BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xây dựng chế tài hình sự nhân đạo nhưng đủ sức răn đe

Cập nhật ngày: 25/05/2009 - 05:44

Sáng 25.5, Quốc hội đã tập trung thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS). Báo cáo giải trình, tiếp thu cũng như các ý kiến thảo luận Dự thảo đều thể hiện rõ chủ trương xây dựng một hệ thống chế tài đối với các vi phạm hình sự theo hướng ngày càng nhân đạo nhưng vẫn phải đủ sức răn đe, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật cũng như đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận Dự thảo sửa đổi BLHS

Sau khi chỉnh lý, Dự thảo sửa đổi BLHS trình Quốc hội lần này đã có những bổ sung, giải trình rõ những vấn đề bức xúc, đang gây trở ngại cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng như các thay đổi phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp. Các nhà làm luật cũng đặt vấn đề xây dựng dự luật theo hướng thu hẹp khoảng cách của khung hình phạt, cụ thể hoá các quy định thiếu định lượng trước đây như... “hàng hoá có số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn”; “tài sản có giá trị lớn, rất lớn, đặc biệt lớn”; “gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”,...

Đặc biệt, chủ trương xây dựng một hệ thống chế tài hình sự theo hướng ngày càng nhân đạo thể hiện rõ trong các ý kiến tham gia xây dựng các quy định liên quan đến chủ trương hạn chế áp dụng hình phạt tử hình. Hầu hết các đại biểu Quốc hội đều tán thành hạn chế áp dụng, bỏ hình phạt này ở một số tội danh cụ thể.

Trong quá trình xây dựng dự thảo, có 17 tội danh được cơ quan soạn thảo đề xuất bãi bỏ hình phạt tử hình, đặc biệt là các tội danh liên quan lĩnh vực kinh tế.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, bên cạnh chủ trương xây dựng hệ thống chế tài ngày càng nhân đạo, thể hiện bản chất tốt đẹp của xã hội ta, thì trong tình hình và xét các điều kiện, hoàn cảnh hiện nay, cần cân nhắc kỹ, chưa nên bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh cụ thể.

Các tội danh được nhiều ý kiến đề cập “cần giữ lại chế tài nghiêm khắc nhất” là: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157), tội tham ô tài sản (Điều 278), tội nhận hối lộ (Điều 279), tội chống mệnh lệnh (Điều 316), tội đầu hàng địch (Điều 322), tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 341), tội chống loài người (Điều 342) và tội phạm chiến tranh (Điều 343). Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị chưa nên bỏ hình phạt tử hình đối với tội hiếp dâm (Điều 111); tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 231); Tội hủy hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 334).

Lý do được các đại biểu đưa ra là nhiều hành vi vi phạm thuộc các tội danh nêu trên đang diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân, liên quan tới tính mạng, sức khỏe của nhiều người trên phạm vi rộng.

Ngoài ra, các ý kiến đại biểu cũng góp ý, thảo luận một số vấn đề còn nhiều quan điểm khác nhau như việc bỏ tội sử dụng trái phép chất ma túy, quy định về nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội, miễn chấp hành có điều kiện thời hạn còn lại của hình phạt tù, nâng mức định lượng tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như sửa đổi một số điều khoản liên quan đến các tội danh khác.

(Theo chinhphu.vn)