Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Tránh chồng chéo về trách nhiệm thực hiện công tác thi hành bản án (*)
2014-05-24 06:23:00

(BTN) - Đề nghị nên xem xét bỏ quy định tại điểm đ, Khoản 2, Điều 2 với nội dung quy định “Quyết định, giám sát việc thi hành bản án, quyết định của toà án” cho phù hợp với quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008, vì nếu giữ nguyên quy định này sẽ gây nên sự chồng chéo về trách nhiệm thực hiện công tác thi hành bản án, quyết định của toà án.

Đoàn ĐBQH Tây Ninh tham dự thảo luận Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

Chiều 22.5.2014, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi) và Dự án Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Đóng góp một số nội dung trong Dự án luật này, Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) đề nghị nên xem xét bỏ quy định tại điểm đ, Khoản 2, Điều 2 với nội dung quy định “Quyết định, giám sát việc thi hành bản án, quyết định của toà án” cho phù hợp với quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008, vì nếu giữ nguyên quy định này sẽ gây nên sự chồng chéo về trách nhiệm thực hiện công tác thi hành bản án, quyết định của toà án. Có thể TAND xác định việc quyết định của toà là phù hợp, nhưng khi tổ chức thi hành thì trên thực tế có khó khăn, vướng mắc. Trường hợp này cơ quan nào sẽ có trách nhiệm xử lý?

Về tổ chức TAND cấp sơ thẩm (TAND sơ thẩm khu vực/ TAND sơ thẩm đặt tại các đơn vị hành chính cấp huyện - Khoản 4, Điều 3), ĐB Phương cho rằng Ban soạn thảo nêu những lý do để thành lập TAND sơ thẩm khu vực… không có tính thuyết phục. ĐB Phương không đồng ý việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực- TAND sơ thẩm đặt tại các đơn vị hành chính cấp huyện; và đề nghị nên giữ nguyên mô hình tổ chức TAND sơ thẩm đặt tại đơn vị hành chính cấp huyện như hiện nay.

Vì hiện nay việc TAND sơ thẩm đặt tại đơn vị hành chính cấp huyện đã đạt được những kết quả nhất định, tạo sự thuận lợi cho mối quan hệ phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng khác tại địa phương như CQĐT, VKS, tạo thuận lợi cho người dân khi đến liên hệ công tác, đồng thời vẫn đảm bảo nguyên tắc xét xử độc lập của toà án. Nếu tổ chức TAND sơ thẩm thay đổi theo hướng lập toà án khu vực sẽ kéo theo nhiều thay đổi về bộ máy tổ chức, biên chế, khối lượng công việc, về cơ sở vật chất của toà án nói riêng và cơ quan có liên quan nói chung cũng phải thay đổi cho phù hợp, trong khi điều kiện kinh tế nước ta còn đang gặp nhiều khó khăn.

 Về nhiệm vụ phát triển án lệ của TAND tối cao (điểm c, Khoản 2, Điều 12); Đại biểu Phương không tán thành với quan điểm TAND tối cao phát triển án lệ. Do án lệ là vấn đề mới, cần cân nhắc kỹ và hết sức thận trọng trong điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam chưa phát triển ổn định. Do vậy, dự thảo Luật nên quy định TAND tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật thì phù hợp hơn.

Về quản lý Hội thẩm nhân dân (Điều 74); theo đại biểu Phương, để đảm bảo tính khách quan trong xét xử và hạn chế tình trạng “chạy án” đang nhức nhối hiện nay, và đặt đúng vị trí của Hội thẩm nhân dân thuộc về nhân dân, do đó đề nghị dự thảo luật sửa đổi theo hướng Hội thẩm nhân dân do Hội đồng nhân dân bầu và do Ban Pháp chế của HĐND cùng cấp quản lý; việc tham gia xét xử của Hội thẩm nhân dân do Chủ tịch HĐND cử theo đề nghị chung (không đích danh) của Chánh án TAND cùng cấp.

Duy Quang

(*)Tựa đề do Toà soạn đặt

 

 

Từ khóa:
Tin liên quan