BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH tỉnh: Lấy ý kiến đóng góp dự án Luật Tố tụng hành chính

Cập nhật ngày: 17/09/2010 - 09:58

Trưởng đoàn ĐBQH Tây Ninh Nguyễn Thị Thu Thuỷ phát biểu tại hội nghị.

Để chuẩn bị các dự án luật sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XII sắp tới, ngày 17.9.2010, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự án Luật Tố tụng hành chính đối với các cơ quan, đơn vị có liên quan. Về cơ bản đại biểu dự hội nghị thống nhất cao đối với các quy định của dự án luật và đề nghị quy định cụ thể về một số vấn đề sau: Về giải thích từ ngữ (Điều 2), đối với cụm từ “hành vi hành chính” các đại biểu đề nghị bao gồm cả hành vi của cơ quan hành chính và hành vi của cá nhân, không nên chỉ quy định hành vi của cá nhân, vì các cơ quan hành chính khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật đó là thực hiện hành vi được giao. Ngược lại nếu cơ quan đó không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật thì đó là không thực hiện hành vi được giao. Do vậy, hành vi không chỉ có ở các cá nhân mà có cả ở các cơ quan hành chính. Đồng thời, tại khoản 3, Điều 2 các đại biểu thống nhất đề nghị dự thảo luật điều chỉnh cả quyết định buộc thôi việc đối với công chức thuộc các cơ quan, tổ chức khác không phải là cơ quan hành chính Nhà nước.

Về trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (Điều 8): các đại biểu thống nhất quy định này của dự thảo luật. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, đề nghị luật quy định rõ biện pháp chế tài khi cơ quan, tổ chức không cung cấp chứng cứ theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; về những khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án (Điều 27): các đại biểu đề nghị nên quy định thẩm quyền của toà án theo phương án loại trừ không nên quy định theo phương án liệt kê, bởi lẽ hiện nay toà án có thẩm quyền giải quyết hầu hết các khiếu kiện hành chính; các đại biểu đề nghị cân nhắc thêm quy định về quyết định hành chính, hành vi hành chính trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao không thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án, vì nếu toà án không giải quyết các vụ án này thì cơ quan nào sẽ giải quyết, trừ những vụ án hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao có liên quan đến bí mật Nhà nước. Các đại biểu thống nhất đề nghị không quy định giao cho toà án quân sự xét xử các khiếu kiện hành chính đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong quân đội mà vẫn do toà án nhân dân giải quyết.

Về xác minh, thu thập chứng cứ đối với viện kiểm sát (Điều 77): các đại biểu đề nghị dự thảo luật nên quy định mở rộng thẩm quyền thu thập chứng cứ của viện kiểm sát kể cả ở giai đoạn sơ thẩm, chứ không chỉ có quyền yêu cầu toà án thu thập chứng cứ khi xét thấy cần thiết.  

Vấn đề được các đại biểu quan tâm thảo luận nhất là về khởi kiện vụ án hành chính (Điều 102), các đại biểu thống nhất đề nghị cần quy định cá nhân, cơ quan, tổ chức nếu không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính ra toà án, không đặt ra điều kiện về việc cá nhân, cơ quan, tổ chức đó phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu rồi mới có quyền khởi kiện ra toà án. Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức lựa chọn việc khiếu nại tại cơ quan hành chính thì khi hết thời hạn giải quyết theo quy định mà khiếu nại không được giải quyết hoặc được giải quyết nhưng họ không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu (hoặc giải quyết lần hai) thì họ vẫn có quyền khởi kiện vụ án tại toà án.

Đại biểu ngành Tư pháp phát biểu góp ý dự thảo luật.

Đại biểu dự hội nghị còn có ý kiến đóng góp về các nội dung như thời hiệu khởi kiện (Điều 103); kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính (Điều 22); quản lý Nhà nước về thi hành án hành chính (Điều 232) và một số điều khoản cụ thể khác. Đoàn ĐBQH Tây Ninh ghi nhận tất cả các ý kiến đóng góp của đại biểu để tập hợp báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

KIM CHI