BAOTAYNINH.VN trên Google News

UBTVQH bàn chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước và Luật dân quân tự vệ

Cập nhật ngày: 18/07/2009 - 05:58

Kết thúc Phiên họp thứ 21 của UBTVQH

Sáng 18.7, trong buổi làm việc cuối cùng Phiên họp thứ 21, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật dân quân tự vệ, Tờ trình của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về việc thay đổi thành viên Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương và Đề án Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2015 và tầm nhìn 2020.

Cần có chiến lược phát triển kiểm toán Nhà nước

Sau khi nghe Tổng Kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ báo cáo tóm tắt Đề án Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến 2015 và tầm nhìn 2025, đa số ý kiến của các đại biểu cho rằng: Việc xây dựng và ban hành một chiến lược phát triển cho Kiểm toán Nhà nước là cần thiết, tuy nhiên phải cân nhắc nội dung, cách thức triển khai sao cho phù hợp với thực tiễn.

Về tên gọi và thời gian thực hiện Chiến lược, vẫn còn nhiều đại biểu băn khoăn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, cần xem xét lại tên gọi vì hiện nay chúng ta đang xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020. Do vậy, nếu là chiến lược phát triển phải có độ dài cần thiết ít nhất 10 năm và tầm nhìn có thể xa hơn.

Theo bà Trương Thị Mai, vị trí pháp lý của Kiểm toán trong bộ máy nhà nước chưa rõ, vị trí pháp lý của Tổng Kiểm toán cũng như vậy. Theo bà Mai, mô hình Kiểm toán các nước khác nhau, các nước châu Á, Kiểm toán thuộc Chính phủ, các nước châu Âu, Kiểm toán thuộc Quốc hội. Vì vậy, cần có nghiên cứu khoa học về mô hình kiểm toán phù hợp với Việt Nam trong 10 năm tới.

Một số ý kiến khác cho rằng, mặc dù địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước đã được quy định trong Luật Kiểm toán Nhà nước, nhưng Kiểm toán Nhà nước là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính chưa được quy định trong Hiến pháp, do vậy việc nghiên cứu bổ sung về chức năng của Kiểm toán Nhà nước, Tổng kiểm toán Nhà nước trong Hiến pháp là phù hợp.

Tổng hợp các ý kiến từ các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề nghị: Về thời gian của Chiến lược, Đề án xác định 10 năm (từ 2011-2020), tầm nhìn sẽ được tính toán tiếp.

Về mục tiêu chiến lược của Kiểm toán Nhà nước: Thống nhất phải xây dựng Kiểm toán Nhà nước là công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước để tăng cường và nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền, tài sản Nhà nước.

Về địa vị pháp lý: Ban soạn thảo đã nghiên cứu mô hình của một số nước, theo ông Kiên, đại bộ phận các nước có quy định trong Hiến pháp. UBTVQH đồng ý sẽ nghiên cứu trong thời gian tới có quy định trong Hiến pháp hay không. Song, trước mắt tập trung củng cố nâng tầm của Kiểm toán Nhà nước hoạt động có hiệu quả.

Về hệ thống tổ chức bộ máy: Tiếp tục thực hiện như hiện nay. Tổ chức theo ngành dọc, có kiểm toán trung ương, kiểm toán khu vực và kiểm toán chuyên ngành với cơ cấu hợp lý theo hướng chuyên môn hoá, thực hiện luân chuyển kiểm toán viên, tăng hiệu suất làm việc theo hướng chuyên sâu, hạn chế các tác động tiêu cực do việc thiếu luân chuyển cán bộ.

Xây dựng quỹ quốc phòng - an ninh địa phương

Dự án Luật dân quân tự vệ đã được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ năm Quốc hội khoá XII. Tuy nhiên một số vấn đề vẫn còn có ý kiến khác nhau là thời hạn thực hiện nghĩa vụ, vấn đề nguồn kinh phí, Quỹ quốc phòng - an ninh.

Về thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nòng cốt, nhiều ý kiến đề nghị nên giảm thời hạn xuống 3 năm hoặc 18 tháng, ý kiến khác đề nghị thời hạn đối với dân quân là 3 năm, tự vệ là 4 năm, có ý kiến đề nghị giữ thời hạn 5 năm như Pháp lệnh hiện hành.

Tại phiên họp này Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị giữ như dự thảo của Chính phủ là 4 năm.

Liên quan tới nguồn kinh phí, đa số ý kiến nhất trí với dự thảo Luật như Chính phủ trình, một số ý kiến đề nghị đối với những địa phương có nhiều khó khăn thì trung ương cần hỗ trợ ngân sách.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn, đối với những địa phương khó khăn, cần quy định rõ cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ.

Các ý kiến đều tán thành sự cần thiết xây dựng Quỹ quốc phòng - an ninh, trong đó có ý kiến đề nghị nên quy định theo hướng bắt buộc.

Về nguồn Quỹ quốc phòng – an ninh, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng nếu thành lập Quỹ thì không nên đặt vấn đề doanh nghiệp có trách nhiệm bố trí kinh phí. Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, nên quy định theo hướng động viên doanh nghiệp tham gia đóng góp quỹ này.

Ông Kiên cũng gợi ý vấn đề nguồn quỹ cần lấy ý kiến đại diện các doanh nghiệp và có ý kiến của Bộ Tài chính.

(Theo chinhphu.vn)