức xã hội nghề nghiệp và với tổ chức chuyên môn, đại diện cho giới doanh nghiệp, doanh nhân là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Có như vậy thì trọng tài viên của chúng ta mới có điều kiện cọ sát với thực tế, được đào tạo và có khả năng tham gia giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài.

Hội đồng Trọng tài có được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời?

Về thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (quy định tại Điều 48), đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (đoàn TP HCM) đồng tình với phương án cho phép Hội đồng Trọng tài được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Theo ông Trừng: “Tuy quy định này mới so với Pháp lệnh Trọng tài Thương mại năm 2003, nhưng phù hợp với thực tế Việt Nam và Luật mẫu về Trọng tài Thương mại quốc tế của Uỷ ban Liên Hợp Quốc về Luật Thương mại Quốc tế cũng như Luật Trọng tài nhiều nước trên thế giới.

Trong khi đó, đại biểu Trần Sơn Hà (đoàn Hà Nội) lại không đồng tình với phương án này với lý do: Nếu trọng tài thương mại có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dễ dẫn đến việc ôm thêm quyền của cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, đa số ý kiến đại biểu phát biểu thảo luận đều đồng tình với phương án cho phép Trọng tài thương mại được áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong một số việc nhất định.

Ngoài những nội dung trên, các đại biểu Quốc hội cũng thảo luận, cho ý kiến về các nội dung: Hoạt động của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam; Đăng ký phán quyết của trọng tài vụ việc; Vấn đề quản lý Nhà nước về trọng tài.

Ngày 26.11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Thi hành án hình sự; Dự thảo Luật An toàn thực phẩm và Dự thảo Luật Người khuyết tật. Theo thông báo, sáng 27.11, Quốc hội họp phiên bế mạc, rút ngắn nửa ngày so với dự kiến ban đầu.

(Theo VOV News)