Trả lời chất vấn về tái cơ cấu ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình dẫn ví von của một đại biểu Quốc hội là như "phun thuốc trừ sâu" và bổ sung thêm hình ảnh "ném chuột không được vỡ bình".
Mở đầu phần chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Bình cuối giờ chiều 24.11, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa Vũng Tàu) yêu cầu cho biết số ngân hàng yếu kém cần giám sát chặt chẽ và phương án tái cơ cấu ngân hàng. Ngoài ra, đại biểu này yêu cầu làm rõ căn cứ xác định trần lãi suất và biện pháp để đảm bảo đủ vốn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến (Long An) đặt câu hỏi về biện pháp của Ngân hàng Nhà nước đối với tội phạm cho vay tín dụng đen, loại hình nảy sinh mạnh từ việc siết tín dụng ngân hàng.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) thì đặt vấn đề, Thống đốc cam kết giảm lãi suất cho vay nhưng hiện nhiều doanh nghiệp vẫn phải vay với mức cao. Trong khi đó, lãi suất huy động dân cư bị ép xuống 14% một năm thì dân không được lợi, doanh nghiệp không được lợi, mà phần đó về phía ngân hàng. "Ngân hàng Nhà nước sẽ giải quyết vấn đề này ra sao?", ông Vinh chất vấn.
Tái cơ cấu ngân hàng giống như ném chuột không được vỡ bình |
Trả lời câu hỏi về tái cơ cấu ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, cần có cách hiểu đúng về quá trình này. Tái cơ cấu ngân hàng do nền kinh tế sang giai đoạn mới và hệ thống tài chính cần phát triển mạnh hơn chứ không phải là ngân hàng quá yếu kém. So với thế giới, hệ thống ngân hàng của Việt Nam vẫn đứng vững trước khủng hoảng, ông Bình khẳng định.
Về số lượng nhà băng yếu kém thì ông Bình cho biết, tỷ lệ vào khoảng 5% (8 ngân hàng) và rơi vào các ngân hàng cổ phần nhỏ. Ông Bình dẫn lời của một vị đại biểu Quốc hội từng nói về tái cơ cấu ngân hàng giống như phun thuốc trừ sâu: Sâu bọ phải chết, còn cây cối phải sống. Tuy nhiên, Thống đốc Bình bổ sung: "Còn tôi thì thấy tái cấu trúc ngân hàng giống kiểu ném chuột không được vỡ bình". Tuy nhiên, ông Bình cho biết, chưa thể công bố rộng rãi nội dung của đề án tái cơ cấu.
Thống đốc cho biết, Việt Nam không phải thừa ngân hàng mà thừa những tổ chức tín dụng có quy mô nhỏ nhưng hoạt động không lành mạnh. Bởi theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cứ 1.000 người dân thì cần có một điểm giao dịch ngân hàng. Chiếu theo tiêu chuẩn này thì với dân số Việt Nam, vẫn có quá ít điểm giao dịch ngân hàng để phục vụ nhu cầu tài chính của người dân.
Cũng theo thông tin từ ông Bình, mục tiêu trước mắt của việc tái cơ cấu là xây dựng được 2 nhà băng Việt Nam có đủ tiềm lực và khả năng cạnh tranh trong khu vực. Ngoài ra hệ thống cần khoảng 10 - 15 ngân hàng đủ lớn để làm trụ cột trong nền kinh tế. Có thể chấp nhận các tổ chức tín dụng khác ở quy mô nhỏ hơn nhưng phải hoạt động lành mạnh. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ quan tâm hơn tới việc xây dựng các tổ chức tài chính vi mô, tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân đều có thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng.
Đại biểu đặt câu hỏi chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Bình |
Trong thời gian còn lại của buổi chiều, Thống đốc Nguyễn Văn Bình giải thích thêm về việc duy trì trần lãi suất 14% một năm. Theo đó, khi được xây dựng vào cuối năm 2010, Thống đốc cho rằng mức trần này hoàn toàn đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền do kỳ vọng lạm phát 2011 là 7%.
Điểm không tích cực theo ông Bình là Ngân hàng Nhà nước đã giữ mức 14% đó quá lâu, làm mất tính linh hoạt của trần lãi suất. Điển hình là trong 8 tháng đầu năm, khi lạm phát vượt xa kỳ vọng ban đầu, lãi suất không còn thực dương. Tuy nhiên, theo Thống đốc, kể từ tháng 8 trở đi thì mức 14% lại là phù hợp bởi mục tiêu lạm phát 2012 là một con số.
Ngoài ra, ông Bình cũng cho rằng việc giữ ổn định lãi suất đầu vào 14% cũng góp phần tích cực vào việc hạ lãi suất cho vay thời gian qua. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn khó khăn nhưng chủ yếu là do tình trạng tài chính cũng như khả năng hoàn trả của bản thân các dự án. “Nhiều ngân hàng trao đổi với tôi rằng họ đang phải 'đốt đuốc' đi tìm doanh nghiệp”, Thống đốc nói.
Cuối buổi chất vấn, ông Bình tiếp tục nhận được hàng chục câu hỏi của các đại biểu, chủ yếu xoay quanh vấn đề nguồn vốn cho doanh nghiệp trong năm 2012, quản lý thị trường vàng, xử lý nợ xấu cũng như định hướng tái cơ cấu ngân hàng. Những vấn đề này sẽ được Thống đốc tiếp tục trả lời trong buổi sáng ngày 25/11, ngay trước phần trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Theo VNE